Dấu ấn lớn nhất của bóng rổ Việt Nam trong giai đoạn vừa qua là tấm huy chương Đồng ở hai nội dung 5x5 và 3x3 mà ĐTQG giành được tại SEA Games 2019 Philippines. Đây cũng là kết quả dễ nhìn thấy nhất, sau 5 năm chuyển mình của trái bóng cam ở mảnh đất hình chữ S.
Ông Lê Hoàng Anh – Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam (VBF) cho biết: "Bóng rổ, cũng như nhiều môn thể thao ở Việt Nam nhiều năm qua như quả trứng gà, được ấp ngày qua ngày, nhưng chờ mãi không thấy chú gà con nào."Gà mẹ" có nhiều trứng nên ấp mãi không thành con được, hoặc cũng có quả trứng ở vị trí đắc địa giữa lòng mẹ đã thành hình, nhưng mãi nấp sau "vỏ bọc" mà không thoát ra và lớn lên".
Nói về giai đoạn chuyển mình từ 2015 đến nay, trong đó có dấu mốc SEA Games 2019, ông Lê Hoàng Anh nhiều lần nhấn mạnh về sự "rạn vỡ" một cách chủ động của bóng rổ Việt Nam. Theo ông, bóng rổ đã mạnh dạn, chủ động để hướng khỏi lối mòn xưa cũ, đồng thời tiếp tục chủ động để phát triển, nhưng phải đặt trong kiểm soát để không đổ vỡ.
"Phải thay đổi tư duy trong quản trị liên đoàn, trong phát triển bóng rổ chuyên nghiệp, trong hệ thống thi đấu, đội tuyển quốc gia… trong sở hữu và đồng sở hữu, trong cạnh tranh và hợp tác, trong lối mòn và mở đường và cả trong quản lý nhà nước về thể thao thì bóng rổ mới phát triển", ông Lê Hoàng Anh cho biết.
Tư duy ấy phải bắt nguồn từ những người lãnh đạo cao nhất của VBF. Chuyển biến của bóng rổ Việt Nam thời gian qua cái gốc xuất phát từ đó và đó là yếu tố mang tính quyết định. Lãnh đạo VBF xác định phải kết hợp nội lực và ngoại lực, trên cả 3 phương diện: Bóng rổ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông; Bóng rổ Việt Nam và các tổ chức thể thao quốc tế; trọng tài, HLV, VĐV bóng rổ Việt Nam và trọng tài, HLV, VĐV bóng rổ nước ngoài.
Ông Lê Hoàng Anh nhớ lại: "Khi chúng tôi nhận bàn giao từ nhiệm kỳ trước là 5 không và 1 có: 5 không đó là không tiền, không tài sản, không con người, không tài liệu, không muốn bàn giao. Một có là có con dấu. Với hiện trạng như vậy, với vốn bằng không, nội lực yếu, uy tín thấp thì bắt đầu từ đâu và như thế nào để giải quyết được cả 3 vấn đề trên? Chúng tôi xác định phải bắt đầu từ cái mới, một giải đấu mới, khác biệt và chuyên nghiệp để giải quyết tất cả".
"Nhưng thách thức rất lớn, có thể nói là khó có thể vượt qua khi VBF tất cả đang là số 0. May mắn là Chủ tịch VBF Nguyễn Bảo Hoàng với tầm nhìn, uy tín của mình quy tụ được một số doanh nhân chia sẻ quan điểm, cùng VBF thiết lập nên VBA, một giải bóng rổ theo mô hình thể thao, giải trí, chuyên nghiệp".
"Trong những năm qua, VBA đã và đang làm rất tốt sứ mệnh của mình, tạo ra sự thay đổi tích cực cho phong trào bóng rổ Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển đa dạng các trung tâm đào tạo, trợ lực quan trọng cho các ĐTQG. Bên cạnh đó, họ cũng tạo môi trường rèn giũa, nâng cao năng lực chuyên môn của lực lượng giám sát, trọng tài… VBA đã và đang là "đầu kéo" cho bóng rổ Việt Nam".
Phó Chủ tịch VBF đánh giá, hai năm vừa qua, ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 đã tạo một nốt trầm sau sự thăng hoa ở SEA Games 2019 đối với bóng rổ Việt Nam. Tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 là rất lớn và bóng rổ Việt Nam cũng không nằm ngoài phạm vi chịu ảnh hưởng.
Hàng loạt tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội thời gian qua cũng chính là các địa phương có phong trào bóng rổ tốt như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ ... khiến mọi hoạt động liên quan gồm thi đấu, tập luyện ... đều đóng băng. Các trung tâm đào tạo bóng rổ, các doanh nghiệp hoạt động liên quan đều đóng cửa, tạm dừng hoạt động và kể cả phá sản. Nhiều lao động, kể cả VĐV, HLV, trọng tài mất thu nhập.
Ông Lê Hoàng Anh trầm ngâm chia sẻ: "Dù đã có những chỉ đạo nghiên cứu để tổ chức theo mô hình "cách ly, khép kín" để đạt được "trạng thái bình thường mới" và giải ngân ngân sách được phân bổ nhưng tính khả thi của việc tổ chức các giải đấu này trong 3 tháng còn lại của năm 2021 là rất thấp".
