Gia đình nữ tuyển thủ Phạm Hải Yến chia sẻ về những kỷ niệm của con gái khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp
Món quà cho bà ngoại
"Thành công này em muốn dành tặng cho bà ngoại của em. Bà đã mất mà em không kịp về", Phạm Hải Yến nói với giọng nghẹn ngào trước khi quay đi để giấu dòng nước mắt.
Không chỉ Yến, mà bố mẹ em ở nhà cũng khóc.
Khi chúng tôi đến nhà, một cuộc gặp không hẹn trước, ông Mười bà Phương, bố mẹ Yến đang xem lại clip sau trận tuyển nữ Việt Nam – Thái Lan. Và những giọt nước mắt cứ thế trào ra. Phần vì nhớ con, phần vì thương bà, bởi bà đã không được chứng kiến khoảnh khắc đứa cháu yêu quý tỏa sáng, trở thành người hùng mang về tấm Huy chương Vàng SEA Games 30.
"Bà ngoại Yến đi đột ngột vì biến chứng bệnh tiểu đường, lại thêm tuổi già. Hôm bà đi, Yến vừa tập huấn ở Nhật về và đang chuẩn bị cho SEA Games. Sợ con bị ảnh hưởng, gia đình đã định giấu. Nhưng cuối cùng, nghĩ bà trông cháu từ tấm bé, mới quyết định gọi cho Yến", mẹ Yến chia sẻ.
Nhà của Yến ở thôn Nghiêm Xá, Thường Tín, Hà Nội, cách biệt khỏi sự phồn hoa của thủ đô bằng con lộ 21B. Mặc dù đường xá đang được rải nhựa, nhưng dấu vết của sự nghèo khó vẫn còn hiển hiện ở những nếp nhà cũ, các bức tường rêu hay khu chợ tạm liêu xiêu.
"Ngày xưa gia đình vất vả quá, vừa phải làm ruộng vừa coi ao cá, sau lại sinh thêm em trai Yến. nên hay gửi Yến ở nhà bà ngoại. Dù sao nhà ông bà cũng có điều kiện hơn, ông có lương hưu còn bà bán tạp hóa, thỉnh thoảng lại dấm dúi cho cháu đồng quà tấm bánh", ông Mười, bố Yến kể lại.
Cũng vì thương cháu, bà ngoại luôn ủng hộ cháu vô điều kiện, kể cả chuyện cháu gái chơi bóng đá, thay vì quanh quẩn trong nhà với búp bê như những cô bé khác.
Trước khi quy hoạch về Hà Nội, phong trào bóng đá nữ ở Hà Tây phát triển khá mạnh. Và ở Nghiêm Xá cũng có một đội bóng đá nữ do thầy Dương Khắc Kiểm huấn luyện. Từ khi học lớp 4, cứ chiều chiều Yến lại ra sân bóng đầu làng để tập và thỏa mãn đam mê ghi bàn.
Ngặt nỗi gia đình lại nhiều việc, ông Mười nghĩ rằng "bóng đá chỉ tốn thời gian". "Nếu rỗi quá, mày đi cắt cỏ giúp bố nuôi cá con ạ", ông bảo.
Và thế là cô bé Yến phải nghĩ cách. Trong lúc mọi người ngủ trưa, bất kể trời nắng như đổ lửa, Yến xách liềm, cắp cái rổ to tướng ra đồng cắt những bó cỏ còn cao hơn đầu. Khi hoàn thành nhiệm vụ cũng đến chiều muộn, Yến có thể yên tâm ra sân mà không còn sợ bố mắng.
Thật ra thì Yến cũng biết được hoàn cảnh gia đình để luôn cố gắng chia sẻ gánh nặng với bố mẹ. Nếu không phải cắt cỏ hoặc nấu cơm, rời sách vở Yến lại đi bắt cua để mang ra chợ bán. Bận trông ao cá, bố mẹ Yến cũng không để ý. Mãi đến có lần nhìn cái dáng nhỏ thó, lúp xúp dưới ruộng của con gái giữa trời nắng gắt, ông Mười không cam lòng, phải cấm: "Nhà mình có khó khăn đến mấy con cũng không phải làm thế, nhỡ ra say nắng thì biết làm sao".
Cho đến sau này, kể từ năm 13 tuổi Yến bắt đầu lên Hà Đông để tập luyện chuyên nghiệp, nhưng mỗi khi có thời gian lại lập tức trở về đỡ đần bố mẹ. Lúc phong trào thêu tranh chữ thập lên cao, bà Phương cũng mang khung và chỉ về thêu thuê. Yến học khá nhanh để thậm chí vượt mặt mẹ trở thành lao động chính.
