Nhạc sĩ lễ khai mạc xin từ chức vì không chịu nổi áp lực từ dư luận
Keigo Oyamada là cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong quá trình chuẩn bị Olympic 1 tuần trở lại đây. Nhạc sĩ 52 tuổi soạn nhạc cho lễ khai mạc Thế vận hội và vừa quyết định từ chức vào tối 19/7, chỉ 4 ngày trước khi sự kiện bắt đầu.
Trước đó, Oyamada khẳng định sẽ không từ chức vì lễ khai mạc đã cận kề nhưng cuối cùng phải thay đổi quyết định vì không chịu nổi áp lực từ dư luận. Quá khứ đen tối từ 27 năm trước của nhạc sĩ này bị đào bới lại. Khi ấy, ông khoe khoang về việc bắt nạt những bạn học, bao gồm cả những người khuyết tật khi còn nhỏ. Những người này bị bắt lại, yêu cầu khoả thân, ăn những đồ bẩn thỉu rồi mới được thả ra.
Oyamada kể lại câu chuyện cho hai tạp chí trong năm 1994 và 1995. Thời điểm ấy, Oyamada không hối tiếc với quyết định của mình và làm dấy lên làn sóng phẫn nộ.
27 năm sau, sự việc bị khơi lại khi Keigo Oyamada được công bố là nhạc sĩ soạn nhạc cho lễ khai mạc và bế mạc Olympic Tokyo 2020. Ông ngay lập tức gửi lời xin lỗi và mong muốn được cống hiến cho sự kiện lớn của đất nước. Thế nhưng, phần đông báo chí và người dân Nhật Bản vẫn không chấp nhận.
Họ đặt câu hỏi tại sao BTC Olympic và Paralympic Tokyo 2020 lại quyết định chọn Oyamada mà quên mất quá khứ của nhạc sĩ này. "Làm thế nào một người đã thực hiện hành phi phân biệt đối xử và bạo lực như vậy có thể đủ tiêu chuẩn để tham gia Thế vận hội Olympic và Paralympic?", một nhà phê bình nghệ thuật Nhật Bản chia sẻ trên trang Twitter cá nhân.
Diễn biến sự việc khiến những người tổ chức Olympic bối rối. Ban đầu, không ai muốn loại Oyamada khỏi sự kiện, thậm chí, giữ lại phần nhạc mà ông đã làm cho lễ khai mạc. Đến ngày 19/7, mọi thứ thay đổi 180 độ. Giám đốc điều hành Toshiro Muto thông báo sẽ thay thế toàn bộ phần nhạc của Oyamada, dù cho nó rất quan trọng.
Nhạc sĩ Oyamada làm phần nhạc dài 4 phút được phát cùng video khai mạc Olympic và giờ BTC phải gấp rút tìm phương án "chữa cháy". "Mặc dù bài hát khai mạc đang để trống nhưng trách nhiệm của chúng tôi là khôi phục nó thành công vì đó là biểu tượng của Thế vận hội", ông Toshiro Muto chia sẻ với Sports Hochi.
Olympic Tokyo mất điểm vì những phát ngôn và hành động xấu xí
Với Olympic và Paralympic Tokyo 2020, Nhật Bản đưa ra khẩu hiệu "United by Emotion" (Gắn kết bằng cảm xúc), mong muốn tất cả được kết nối, vượt qua bức tường ngăn cách như quốc tịch, tôn giáo, màu da,… để có thể thấu hiểu lẫn nhau.
Sự chỉn chu của người Nhật trong khâu tổ chức luôn được ghi nhận. Nỗ lực bước tiếp sau một năm trì hoãn vì đại dịch Covid-19 cũng xứng đáng được biểu dương. Thế nhưng, không phải điều gì cũng diễn ra tích cực.
Vụ việc của Keigo Oyamada không phải lần đầu tiên Olympic Tokyo bị "tấn công" bởi những bê bối liên quan đến tham nhũng hay phân biệt giới tính.
Tháng 2/2021, ông Yoshiro Mori, Trưởng BTC Olympic Tokyo 2020, phát biểu việc nhiều phụ nữ nói quá nhiều mỗi lần tham dự khiến các cuộc họp thường có xu hướng kéo dài. Cựu thủ tướng Nhật Bản sau đó phải từ chức, rời khỏi vị trí Trưởng BTC.
Tháng 3/2021, ông Hiroshi Sasaki, Giám đốc sáng tạo phụ trách lễ khai mạc, bế mạc của Olympic và Paralympic Tokyo 2020, buông lời xúc phạm nữ nghệ sĩ hài Naomi Watanabe. Ông gọi cô là "Olympig" (con lợn của Thế vận hội). Sau nhiều chỉ trích, ông cũng phải tuyên bố từ chức vào ngày 18/3.
Ngày 19/7, các báo cáo của cảnh sát Tokyo cho biết họ đã bắt giữ một người đàn ông Uzbekistan làm việc bán thời gian tại Olympic. Người này bị tình nghi tấn công tình dục một cô gái Nhật Bản ở độ tuổi 20 ngay tại SVĐ quốc gia mới ở Shinjuku.
Chưa hết, một nhóm người Mỹ và Anh làm việc ở Olympic cũng bị bắt giữ vì tàng trữ ma tuý. Một VĐV cử tạ người Uganda trốn khỏi làng VĐV Olympic, tìm cơ hội ở lại Nhật Bản để thoát khỏi đói nghèo cũng được nhắc đến trên nhiều mặt báo.
Trước những câu chuyện này, Nhật Bản đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế vì đại dịch, những cuộc biểu tình từ người dân khắp cả nước phản đối việc tổ chức Olympic. Chính phủ Nhật Bản có 6 tháng đầu năm 2021 đầy vất vả để đưa Olympic đi đúng hướng.
Tờ Financial Times nhận định: "Thế vận hội lẽ là một đại hội thể thao nhưng dường như luôn là một lễ hội đầy rắc rối".
Không ai mong muốn Nhật Bản đi vào vết xe đổ như những nước chủ nhà trước đó. Olympic Athens 2004 từng kéo theo cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ ở Hy Lạp. Trung Quốc, Brazil phải giải quyết những địa điểm thi đấu tỷ USD bị bỏ hoang sau Olympic 2008 và 2016. Brazil đối mặt khủng hoảng an ninh và y tế cộng đồng vì dồn tiền cho tổ chức Thế vận hội.
Những sự việc vừa qua chỉ là khởi đầu. Nhật Bản được kỳ vọng sẽ tổ chức một kỳ Olympic thành công như họ đã từng làm vào năm 1964. Năm ấy, Nhật Bản gửi tới thế giới thông điệp hồi phục kinh tế sau chiến tranh. Còn hiện tại, Olympic Tokyo sẽ thể hiện hình ảnh một nước Nhật đứng lên sau "thảm hoạ kép" động đất và sóng thần năm 2011, cùng nhân loại vượt qua cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19.
Olympic Tokyo tổ chức từ ngày 23/7 đến 8/8. Thế vận hội năm nay có 11.000 VĐV tham dự tới từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ là đoàn đông nhất với 630 VĐV, xếp sau là Nhật Bản với 552 VĐV.
Đoàn thể thao Việt Nam đến Nhật Bản với 18 VĐV, đứng thứ 6 ở Đông Nam Á. Thái Lan dẫn đầu với 42 VĐV, xếp sau lần lượt là Malaysia (30), Indonesia (28), Singapore (22) và Philippines (19).