Tết Nguyên đán Tân Sửu là một dịp thích hợp để khán giả Việt Nam được nghỉ ngơi, thưởng thức trọn vẹn những cuộc chạm trán căng thẳng tại NBA 2020-21 mà không cần bận tâm những lo toan cuộc sống thường ngày. Cũng nhân dịp đặc biệt này, cùng Sport5 nhìn lại chặng đường của Stephen Curry, một trong những ngôi sao bóng rổ hàng đầu, đồng thời cũng là một tấm gương cho nghị lực vượt khó.
Kể từ ngày trở lại NBA 2020-21, Stephen Curry đã khiến cho NHM "đứng ngồi không yên" với số điểm kỷ lục, 62 điểm khi đánh bại Portland Trail Blazers ngày 3/1. Mới đây, anh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi ghi 57 điểm trong trận gặp Dallas Mavericks. Thế nhưng ít ai biết ngôi sao Golden State Warriors cũng có điểm yếu. Chấn thương cổ chân là chướng ngại vật duy nhất cản trở sự nghiệp của anh trong những năm đầu tại NBA.
Cụ thể, chấn thương của Curry bắt nguồn từ thời còn thi đấu tại NCAA. Anh chỉ bỏ lỡ duy nhất 1 trận trong màu Davidson Wildcats do chấn thương cổ chân. Mặc dù sau đó Curry vẫn đủ điều kiện thi đấu tại NBA, là tân binh được chọn ở lượt pick thứ 7 trong kì NBA Draft năm 2009, nhưng chiếc cổ chân không lành lặn đã trở thành nỗi ám ảnh đeo bám anh suốt phần đầu sự nghiệp.
Trong 3 năm đầu tiên thi đấu tại NBA, cầu thủ trẻ đã "năm lần bảy lượt" gặp lại chấn thương cũ dẫn đến việc anh phải trả qua hai cuộc phẫu thuật cổ chân liên tiếp trong năm 2011 và 2012. Cùng giai đoạn đó, Milwaukee Bucks là đội bóng đang đi lên. Với cơn khát danh hiệu khổng lồ, họ để mắt đến các cầu thủ trẻ của Golden State Warriors và Stephen Curry nằm trong số đó.
Tuy nhiên, sau đó, Bucks đã nhanh chóng "huỷ kèo" chuyển nhượng này với đội bóng "The Dubs" bởi các chuyên gia y tế của họ cho rằng cổ chân của Curry đã bị tàn phá khiến anh không đủ khả năng giúp "Đàn Hươu Chiến" săn cúp trong tương lai. Golden State Warriors cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài đánh cược vào cầu thủ trẻ mang số áo 30.
Ở thời điểm đó, bác sĩ chuẩn đoán các cuộc phẫu thuật đã để lại nhiều mảnh vụn và mô sẹo tại chấn thương. Điều này đồng nghĩa với việc, cổ chân anh đã yếu đi rất nhiều. Dù vẫn có thể tiếp tục chơi bóng nhưng tất cả các phương pháp điều trị lúc bấy giờ đều bó tay để hồi phục cổ chân anh lành lặn 100% như ban đầu. Với một cầu thủ có lối chơi linh hoạt và lắt léo như Curry thì điều này sớm muộn cũng sẽ trở thành bi kịch cho sự nghiệp.
Chính Curry cũng có lúc muốn bỏ cuộc, anh chia sẻ: "Tôi phải dành hàng năm trời để hồi phục mà không được phép chơi bóng. Cảm giác như tôi sẽ chẳng bao giờ có thể chơi bóng trở lại". Tưởng chừng sự nghiệp của như ngôi sao Warriors sẽ sớm vụt tắt nhưng chính nỗi ám ảnh này đã mở ra một cơ duyên giúp anh đứng ở vị trí như ngày hôm nay.
Năm 2013, anh gặp được "vị cứu tinh" sự nghiệp của mình, Keke Lyles, giám đốc hiệu suất của Golden State Warriors lúc bấy giờ. Keke đã thổi một luồng gió mới vào phương thức tập luyện của Stephen Curry và cả đội bóng "Cầu Vàng". Đó là rèn luyện thể trạng ngôi sao NBA đến một mức tốt nhất để tránh chấn thương có thể "kết liễu" sự nghiệp chơi bóng.
