Chúng ta đã nghe nhiều về những câu chuyện đầy cảm hứng của những ngôi sao bóng đá xuất thân nghèo khổ để có xu hướng nghĩ rằng, phần lớn các cầu thủ đều có một tuổi thơ khó khăn. Dù sao thì bóng đá khởi phát là môn thể thao của tầng lớp lao động, giới bình dân.
Vì vậy tất cả sẽ cảm thấy lạ lẫm khi ai đó lớn lên trong gia đình khá giả, hoặc rất giàu. Thay vì sống ở khu ổ chuột, đi chân trần và đá quả bóng làm từ giẻ rách, họ sống trong những biệt thự rộng lớn, tận hưởng nền giáo dục cũng như cuộc sống chỉ dành cho giới thượng lưu. Dĩ nhiên số này không nhiều. Thậm chí rất ít.
Patrick Bamford nằm trong số ít đó. Anh có họ hàng xa với Sir Anthony Bamford, Chủ tịch tập đoàn xây dựng JCB có khối tài sản 4,7 tỷ USD. Nhưng ngay cả khi không có mối liên hệ nào, gia đình Bamford vốn đã rất khá giả. Nhờ đó, anh được học ở trường tư Nottingham High, biết chơi và chơi khá giỏi violin, guitar, saxophone, piano cũng như thông thạo 3 thứ tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha.
Bamford bắt đầu theo đuổi bóng đá năm 8 tuổi ở Học viện Nottingham Forest. Nhưng như anh kể, bố mẹ rất kén chọn những gì mà anh có thể làm. Họ đồng ý để cậu con trai chơi bóng đá với điều kiện, phải là người chơi giỏi nhất. Đồng thời, đảm bảo việc học hành không đứt quãng.
Bamford không khiến họ thất vọng. Ngoài việc ra mắt đội một Nottingham Forest năm 18 tuổi, anh còn tốt nghiệp phổ thông trung học GCSE với 5 điểm A* tuyệt đối và hoàn thành chương trình A level ở 3 môn tiếng Pháp, Lịch sử, Sinh học. Thành tích học tập xuất sắc này khiến Bamford nhận được học bổng của Đại học Harvard. Tuy nhiên, anh từ chối để phát triển sự nghiệp bóng đá.
Trong một thời gian dài, bố mẹ Bamford cho rằng con trai đã lựa chọn sai. Anh được Chelsea mua về nhưng không được trao cơ hội, sau đó trôi dạt tới 6 đội khác nhau ở các giải đấu cấp thấp theo dạng cho mượn suốt 5 năm từ 2012-2017.
Một trong những lý do Bamford ít được trọng dụng chính là xuất thân giàu có. Ví dụ như HLV Sean Dyche của Burnley, người chỉ sử dụng tiền đạo người Nottinghamshire 6 lần trong cả mùa giải 2016/17. Theo quan điểm của ông ta, Bamford được nuông chiều và kiêu ngạo, tất nhiên cũng không có động lực phấn đấu như những cầu thủ khác.
Bước ngoặt trong sự nghiệp Bamford đến năm 2018, khi anh được Leeds mua về với giá 7 triệu bảng sau thành tích ghi 11 bàn cho Middlesbrough ở Championship. HLV Marcelo Bielsa không bận tâm tới xuất thân cầu thủ. Hoặc có, nó cũng không phải vấn đề bởi ông thầy người Argentina cũng lớn lên trong một gia đình giàu có ở Argentina. Thứ duy nhất Bielsa quan tâm là năng lực sân cỏ. Bamford có những tố chất mà ông tìm kiếm, là sự năng động, chăm chỉ, tự tạo cơ hội và độc lập tác chiến.
Là một chiến lược gia bậc thầy, Bielsa đã từng bước cải thiện Bamford trở thành tay săn bàn hiệu quả. Cùng với đó, ông cho cậu học trò thứ mà anh ta chưa bao giờ có: sự khích lệ và tin tưởng.
Như trong một buổi chiều đầy sương mù ở Tây Yorkshire, trên sân tập của Leeds, Bamford đã ghi bàn bằng một cú volley ngoạn mục. Từ đằng xa, Bielsa, vốn là một người ít gần gũi với cầu thủ, đã chạy hơn 50m chỉ để ôm lấy và tán dương anh.
Đó là cách để thiếu gia vùng Nottinghamshire cất cánh. Mùa trước, Bamford ghi 16 bàn giúp Leeds thăng lên Premier League. Trận mở màn mùa này gặp Liverpool, ở tuổi 27, anh ghi bàn đầu tiên tại giải đấu hàng đầu nước Anh. Từ đó tới này, Bamford đã ghi 6 bàn để đứng thứ 4 trong danh sách Vua phá lưới.
"Rất nhiều người đã nghi ngờ tôi, nhưng tôi chứng minh cho họ thấy tôi có thể làm được những gì", ngôi sao của Leeds nói.
Công tử con nhà giàu, học giỏi, chơi đàn hay lại đá bóng xuất sắc, mấy ai được như anh, Bamford?