Theo ông Lê Hoàng Anh, mặc dù giải ngân là động lực rất lớn, nhưng định mức chi của nhà nước dành cho giải đấu là rất thấp. Trong khi đó tổ chức xã hội và doanh nghiệp không thể chung tay vì chưa có được sự minh bạch trong sử dụng ngân sách tổ chức giải.
VBA 2021 liên tục phải thay đổi kế hoạch, chuyển từ mục tiêu hoàn thành giải đấu sang mục tiêu xây dựng mô hình giải đấu thích ứng với dịch Covid-19 để sẵn sàng "sống chung với dịch bệnh". Các sản phẩm truyền thông từ hoạt động bóng rổ gần như không có. Do đó, việc tiếp lửa đam mê tập luyện và thi đấu bóng rổ cũng bị "nguội và lạnh" đi rất nhiều.
Tuy nhiên, trong tình thế khó khăn nhất, ông Lê Hoàng Anh nhấn mạnh: "Phải biến khó khăn, thách thức ấy thành động lực phát triển. Trong khó khăn mới thật sự cần quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo để đi trước và mở đường".
Theo ông Lê Hoàng Anh, VBA phải là trụ cột, là người "giữ lửa" và "truyền lửa". Sản phẩm từ bóng rổ nói chung và từ VBA nói riêng cần được cung cấp sớm, kịp thời, ít nhất là thông qua truyền thông như một liều vaccine tinh thần cho người dân, giúp giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, nhất là đối với thanh thiếu niên trong vùng dịch.
Quan trọng nhất, VBA phải xây dựng được mô hình thích ứng với dịch Covid-19. Mặc dù quyết định hủy mùa giải VBA 2021 là điều không mong muốn, nhưng đó không hoàn toàn là thất bại vì tất cả mọi việc đều nằm trong các phương án với những mục tiêu cụ thể, trong đó thành công đáng chú ý là xây dựng được mô hình "tập trung cách ly" với sự ra đời VBA Bubble.
Tất cả các quy định, yêu cầu của cấp có thẩm quyền về đảm bảo an toàn phòng dịch đã được thực nghiệm, vận hành thành công và VBF sẵn sàng chia sẻ những bài học thực tế để giúp các giải thể thao khác cùng vận dụng và quay trở lại trong thời gian sớm nhất.
VBA 2021 là giải đấu lần đầu tiên có sự góp mặt của ĐTQG nhằm chuẩn bị cho mục tiêu đổi màu huy chương tại SEA Games 31 trên sân nhà. Dù không diễn ra trọn vẹn, giải đấu vẫn giúp ĐTQG duy trì thể lực cũng như thử nghiệm các chiến thuật mới trong thời gian tập trung tại VBA Bubble ở Nha Trang (Khánh Hòa).
Trong hơn 70 ngày, ĐTQG được bố trí tập luyện với chất lượng cao, cũng như được thi đấu một loạt trận thực nghiệm với các đội bóng mạnh, sở hữu những ngoại binh dày dạn kinh nghiệm trên đấu trường quốc tế. Với những điều kiện như vậy, ĐTQG đã được chuẩn bị tư thế sẵn sàng tranh tài, cạnh tranh huy chương tại kỳ SEA Game 31 sắp tới.
Hiện tại, bóng rổ là 1 trong số ít các ĐTQG hoạt động hoàn toàn dựa vào nguồn xã hội hóa và thời gian duy trì đội đang bị kéo dài so với kế hoạch, do SEA Games 31 buộc phải lùi thời gian tổ chức sang năm 2022. Ông Lê Hoàng Anh cũng nhấn mạnh, việc duy trì đội trong thời gian dài là khó khăn và có nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh của dịch Covid-19 như hiện nay.
Ngoài sự đoàn kết, chung tay, phối hợp từ nhiều phía, vai trò của Tổng cục TDTT là rất quan trọng. VBF cố gắng huy động nguồn lực đầu tư cho ĐTQG, không có nghĩa là không cần nguồn lực từ nhà nước. Việc cấp ngân sách cho các đội tuyển, các môn thể thao rất cần hoàn thiện nguyên tắc, tiêu chí, định mức gắn với kết quả đầu ra và quan trọng là minh bạch, công khai trên cổng thông tin điện tử của ngành.
Bên cạnh đó, họ cũng phải sớm thực hiện việc "giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước" cho các Liên đoàn. Cơ quan quản lý nhà nước sớm chủ động nhường lại những việc không thuộc chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
Lãnh đạo Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam tin tưởng, những sự thay đổi này sẽ kích hoạt được niềm tin, sự đầu tư của xã hội cho thể thao nói chung và bóng rổ nói riêng, giải quyết được nhiều vấn đề căn cơ cho sự phát triển, phá vỡ những "vỏ trứng" giúp "đàn gà con" sớm trưởng thành, lập được những mục tiêu lịch sử tiếp theo.
Ảnh: VBA.