Đến sân xem một trận bóng đá vốn chẳng phải điều khó khăn ở thời đại ngày nay. Cần một cú click chuột đơn giản trên web hay chịu khó xếp hàng chờ mua vé ngoài cổng là bạn đã có thể thoải mái ngắm nhìn những ngôi sao bóng đá trên sân. Phải, đó là câu chuyện hết sức đơn giản trên thế giới này, nhưng đó không phải câu chuyện bóng đá ở Iran - nơi phụ nữ xuất hiện trên sân bóng đá bị coi như tội phạm.
Với Kiana và Paria, hai cô nàng xinh đẹp đến từ Iran, World Cup 2018 là lần đầu tiên họ được trải nghiệm cảm giác tự do xem bóng đá trên sân như những người bình thường. Hồi còn ở Iran, đã có lần Paria phải ngồi tù như một kẻ tội phạm chỉ vì cố đến sân xem đội bóng thành phố thi đấu. "Tôi yêu những môn thể thao và đặc biệt là bóng đá. Tuy nhiên, ở Iran thì phụ nữ không có quyền đến sân xem", cô kể lại. "Một ngày nọ, tôi hạ quyết tâm đi xem bằng được. Và thế là người ta tống tôi vào tù".
Kiana và Paria đem lá quốc kỳ Iran đến cổ vũ đội tuyển thi đấu ở World Cup 2018.
Chuyện xảy ra vào hồi tháng ba. Khi ấy có tin đồn rằng chính quyền Iran đang cân nhắc bãi bỏ lệnh cấm phụ nữ xuất hiện ở những sự kiện thể thao. Tuy nhiên, lời đồn thì vẫn chỉ dừng ở mức lời đồn. Paria đã học được một bài học đắt giá: Đừng bao giờ tin vào tin đồn khi chưa có ai xác nhận.
Nghĩ rằng những nhà cầm quyền đã nới lỏng luật lệ hơn với những người phụ nữ, cô và người bạn trai quyết định cùng nhau đến xem trận derby thủ đô Tehran giữa Persepolis và Esteghlal. Kết quả sao chắc tất đã rõ. Mà không phải chỉ Paria, ngày hôm đó có tận 29 người phụ nữ khác cũng đều tin vào cái lời đồn thất thiệt kia để rồi 30 người bọn họ cùng nhau lên xe cảnh sát về đồn. Không rõ ngày hôm đó những người cảnh sát đã ghi gì vào hồ sơ phạm tội của Paria? Chẳng lẽ tội danh "Sinh ra là phụ nữ trong một xã hội trọng đàn ông" sao?
Chúng ta thấy thật tức cười khi chứng kiến những câu chuyện như vậy nhưng đó là thực tế mà những người phụ nữ đã phải chịu đựng suốt một thời gian dài ở Iran. Từ sau Cách mạng Hồi giáo 1979, phụ nữ Iran đã bị cấm đến sân xem bóng đá do luật tách biệt nam nữ ở nơi công cộng. Tức là, nói chính xác hơn thì ngay cả việc những người phụ nữ nước này tập trung xem bóng đá ở một quán cafe cũng là hành động bất hợp pháp.
Tuy nhiên, luật cấm trên chỉ đặc biệt nhắm đến phụ nữ Iran, những fan hay phóng viên nữ nước ngoài có thể tự do ra vào sân mà không gặp trở ngại gì. Như trong trận giao hữu trước giữa Iran và Syria hồi tháng 9 năm ngoái, lực lượng an ninh tại sân Azadi vẫn cho phép những người phụ nữ ngoại quốc vào sân, tuy nhiên, họ lại kịch liệt xua đuổi nếu có một người phụ nữ Iran xuất hiện.
"Tôi đã ở một đêm trong tù", Paria kể lại. "Những người cảnh sát đều rất lịch sự. Chỉ có điều để lỡ trận đấu đó thực sự khiến tôi tức điên".
Những biểu ngữ đòi quyền lợi cho phụ nữ Iran xuất hiện trong trận đấu mở màn World Cup 2018 của Iran trước đối thủ Morocco.
Không thể xem bóng đá ở quê nhà nhưng việc Iran giành quyền tham dự vòng chung kết World Cup đã mang đến cho họ một cơ hội không thể tuyệt vời hơn để chứng kiến những tuyển thủ quốc gia thi đấu tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh mà không phải lo ngay ngáy bị cảnh sát gô cổ.
Paria, Kiana cùng bạn trai cô, ba người quyết định đặt vé máy bay tới Nga và xem tất cả những trận đấu của Iran tại vòng bảng. Hồi tuần trước, họ đã ở Saint Petersburg để chứng kiến trận thắng 1-0 của Iran trước đối thủ Morocco. Chiến thắng tối thiểu nhưng đủ giúp đại diện châu Á vươn lên dẫn đầu bảng đấu có sự góp mặt của cả Tây Ban Nha lẫn Bồ Đào Nha.
Với Paria và Kiana, chiến thắng của đội tuyển là niềm hạnh phúc, nhưng họ còn vui hơn khi lần đầu được xuất hiện hợp pháp trên sân vận động. "Tôi đã xem rất nhiều trận bóng từ ngày còn nhỏ", Kiana chia sẻ. "Tôi không có anh trai nên ba là người đã chỉ cho tôi coi bóng đá hấp dẫn thế nào. Kể từ ấy, tôi đã trở thành fan của môn thể thao này".
Và cũng đừng hỏi vì sao cô phải khổ sở đi cả chặng đường dài 1.900 dặm chỉ để một lần bước vào sân bóng đá. Bởi trải nghiệm đó thật sự quá đỗi tuyệt vời với một trái tim yêu bóng đá đã bị kìm hãm quá lâu như Kiana.