Chân dung Keke Lyles, người lập công cứu vãn sự nghiệp của Stephen Curry
Cụ thể, thay vì dùng lực chân, Keke định hướng Curry chuyển sang dùng lực từ phần hông và cơ trọng tâm để giảm áp lực lên cổ chân. Để làm được điều đó, ngôi sao Warriors đã phải rèn luyện không ngừng nghỉ. Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn bắt gặp anh tập luyện bằng một chân để tăng cường sức mạnh phần trọng tâm.
Chỉ trong vòng một năm sau khi đổi phương pháp tập luyện, cầu thủ 32 tuổi có thể thực hiện động tác deadlift với mức tạ gấp đôi trọng lượng cơ cơ thể của mình. Anh trở thành cầu thủ khỏe thứ 2 trong đội hình Warriors lúc bấy giờ, chỉ sau người đồng đội Festus Ezeli.
Trong thời đại bóng rổ mà các cầu thủ đều ưa chuộng lối đánh ngoài, Curry vẫn nằm trong TOP cầu thủ ném tầm xa hàng đầu NBA
Kết quả là ở những mùa giải sau đó, chấn thương đã "ghé thăm" cầu thủ này ít dần. Từ chỗ chỉ chơi được 26 trận/mùa giải, Curry có thể chơi đến 80 trận trong mùa giải vô địch đầu tiên năm 2014-15. Những chấn thương mà ngôi sao NBA phải đối mặt sau đó cũng trở nên bớt nghiêm trọng.
Kể từ khi khắc phục được vấn đề chấn thương, anh thi đấu càng tự tin hơn. Curry không hề do dự khi bị kèm bởi một cầu thủ khổng lồ. Đối thủ càng to lớn và khó nhằn thì chỉ càng khiến những pha qua người của anh thêm đẹp mắt. Đó là thành quả của nghị lực chiến đấu và nỗ lực tập luyện bền bỉ.
Những pha bóng chứng minh đẳng cấp của Curry
Sau mỗi mùa giải, Curry không ngừng hoàn thiện thân. Khán giả hiếm khi nào thất vọng với ngôi sao Warriors bởi càng ngày, anh càng cho thấy một phong độ đi lên và sự trưởng thành của một cầu thủ có tuổi đời sự nghiệp 11 năm thi đấu. Tất cả đều thể hiện một khát khao chiến thắng đang lớn dần từng ngày.
Nếu như ở mùa giải năm ngoái, Stephen Curry và đồng đội phải sớm chia tay cuộc chơi thì tại NBA năm nay, anh đã sớm trở lại với hình ảnh lột xác tại phòng gym, những video "bắn 3" liên tục cùng một "siêu năng lực" mới, tự giảm nhịp tim của mình trong vòng 1 phút. Ngay cả khi mùa giải 2020-21 còn chưa bắt đầu, ngôi sao 32 tuổi đã cho thấy cơn khát vô địch to lớn như vậy.
Cầu thủ mang áo số 30 của Golden State Warriors vẫn nỗ lực từng ngày để hoàn thiện bản thân
Với sự giúp đỡ của Keke Lyles, anh đã biến điểm yếu thành thế mạnh của mình. Ngày nay, chúng ta được chứng kiến một Stephen Curry không chỉ sở hữu kĩ năng ném 3 điêu luyện, tốc độ chớp nhoáng hay điều khiển nhịp độ di chuyển "thần thánh" mà còn trở thành một trong những cầu thủ có thể lực "trâu" nhất giải đấu.
Những kỷ lục mới liên tục được thiết lập mà hiếm đối thủ nào có thể đuổi kịp anh. Không thể phủ nhận, kĩ năng là thứ khiến anh trở thành một cầu thủ đặc biệt tại giải đấu, nhưng quá trình khổ luyện vươn lên chính mình mới là yếu tố viết tên Stephen Curry lên Sảnh Danh Vọng Naismith một ngày nào đó.
Bạn nên quan tâm