Vì sao tuyển Việt Nam không tấn công ồ ạt ở cuối trận gặp Campuchia?

Viết Huy , 06:58 20/12/2021 | Tin thể thao khác

Chia sẻ

Việt Nam đã kết thúc vòng bảng AFF Cup với thành tích bất bại và bước vào bán kết bằng ngôi nhì bảng. Ngoài ưu điểm đã thể hiện ở 4 trận đấu vừa qua, chắc chắn còn đâu đó những khiếm khuyết mà chúng ta cần khắc phục trước khi bước vào cuộc quyết đấu với đại kình địch Thái Lan.

Nền tảng thể lực chưa đảm bảo

Dưới thời HLV Park Hang-seo, nền tảng thể lực của các cầu thủ luôn được đánh giá rất cao mỗi khi bước vào các giải đấu. Dù phải thi đấu với những đội bóng hàng đầu tại Châu Á ở vòng loại thứ 3 World Cup, nhưng thể lực chưa bao giờ trở thành nỗi lo với chúng ta.

Trước khi bước vào AFF Cup cũng vậy, chúng ta đã có quá trình chuẩn bị cho giải đấu khá kĩ càng. Thế nhưng quan sát ĐT Việt Nam ở 4 trận đấu vừa qua, rõ ràng thể lực đang là vấn đề cực lớn ở chặng đường sắp tới tại AFF Cup.

Chắc hẳn khi nhìn "Những ngôi sao vàng" thi đấu những phút cuối cùng trận gặp Campuchia, nhiều người sẽ thắc mắc, tại sao chúng ta không đẩy nhanh tốc độ trận đấu nhằm tìm kiếm thêm bàn thắng và giành lấy ngôi đầu bảng. Nhưng nếu quan sát kĩ, thể lực của các cầu thủ đã không còn đảm bảo để chúng ta có thể duy trì một thế trận dồn ép đối phương ở tốc độ cao như những phút đầu của hai hiệp đấu.

Thậm chí khi không còn giữ được thể trạng ở mức sung sức, các học trò của HLV Park Hang-seo thực hiện khá nhiều đường chuyền hỏng giúp đối phương có cơ hội gây nguy hiểm. Không phải chỉ ở trận đấu với Campuchia, ngay cả trận đấu với Indonesia, chúng ta là người kiểm soát hoàn toàn trận đấu, không phải vất vả chống đỡ những tình huống tấn công của đối phương.

Vì sao tuyển Việt Nam không tấn công ồ ạt ở cuối trận gặp Campuchia? - Ảnh 1.

Nhưng trong khoảng 15 phút cuối trận, học trò ông Park hầu như đi bộ và không còn gây được nhiều nguy hiểm về phía khung thành đội bạn. Có lẽ 4 đội bóng mà chúng ta gặp ở vòng bảng, chất lượng cá nhân từng cầu thủ không được đánh giá quá cao, nên những sai lầm gặp phải khi xuống sức không bị trừng phạt. 

Còn với Thái Lan, đối thủ tại bán kết thì khác. Với tập thể nhiều ngôi sao, thi đấu đồng đều của họ, mọi sai lầm dù là nhỏ nhất sẽ phải trả giá. Phân phối sức để duy trì nền tảng thể lực tốt xuyên suốt 90 phút là bài toán HLV Park Hang-seo phải giải quyết trong ít ngày sắp tới, dù biết rằng yếu tố dinh dưỡng tại nước chủ nhà Singapore cũng ảnh hưởng ít nhiều tới sức khoẻ của cầu thủ ở giải đấu lần này.

Thiếu "phương án B" 

Nhìn vào ĐT Việt Nam bây giờ, rõ ràng chúng ta đang có một lực lượng tương đối dày. Thế nhưng trong những trận đấu đã qua, các phương án được sử dụng thay thế đều không mang lại sự kỳ vọng như mong đợi.

Thầy Park có lẽ chỉ yên tâm phần nào về hàng phòng ngự. Những Thành Chung, Tấn Tài khi được trao cơ hội vẫn thể hiện tốt khả năng của mình. Khu vực trung tuyến vẫn là nơi đáng lo nhất của ĐT Việt Nam, khi Tuấn Anh chỉ thực sự chơi tốt trong khoảng 70 phút, quãng thời gian mà cầu thủ này vẫn đảm bảo về mặt thể lực.