Trong phòng khách nhà Yến hiện vẫn treo bức tranh thêu Mã đáo thành công, mà theo ông Mười, Yến là tác giả. "Bức này Yến tự tay làm, mẹ chỉ giúp hoàn thiện nốt phần nhỏ vì Yến phải vội quay trở lại trường", ông cho biết.
Có lẽ cũng vì thế mà Yến tự lập rất sớm. Ngày mới lên Hà Đông tập luyện, Yến chỉ có phụ cấp vài trăm ngàn. Số tiền này được nâng lên hơn 2 triệu lúc bắt đầu chơi chuyên nghiệp. Cho đến hiện tại, ở tuổi 25, thu nhập của Yến cũng chưa gọi là ổn.
Nhưng với khoản tiền ít ỏi đó, Yến cố gắng tự xoay sở để tránh làm phiền bố mẹ. Như bà Phương kể, ngày mẹ lấy khung về thêu, Yến cũng nhận thêm chỗ khác để có thêm một khoản trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.
"Hồi đầu mới đi tập xa nhà ở trong ký túc, Yến chỉ dám xin tiền gia đình một vài lần khi phải đóng những khoản lớn. Còn về sau Yến tự lo. Mà kể cũng lạ, Yến không bao giờ than thở về những khó khăn, thiếu thốn, hoặc cả những đau đớn khi chấn thương. Mọi nỗi khổ Yến luôn giữ trong lòng", bà Phương chia sẻ.
Cũng theo bà, duy nhất một lần Yến gọi điện về khóc tức tưới. "Cách đây 5, 6 năm Yến đi đá giải ở Thành phố Hồ Chí Minh, bỗng một hôm gọi điện nói mẹ xin cho con về, nghỉ không đá bóng nữa", mẹ Yến nhớ lại, "Khi ấy cả hai mẹ con cùng khóc. Sau mẹ nói, khi con đã theo đuổi cái nghiệp này thì phải cố gắng. Nếu nghỉ, mọi thứ đều lỡ dở cả".
Căn nguyên câu chuyện Yến không nói. Và đến bây giờ, bố mẹ Yến cũng không biết vì sao đứa con gái chấp nhận dấn thân vào con đường đầy gập ghềnh và bạc bẽo này lại đột nhiên này sinh ý định từ bỏ. Nhưng rồi Yến cũng lại thu xếp ổn thỏa, tiếp tục tiến bước để khiến bố mẹ tự hào.
Dĩ nhiên, bà của Yến hẳn cũng rất tự hào.
Trước khi trận chung kết với Thái Lan diễn ra, ông Mười đã linh cảm con gái mình sẽ làm nên chuyện. Ông cho biết:
"Từ ngày còn nhỏ đến lúc khoác áo CLB Hà Nội, hoặc những khi chơi cho ĐTQG, Yến ghi bàn khá đều. Với các đối thủ mạnh, Yến cũng không bao giờ e ngại. Vậy mà ở SEA Games lần này, con vẫn chưa một lần nổ súng.
Tôi mới thấy lạ, sau nghĩ rằng có lẽ bà mất khiến tâm lý Yến bị ảnh hưởng. Thế nên đêm trước chung kết, tôi mới gọi cho Yến qua messenger, nói rằng chuyện hậu sự của bà đã xong, con cứ yên tâm, và phải phấn chấn lên để hoàn thành nhiệm vụ. Có nhớ bà, mấy nữa về thắp hương cho bà cũng không muộn. Nghe xong Yến hứa sẽ thay đổi. Và tôi chắc chắn con sẽ lập công".
Khoảnh khắc đó đến vào phút 90+2, khi tất cả các cô gái của đội tuyển Việt Nam gần như kiệt sức sau quãng thời gian dài chiến đấu đầy quả cảm. Yến băng vào đón quả phạt góc. Bóng lướt qua đầu hậu vệ đối phương té ra lại trở thành đường kiến tạo hoàn hảo và cô tung mình lên như cánh phượng, đánh đầu kéo sập khung thành Thái Lan.
Sau đó, Yến chạy đi trong niềm vui sướng vô bờ bến và Việt Nam lần thứ 6 giành Huy chương Vàng SEA Games, vượt qua chính Thái Lan để trở thành đội tuyển giàu thành tích nhất lịch sử giải đấu.
"Bà ơi, bà có thấy không? Chiến thắng này, Huy chương này danh cho bà đó", Yến hẳn đã nói như vậy khi ngước lên bầu trời Manila.
Và trên cao, có một người chắc sẽ mỉm cười.
Bạn nên quan tâm