"Kể từ giây phút bước vào sân bóng với những tiếng hò reo của các cổ động viên và được nhìn thấy những cầu thủ nước nhà thi đấu, tôi đã cảm thấy thật tự hào biết bao", cô nói bằng một giọng phấn khích. "Lúc ấy, tôi đã nghĩ rất nhiều về lý do mà người ta cấm phụ nữ không được vào sân vận động. Vì sao chứ? Chúng tôi cũng cổ vũ đội tuyển khác gi những người đàn ông đâu".
Giống như những người khác trên sân vận động, Kiana cũng hò reo cổ vũ cho các cầu thủ thi đấu: "Hamle, hamle, Iran hamle" (Tiến lên, Tiến lên, Tiến lên Iran". Hít một hơi thật sâu, cô nói bằng một giọng trầm khác lạ: "Thấy chưa, tôi thua gì mấy người đàn ông đâu", Kiana cười sảng khoái.
Phụ nữ Iran thoải mái cổ vũ bóng đá trên sân vận động Kazan.
Kiana và Paria không phải hai người phụ nữ Iran duy nhất xuất hiện tại kỳ World Cup năm nay. Nghe thật mỉa mai nhưng sự thật đất nước cấm phụ nữ đi xem bóng đá lại có tỷ lệ người hâm mộ nữ cao nhất tại giải đấu lần này. Thành phố Kazan là nơi tập trung rất nhiều cổ động viên Iran. Nhưng không chỉ có những người ở Tehran, họ đến từ nhiều nước trên thế giới mà chủ yếu là Australia, Mỹ và Đức.
"Trong số 30.000 cổ động viên Iran ở đây", Paria cho biết, "có tới 10.000 người là nữ". Dĩ nhiên, sẽ rất khó để bạn nhận ra những người ấy là phụ nữ Iran trừ khi họ cất tiếng nói. Vì sao ư? Đến Nga, họ không còn phải bó buộc trong những bộ trang phục truyền thống cùng tấm khăn chùm. Ở đây, họ có thể thoải mái mặc những gì họ muốn, như một chiếc short ngắn hay một bộ đồ bốc lửa nào đó - tất nhiên, thật khó để tưởng tượng một người phụ nữ Iran khi "bung lụa" sẽ hấp dẫn đến thế nào.
"Ở quê nhà, chúng tôi không được phép mặc những đồ này ra đường, ở trong nhà thì được", Kiana, người đang mặc chiếc short bò và áo đấu của ĐT Iran cho hay. "Chúng tôi không nhất thiết phải choàng khăn kín mặt nhưng lúc nào mái tóc của chúng tôi cũng cần phủ bởi một lớp khăn"
Trong kinh Quran (thánh kinh của Hồi giáo), Thượng đế nói với các tín đồ cả nam lẫn nữ rằng phải luôn nhìn thấp và ăn mặc thật giản dị. Ngài đặc biệt gửi thông điệp đến các nữ tín đồ về việc không được phô trương vẻ đẹp của họ ngoại trừ việc đó là tự nhiên và phải luôn che chắn toàn bộ cơ thể.
Trong quan niệm Hồi giáo, việc sử dụng khăn Hijab thể hiện phẩm giá và tiết hạnh của người phụ nữ, trong khi đó danh dự của họ lại ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của gia đình và dòng họ. Như vậy quấn khăn Hijab là hành động bắt buộc để thể hiện sự tôn trọng gia đình.
"Các bạn từng nghe về ngày thứ tư trắng chưa", Kiana hỏi. "Chúng tôi ủng hộ Masih Alinejad [một nhà hoạt động xã hội sáng lập ra tổ chức bảo vệ sự tự do]. Cứ đến ngày thứ tư, chúng tôi lại mặc đồ trắng. Những người đàn ông ủng hộ phụ nữ chống lại khăn hijab cũng sẽ mặc như vậy. Vài người phụ nữ mạnh mẽ hơn thậm chí còn dám bỏ cả khăn hijab ra. Dĩ nhiên chúng tôi không dám làm vậy, cả tôi lẫn cô ấy đều không đủ can đảm".
Những người phụ nữ phải chùm khăn hijab trong khi nam giới có thể tự do mặc những gì họ muốn.
Việc lựa chọn những trang phục "phá cách" như lúc này đồng nghĩa với việc cả Kiana lẫn Paria đều không được phép bước chân vào những nhà thờ Hồi giáo cổ xưa. Ngay đằng sau họ thôi là một nhà thờ như vậy, cổ kính nhưng cũng không kém phần tráng lệ. Ngặt nỗi, ngay trước cửa là một hình ảnh cấm những phụ nữ không mặc trang phục truyền thống đặt chân vào.
Dù vậy, đến hay không cũng chẳng phải vấn đề quá to tát với hai cô gái.
"Đi thôi", Kiana nở nụ cười. "Chúng tôi có quá đủ nhà thờ Hồi giáo ở Iran rồi. Cũng chẳng nhất thiết phải xem thêm đâu mà".
Chuyến đi tới Nga này cũng có thể coi như một dịp họ được sống là chính mình trước khi trở lại với những luật lệ cổ xưa tại quê nhà. "Bóng đá đang khiến thế giới dần thay đổi", Pedro, anh bạn trai của Kiana lên tiếng. "Nhưng nó không thể làm tất cả một mình, sẽ còn cần nhiều yêu tố nữa. Chính trị lúc này là một vấn đề nhạy cảm ở Iran. Chúng tôi mong những sự thay đổi tốt đẹp hơn sẽ đến".