Ngày 11/12/1981, khi Rasheda mới chỉ 11 tuổi, cô đã cùng các anh chị tới xe cha so tài cùng Trevor Berbick. Không bang nào của Mỹ chấp thuận trận đấu này nên cả nhà phải sang tận Bahamas. Tuy nhiên, điều này không khiến cô quan tâm. Cha mẹ ly hôn từ năm cô mới 5 tuổi. Rasheda thì sống với mẹ ở Chicago. Vì thế, bất kỳ cơ hội nào được gặp cha cũng rất quý giá.
Rasheda hiểu biết khá nhiều về boxing dù khi đó mới chỉ học cấp 1. Cô cũng biết cha, Muhammad Ali vĩ đại, rất nổi tiếng. Nhưng giờ nếu có một điều ước, cô sẽ mong trận đấu đó không diễn ra.
"Mọi thứ thật tồi tệ. Cha của tôi khi đó đã lớn tuổi (39 tuổi), không còn có thể trạng tốt nhất. Tôi biết cha không nên thi đấu thêm nữa. Những tay đấm trẻ hơn sẽ hạ ông ấy. Tôi đã muốn ông ấy suy nghĩ kỹ về cuộc đấu đó. Sau này, có một tấm ảnh chúng tôi chụp với nhau. Ông ấy cố hôn tôi còn tôi thì nói, 'cha ơi hãy dừng trận đấu'", Rasheda nhớ lại.
Đó cũng là trận đấu cuối cùng của Ali. Kể từ đó, cuộc sống của cô cũng bình lặng hơn. Rasheda sau đó cưới doanh nhân Bob Walsh và có 2 người con trai. Tuy nhiên, vì cuộc sống, cô buộc phải chuyển đến Las Vegas. Nhưng có một điều cô không bao giờ quên - đưa các con của mình thăm ông ngoại ở Arizona vào mỗi tháng.
Có thể với nhiều người, họ sẽ gọi Ali là "tay đấm vĩ đại nhất". Nhưng với những cậu nhóc của Rasheda, thì Ali chỉ được gọi đơn giản "Poppy" mà thôi. Lớn dần, cậu cả của Rasheda tìm được đam mê mới đó là môn bóng bầu dục. Còn cậu em Nico thì khác. "Nó hoài cổ hơn", Rashedo nói về Nico. Ngày nhỏ, Nico rất thích ở gần ông, nghe ông kể chuyện.
Cả hai cũng có cùng đam mê với phim ảnh, thường là những phim kinh dị. Ali rất thích những bộ phim về Ma cà rồng, đặc biệt là phiên bản được đóng vào năm 1958 của Christopher Lee. Sau đó, Nico cũng giới thiệu với ông những bộ phim mới hơn như "Drag Me to Hell". Cả hai cũng thích xem "King Kong".
Những cuộc nói chuyện của cả hai, ban đầu là trên chiếc ghế da tại Arizona và sau này là qua FaceTime - đều kết thúc bằng boxing. Nico khi ấy không tập quyền Anh nhưng cậu cảm thấy hào hứng với nhưng trận đánh đã làm nên tên tuổi cho ông ngoại.
"Điều gì quan trọng nhất với một võ sĩ thế, Poppy?", Nico hỏi.
"Nhảy và di chuyển", Ali trả lời.
"Poppy, thế còn tập luyện thì sao?"
"Cháu hãy tập di chuyển, tập di chuyển".
Cuối cùng, Nico cũng tìm thấy một phòng gym ở Las Vegas và bắt đầu tập luyện. Trận nghiệp dư đầu tiên, cậu thua và về nhà với một cái mắt bị tím.
"Con biết đây là môn khó nhằn nhất từng được tạo ra chứ", mẹ của Nico hỏi.
Tất nhiên, Nico hiểu rõ điều này. Anh cũng biết nếu theo nghiệp quyền Anh, việc bị so sánh với ông ngoại là không thể tránh khỏi. Nhưng trong thâm tâm, Nico hiểu chỉ có một Poppy duy nhất.
"Con muốn tiếp tục chứ? Con có thể chơi bóng đá hoặc bóng rổ như những đứa trẻ khác mà?"
"Không, con muốn thi đấu", Nico quả quyết.
