Chung kết SEA Games 30 có thể là trận đấu giã từ của Nguyễn Thị Xuyến, một "nữ binh" đã vào sân là vắt đến những giọt sức lực cuối cùng nhưng bao giờ cũng âm thầm, lặng lẽ. Xuyến "Xeko" theo đội tuyển nữ đã hơn chục năm nay, chinh chiến "nát" các giải đấu khu vực, nhưng liệu có bao nhiêu người hâm mộ biết mặt, biết tên, và biết thêm rằng ngoài thời gian đá bóng, cô còn phải làm nhiều việc khác để kiếm sống, trong đó việc thường xuyên là đi "gõ đầu trẻ" ở một trung tâm bóng đá thiếu nhi.
Xuyến, cũng như hầu hết chị em đội tuyển, đều có những vất vả mưu sinh, những tủi hờn khó nói, và đều phải cắn răng vượt khó vượt khổ để nuôi nghề, nuôi thứ đam mê đầy thua thiệt đã trót vận vào mình. Cái giá mà họ đánh đổi cho quần đùi áo số là quá đắt, đôi khi chính họ cũng khó tưởng tượng được ra, hoặc tưởng tượng được ra thì sự cũng đã rồi. Đấy là tuổi xuân, là nhan sắc, là tương lai khi chia tay bóng đá...
Như các chị em thống kê một cách tự phát, có quá nửa những tuyển thủ nữ sau thời cống hiến, quay về cuộc sống cá nhân phải đối diện với đầy trắc trở và đơn độc. Tình duyên lận đận, hôn nhân nếu có thì không phải ai cũng vuông tròn. Và thật ít người được như Ngọc Châm, Kiều Trinh hay Văn Thị Thanh, đủ danh tiếng, kinh tế và cả nhạy bén thời cuộc để có được cuộc sống tạm gọi đủ đầy.
Nhưng gạt bỏ tất cả những toan lo ấy, ngày hôm qua, như năm lần trước đó, tuyển nữ Việt Nam lại đánh bại đối thủ quen thuộc Thái Lan để bước lên ngôi cao nhất. Thế hệ của Kim Hồng, Mai Lan, Thúy Nga, Ngọc Mai khai mở phong cách ăn mừng chạy vòng quanh sân với lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật, "thói quen" đó lặp lại với những Kiều Trinh, Ngọc Anh, Văn Thị Thanh và bây giờ đến lượt Tuyết Dung, Hải Yến, Kim Thanh…
Nữ Việt Nam sóng sau đè sóng trước, không thiếu nhân tài gối vụ, dù giải vô địch quốc gia chẳng hề thuận lợi để phát triển chân đế cho đội tuyển. Có những CLB đứng trước nguy cơ giải thể vì không đủ kinh phí. Có những cầu thủ đang hừng hực yêu nghề buộc phải gạt nước mắt rẽ ngang. Nhưng HLV Mai Đức Chung thì đã quá nhiều kinh nghiệm dẫn dắt các lứa đội tuyển dù lực lượng dày hay mỏng, già dơ hay trẻ hóa… Ông với bóng đá nữ giống như vua Midas, chạm tay vào đâu là vàng hiện ra ở đó.
Tất nhiên, để gặt vàng thì không bao giờ dễ dàng. Nữ Việt Nam chơi ở khu vực chỉ cạnh tranh với Thái Lan, cùng lắm là thêm Myanmar tùy thời kỳ, nhưng tất cả các danh hiệu mà chúng ta có đều phải trả bằng bầm dập, đớn đau. 90 phút hòa 1-1 ở vòng bảng và 120 phút chung kết với Thái Lan trên đất Philippines năm nay đều là những trận cầu kịch tính, vắt kiệt tinh thần và thể lực.
Hải Yến, chủ nhân của cú đánh đầu mang về chức vô địch ở đầu hiệp phụ, khi hết trận đứng còn không vững nữa. Huỳnh Như phải được cõng ra sân, hệ quả của một cú "đại bàng vồ mồi" từ thủ môn Thái. Chương Thị Kiều mất ngủ cả đêm với vết trầy sâu và rộng ở đùi, tai nạn lẽ ra có thể tránh nếu không phải chơi bóng trên sân cỏ nhân tạo. Và còn biết bao nhiêu gương mặt khác, hân hoan trên bục vinh quang nhưng khi ánh đèn vụt tắt cũng hoàn toàn đổ sập vì không còn chút năng lượng nào.
Ngày hôm nay, những người hùng quả cảm ấy sẽ về quê. Họ mang theo chiến tích chưa từng có: Sáu lần vô địch SEA Games, thứ danh hiệu mà bóng đá nam mòn mỏi đợi chờ.
Với những khoản tiền thưởng xứng đáng với công lao của họ đang hứa hẹn giải ngân, họ ấp ủ trăm mối hy vọng đổi đời. Người sẽ xây lại nhà cho bố mẹ, người chu cấp tiền học cho mấy đứa em, người dự định dành dụm chút vốn liếng để lo cho chính mình sau đây vài năm nữa…
Và như thầy Chung nói, ông và các học trò sẽ chỉ vui SEA Games trong một khoảng thời gian ngắn. Tất cả đều trăn trở một mục tiêu lớn hơn, xa hơn, mang tính động lực nhiều hơn, đó là World Cup. Chúng ta từng lỗi hẹn với lịch sử một lần, nhưng chúng ta chưa bao giờ thôi nghĩ về một chuyến bay ra tầm thế giới.
Bạn nên quan tâm