Như mọi lần, mỗi khi MU rơi vào cảnh tồi tệ, người hâm mộ họ không khỏi hồi tưởng về những năm tháng không xa, khi Quỷ đỏ ngự trị đỉnh cao bằng một đội hình toàn những chiến binh thứ thiệt, đầy cạnh tranh và chơi thứ bóng đá hấp dẫn. Tại MU, có một người từng sống trong quãng thời gian tươi đẹp đó. Không phải Cristiano Ronaldo, mà là Steve McClaren, trợ lý của Sir Alex Ferguson giai đoạn 1999-2001.
“Tôi gọi họ (các cầu thủ MU) là những chiến binh”, McClaren nhớ lại với tờ The Times, “Họ tàn nhẫn và đòi hỏi cao. Một cọc tiêu đặt sai chỗ hay một quyết định sai của trọng tài là đủ để tạo nên cuộc chiến. Các cuộc xung đột cũng diễn ra ở mọi nơi. Chỗ này Roy Keane hét, khống chế tệ hại, chỗ kia Peter Schmeichel gào, đồ chết tiệt”.
Một lần trên sân tập có sự tham gia của các cầu thủ trẻ vừa được đôn lên đội một, McClaren cho tạm dừng vì một người trong số họ quằn quại vì dính phải đòn đau. “Kệ nó, tiếp tục thôi Stevie”, Keane nói. Điều này khá phổ biến ở MU những năm đó. Ngay cả Ronaldo khi mới đến cũng phải nhận những đòn nên thân từ Keane, Paul Scholes hay Gary Neville.
Thế nhưng bất chấp mức độ khốc liệt, cầu thủ nào cũng muốn ở lại sân tập lâu nhất có thể. Họ tập luyện hăng say đến mức, theo McClaren kể, HLV Sir Alex phải yêu cầu họ rời khỏi sân. Tại Cliff, sân tập cũ của MU, cửa sổ phòng Sir Alex nhìn thẳng ra sân. Và ông đập vào cửa kính, nhiều lần ra lệnh cho McClaren lôi các cầu thủ ra ngoài.
Nếu tập luyện với cường độ quá thấp, các cầu thủ sẽ cảm thấy nhàm chán, nhưng nếu quá cao sẽ tạo nên những cuộc chiến. McClaren luôn phải tìm cách tìm ra sự cân bằng, cũng như giữ hòa khí giữa các nhóm. Về mặt chuyên môn, Sir Alex cho người trợ lý toàn quyền quyết định thay vì áp đặt điều này điều kia. Đó là quyết định thông minh. Ngoài việc đưa khoa học phân tích dữ liệu vào huấn luyện, McClaren cũng mang tới Cliff một nhà tâm lý thể thao. Nhìn lại, MU khi ấy thực sự đi trước thời đại.
Nhưng muốn triển khai bất cứ điều gì, đầu tiên phải nhận được sự đồng thuận của cả đội. Mà muốn nắm đội phải nắm được Keane, thủ lĩnh ở MU. Bằng cách khuyến khích tinh thần chiến binh trong Keane, McClaren đã thành công. Mặc dù vậy, Keane cũng cho ông một bài học, nhắc nhở rằng đây là MU, không phải Derby County mà ông từng làm việc.
Một trong những trận đầu tiên McClaren đóng vai trò trợ lý, MU giành chiến thắng sít sao. Ông bước vào phòng thay đồ và nói: “Thật là màn trình diễn tuyệt vời, làm tốt lắm các chàng trai”. Ngay lập tức, Keane quay sang sửa luôn ông thầy: “Rác rưởi, Steve ạ. Đừng bao giờ nói tào lao khi bọn tôi đá thật rác rưởi. Cái tôi cần là sự trung thực”.
Không bao giờ hài lòng với bản thân và luôn áp đặt tiêu chuẩn cao, đó là cách MU gặt hái hết danh hiệu này đến danh hiệu khác dưới thời Sir Alex. Nó rất khác bây giờ, khi các cầu thủ Quỷ đỏ luôn bị đặt dấu hỏi về tinh thần chiến đấu. Trong thất bại mới đây trước Brentford, người hâm mộ MU trên khán đài liên tục hét lên: “Các người không xứng đáng với chiếc áo đang mặc”. Đây không phải lần đầu họ làm thế.
Erik ten Hag hẳn đã rất chú ý tới truyền thống của MU nên đã đưa McClaren vào vị trí trợ lý. Song tất cả đã thấy, thật khó để truyền bá những điều tốt đẹp cũ khi lứa cầu thủ hiện tại quá xa rời quá khứ.
Bạn nên quan tâm