Cậu bé vẫn không bỏ cuộc. Nico sau đó ghi danh vào một số giải đấu ở Arizona, có thắng, có thua. Một ngày, Nico tới gặp Ali với chiếc mũi bị sưng vù. Chỉ có 2 người trên chiếc ghế dài.
"Thành tích ở sân chơi nghiệp dư không quan trọng đâu cháu. Kinh nghiệm mới là thứ quan trọng nhất", Ali nói.
Ngay từ nhỏ, Nico đã quen với cảm giác thất bại. Cậu hiểu thua ở quyền Anh sẽ khổ sở hơn nhiều so với các môn tập thể như bóng đá hay bóng rổ.
Những khoảnh khắc khó khăn. Thật may, Nico có sự đồng hành của Ali. Vào ngày 6/12/2014, cả gia đình cậu đang có mặt ở sân xem anh trai đấu trận chung kết bang ở môn bóng bầu dục. Trời lạnh nên Nico ở trong xe với ông. Khi đó, cậu mới 14 tuổi và có thành tích không tốt ở sân chơi nghiệp dư. Trong một phút giây, cậu đã muốn dừng lại.
"Poppy, ông có muốn cháu tiếp tục không?"
Ali nhìn vào mắt Nico và không nói lời nào. Khi ấy, nhà cựu vô địch thế giới đang phải vật lộn với căn bệnh Parkinson. Có những ngày, ông quên mọi thứ. Việc giao tiếp cũng khó khăn.
"Ông ơi, nếu ông muốn cháu tiếp tục thì hãy nắm lấy tay cháu".
Vẫn không có bất kỳ hồi đáp nào. Nico có rất nhiều suy nghĩ lúc đấy. Cậu hỏi thêm một lần nữa. "Ông ơi, hãy nắm lấy tay cháu nếu ông muốn tiếp tục".
Poppy từ từ, dù khó khăn, nắm lấy tay của Nico.
7 năm trôi qua, Nico sẽ có trận chuyên nghiệp đầu tiên vào chủ nhật tới. Anh chàng đấu trong khuôn khổ sự kiện Franco-Moloney III được tổ chức ở Oklahoma. Lúc này, cậu được quản lý bởi chú ruột Mike Joyce. Sugar Hill Steward, thầy của Tyson Fury, là người hỗ trợ cho Nico.
"Thực tế, cậu ấy đến với tôi khi chưa có gì, thậm chí thành tích nghiệp dư cũng không khả quan. Đó là những người tôi muốn dạy. Thật vui khi thấy võ sĩ của mình tiến bộ từng ngày. Cậu ấy giờ đã làm tốt. Cậu ấy thông minh. Và có thể chiến đấu".
Như sợ tất cả chưa hiểu, Steward giải thích thêm về cụm "có thể chiến đấu" là thế nào.
"Cậu ấy không sợ hãi. Cậu ấy không lo lắng dù bị đánh trúng hoặc quật ngã. Đó là lý do giúp cậu ấy không ngừng tiến bộ".
Không giống như đa phần các tay đấm khác, Nico được chú ý dù chưa có bất kỳ trận nhà nghề nào. "Tôi không thượng đài để nổi tiếng, cũng không vì tiền nốt. Tôi thi đấu vì bản thân muốn thế".
Với Nico, tài năng của cậu sẽ phải chờ tới cuối tuần này để kiểm chứng. Nhưng võ sĩ 20 tuổi không quá quan tâm về điều này.
Mọi người có thể nghĩ gì họ muốn. Tôi không tới đây để giữ thành tích bất bại, còn giành được đai vô địch thì tốt. Tôi muốn làm hết sức có thể và khiến mọi người tự hào".
Còn về Rasheda, bà đã không tới sân xem một trận đấu chuyên nghiệp nào kể từ cái đêm kinh hoàng ở Bahamas. Quyền Anh không phải lúc nào cũng gợi lại kỷ niệm đẹp nhưng bà tôn trọng quyết định của con trai.
"Bà sẽ đến xem con trai thi đấu chứ", một người hỏi.
"Tôi không thể bỏ lỡ nó được đâu", bà trả lời. "Cha của tôi cũng sẽ ở đó, và dõi theo thằng bé".