Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 năm 2021 là một kỳ SEA Games đặc biệt trong lịch sử các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thời điểm hiện tại, Ban tổ chức SEA Games 31 đang khẩn trương chuẩn bị cho ngày hội lớn nhất của thể thao khu vực sẽ diễn ra từ ngày 12/5/2022 đến ngày 23/5/2022 tại thủ đô Hà Nội và 11 tỉnh lân cận. Đại hội sẽ có chương trình thi đấu gồm 40 môn thi với 526 nội dung. Hiện tại, Công tác chuẩn bị đang được thực hiện rất sôi động, khẩn trương.
Trong những ngày cuối tháng 2 này, Ban Tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 năm 2021 tại Việt Nam đã ký kết và công bố nhà tài trợ Kim cương với Công ty Cổ phần Stavian Hóa chất. Đây là nhà tài trợ Kim cương thứ 6 của Đại hội. Cũng trong buổi Lễ, Ban tổ chức công bố hai nhà tài trợ Bạch kim đầu tiên là Công Ty TNHH Nestlé Việt Nam – nhãn hàng Nestlé Milo và Công ty TNHH MTV Sàn giao dịch Digiticket.
Về công tác chuẩn bị cho SEA Games 31 của Ban tổ chức, mảng lớn nhất là nâng cấp sửa chữa cơ sở vật chất hạ tầng sẽ hoàn tất trước 18/3 - thời điểm tổ chức hội nghị Trưởng đoàn. Mảng khó nhất là tiếp thị tài trợ cũng "về đích" khi hoàn thành mục tiêu 70 tỷ đồng đặt ra. Đây là hai điểm nhấn thể hiện quyết tâm và nỗ lực cao độ của nước chủ nhà Việt Nam cho một kỳ SEA Games 31 an toàn, chu đáo, công bằng, chất lượng, theo khẩu hiệu "Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn".
Trên thực tế, nước chủ nhà, trực tiếp là ngành thể thao cùng các địa phương đăng cai, đã tích cực chuẩn bị cho SEA Games 31 trong suốt hai năm qua. Và sau khi chốt phương án mới, Ban Tổ chức đã thực sự bước vào một "chiến dịch cao điểm" để sẵn sàng cho ngày hội, màn thi tài của trên 10.000 VĐV của 10 nước trong khu vực.
Hiện tại, Ban Tổ chức đã nhận được danh sách đăng ký sơ bộ của các đoàn, với tổng số trên 7000 VĐV, trong đó riêng nước chủ nhà Việt Nam đông nhất với 1.100 VĐV. Dù gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID 19, song theo ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Phó trưởng Ban Tổ chức Đại hội, việc chuẩn bị cho Đại hội vẫn đang đảm bảo mục tiêu, tiến độ đặt ra. Trong đó, mảng quan trọng nhất là cơ sở vật chất hạ tầng, Việt Nam sẽ tận dụng các công trình sẵn có, các trang thiết bị dụng cụ hầu hết đã cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, đều đang được nâng cấp sửa chữa. Đến thời điểm này, việc nâng cấp sửa chữa đã đạt khoảng 90% yêu cầu, để đảm bảo một chương trình thi đấu đủ 40 môn với 526 nội dung như phương án đã thống nhất.
Riêng mảng khó nhất là tiếp thị tài trợ, Ban Tổ chức với cách làm mới, đã ký được những hợp đồng quan trọng. và đang tiếp tục kết nối, đàm phán, hoàn thiện để có thêm những đối tác mới. Theo tiết lộ của Bà Trần Thùy Chi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vietcontent - đơn vị đại diện tư vấn, tiếp thị tài trợ độc quyền cho BTC, mục tiêu thu được 70 tỉ đồng như cam kết với Ban Tổ chức đã đạt được.
Điều được Ban Tổ chức đặc biệt quan tâm chính là việc đảm bảo an toàn cho SEA Games 31 trước những ảnh hưởng, tác động, thậm chí nguy cơ có thể xảy ra từ dịch COVID-19 trong một điều kiện "bình thường mới". Ban Tổ chức đã phối hợp với các cơ quan chuyên trách, địa phương xây dựng phương án tổ chức phù hợp với tình hình dịch bệnh, trong đó có các "kịch bản" dự phòng đối với trường hợp dịch bệnh phát sinh phức tạp ở một số địa điểm thi đấu. Vượt qua "bão" COVID-19, hàng nghìn tuyển thủ của 40 đội tuyển quốc gia vẫn đang miệt mài tập luyện, nỗ lực vượt khó bằng cách thức linh hoạt và sáng tạo, nhằm hướng tới một kỳ SEA Games đặc biệt trên sân nhà.
Đoàn thể thao Việt Nam dự kiến sẽ tham dự đầy đủ 40 môn, cùng khoảng 90% tổng số nội dung. Nếu theo "nếp" của nhiều kỳ SEA Games, nước chủ nhà có thể dễ dàng tạo nên một ưu thế cực lớn với một chương trình thi đấu có nhiều môn, nội dung mạnh, thậm chí "đặc sản" của mình, đồng thời loại nhiều nội dung khó cạnh tranh thành tích. Với một chương trình thi đấu "chuẩn" Olympic hiếm có, Việt Nam sẽ khó khăn hơn nhiều nước chủ nhà khác, song điều quan trọng, cũng tạo nên cơ hội để thể thao Việt Nam nâng tầm, và SEA Games đột phá về chất. Có thể coi SEA Games 31 là cuộc đua tranh, màn thể hiện trình độ thực sự của thể thao các nước Đông Nam Á ở các môn Olympic, và phần nào đó Asian Games.
Ở kỳ SEA Games trước, Việt Nam đã dẫn đầu Đại hội ở các môn Olympic với 71 HCV, hơn Thái Lan tới 20 chiếc. Và như dự báo của giới chuyên môn, nước chủ nhà SEA Games 31 hoàn toàn có thể vượt qua chiến tích ấy để đua tranh sòng phẳng một vị trí trong tốp đầu.
Quá trình chuẩn bị, tổ chức SEA Games 31 sẽ chính thức được đánh dấu bằng hội nghị Trưởng đoàn vào 18/3 tới, được tổ chức theo hình thức trực tiếp. Ở thời điểm đó, việc nâng cấp sửa chữa cơ sở vật chất hạ tầng sẽ được hoàn tất toàn bộ, và Ban Tổ chức cùng các địa phương sẽ thực sự chuyển sang giai đoạn "về đích" cho một kỳ Đại hội thể thao lớn nhất khu vực lần thứ hai diễn ra trên sân nhà. Dự kiến, ngay sau Hội nghị trưởng đoàn ngày 18/3/2022, BTC sẽ tổ chức buổi tham quan thực tế công tác chuẩn bị Cơ sở vật chất cho SEA Games 31 tại các tỉnh thành phố cho khách mời tham dự Hội nghị trưởng đoàn và Đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.
Việt Nam khẳng định trách nhiệm cao nhất với đại gia đình ASEAN nói chung, thể thao khu vực nói riêng, cũng như quyết tâm, nỗ lực và hiệu quả của việc phòng chống dịch, đúng như thông điệp trong khẩu hiệu của chính SEA Games 31 "Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn" (For a Stronger South East Asia).
Bạn nên quan tâm