Khi Tuấn Anh thấm mệt, những vấn đề của chúng ta bắt đầu xuất hiện. Xuân Trường chưa cho thấy những dấu ấn thực sự rõ nét mỗi khi được trao cơ hội. Trận đấu với Indonesia là một ví dụ, khi Tuấn Anh rời sân, rõ ràng khả năng duy trì sức ép giảm đi đáng kể. Xuân Trường vào sân nhưng sự kết hợp của cầu thủ 26 tuổi này với các đồng đội vẫn chưa đạt được sự kì vọng như mong đợi.

Gần như, HLV Park Hang-seo đang đóng khung bộ ba tiền vệ Quang Hải, Hoàng Đức và Tuấn Anh ở khu chung tuyến. Những người còn lại như Đức Huy, Minh Vương hay Lý Công Hoàng Anh có lẽ chưa nhận được nhiều niềm tin từ chiến lược gia người Hàn Quốc. 

Ở mặt trận tấn công, ngoài Văn Toàn cho thấy sức ảnh hưởng mỗi khi vào sân thì Đức Chinh vẫn đang bị đặt dấu hỏi rất lớn về mặt phong độ ở thời điểm này. Nhìn vào danh sách sẽ thấy, chúng ta gần như chỉ có Tiến Linh là tiền đạo mục tiêu duy nhất có thể mang đến niềm tin cho người hâm mộ.

Nói thế để thấy, ĐT Việt Nam đang thiếu đi những phương án thay thế chất lượng. Và với tình hình nhân sự như hiện tại, có lẽ chúng ta lại trông chờ vào tài thao lược của thầy Park ở chặng đường sắp tới.

Sự chính xác trong những pha dứt điểm cuối cùng

Quan sát 4 trận đấu vừa qua của ĐT Việt Nam, các học trò của HLV Park Hang-seo rất chịu khó dứt điểm ở nhiều cự ly khác nhau. Nhưng hiệu quả trong các pha dứt điểm thì chưa thực sự như mong đợi. Chúng ta hãy nhìn những thống kê dưới đây của BTC để có cái nhìn trực quan hơn về những pha dứt điểm trước các đối thủ ở vòng bảng đã qua.

Những khiếm khuyết của ĐT Việt Nam sau vòng bảng AFF Cup - Ảnh 1.

Trong trận đấu với Lào, ĐT Việt Nam tung ra tới 23 cú sút, nhưng chỉ trúng đích 6 và ghi 2 bàn thắng vào lưới đối phương

Những khiếm khuyết của ĐT Việt Nam sau vòng bảng AFF Cup - Ảnh 3.

Trận đấu với Indonesia, Công Phượng và các đồng đội tung ra tới 21 cút sút và chỉ có duy nhất 1 lần bóng đi trúng khung thành đối phương, hiệu quả bằng 0

Nhìn những thống kê trên để thấy, chúng ta đã tung ra rất nhiều những pha dứt điểm trong 4 trận vòng bảng đã qua. Thế nhưng, hiệu quả mang lại chưa thực sự như mong đợi. Có 2 lý do để giải thích cho việc này.

Thứ nhất, những đội bóng đối đầu với chúng ta đều chấp nhận ở cửa dưới, họ tập trung tổ chức phòng ngự nhiều lớp với số đông. Chính vì thế, các cầu thủ Việt Nam buộc phải tìm đến những phương án sút xa để giải toả bế tắc và với những cú sút xa, độ chính xác dĩ nhiên sẽ không cao.

Thứ hai, lối chơi tấn công của "Những ngôi sao vàng" đang thiếu đi tính đột biến trong nhiều thời điểm cần thiết. Việc thiếu tính biến hoá trong các phương án tấn công, khiến các chân sút  thường không có nhiều khoảng trống để áp sát khung thành đối phương và bị đặt vào nhiều tình huống dứt điểm trong tư thế khó. Hiệu quả vì thế mà cũng giảm đi rõ rệt.

Tất nhiên, tất cả người hâm mộ đều mong những khiếm khuyết này sẽ được khắc phục nhờ tài thao lược của thầy Park dù nó không phải vấn đề có thể giải quyết một sớm một chiều. Nhưng với những màn trình diễn ở những giải đấu đã qua của ĐT Việt Nam, niềm tin dành cho thầy trò HLV Park Hang-seo chưa bao giờ là thứ xa xỉ.