Bạn có thể nghi ngờ bất cứ điều gì, nhưng có một điều chắc chắn, Đỗ Duy Mạnh không phải một kẻ xấu chơi.
Một người có vẻ ngoài bẽn lẽn, hay ngại ngùng và nụ cười hiền, lại chỉ thích quanh quẩn bên mẹ và chị gái khi ở nhà, thật khó đại diện cho cái gì đó mang tính bạo lực hay các mưu toan hắc ám.
Và một người từng bất chấp rủi ro, dũng cảm cho thay vào miệng cầu thủ đội bạn (Hà Minh Tuấn của Quảng Nam) khi anh này bất tỉnh, ngăn chặn nguy cơ cắn vào lưỡi khi mất đi nhận thức, càng không thể nào là kẻ sẵn sàng triệt hạ đối phương.
Duy Mạnh luôn ra sân với tinh thần hết mình vì màu cờ sắc áo.
"Trong chơi bóng chuyên nghiệp, cần tuyệt đối tránh những pha bóng nguy hiểm để giữ đôi chân và nồi cơm đồng nghiệp", Duy Mạnh nói sau khi chính anh bị Tăng Tiến của Hoàng Anh Gia Lai đạp thẳng vào đầu gối hồi tháng 4.
Đó là lý do bạn không có cơ hội chứng kiến những pha vào bóng rùng rợn, hay đánh nguội của Duy Mạnh, cho dù anh dành phần lớn thời gian của sự nghiệp ở vị trí tiền vệ đánh chặn, phá vỡ lối chơi phe đối lập và che chắn cho hàng thủ, trước khi gắn bó với vai trò trung vệ lệch phải trong sơ đồ 3-4-3 trên tuyển.
Các biệt danh của Duy Mạnh, như "gắt", "gấu" hay "đanh đá", nên được hiểu theo nghĩa theo nghĩa tích cực nhất của chúng. Và chỉ cần nhớ lại hình ảnh cầu thủ 22 tuổi trèo lên ụ tuyết ở Thường Châu, cắm lá cờ Tổ quốc lên đó, bạn sẽ hiểu tại sao.
Tất cả xuất phát từ việc Mạnh luôn khát khao chiến thắng và sẵn sàng cống hiến hết minh vì màu cờ sắc áo. Anh không cam chịu thất bại và cũng không bao giờ tha thứ cho mình nếu thất bại. Sở hữu vóc dáng thư sinh nhưng mỗi khi vào sân, Mạnh là một chiến binh đúng nghĩa.
Mạnh luôn có thừa sự máu lửa để trở thành nguồn cảm hứng cho đồng đội.
Như đã thấy ở VCK U23 châu Á, cầu thủ người Hà Nội đã đổ máu sau khi lấy thân mình cản trái bóng, để rồi tiếp tục chạy, bất chấp máu vẫn không ngừng chảy ra từ mũi dù đã nút bông. Hoặc vào tháng 6, Mạnh rách đầu mất ý thức và nhập viện sau pha va chạm với Hà Minh Tuấn, người anh đã cứu cấp ở trận lượt đi.
Với tinh thần rực lửa ấy, Mạnh không bao giờ né tránh, luôn đi đầu trong các cuộc tranh cãi hay va chạm với cầu thủ đối phương.
Bởi bóng đá là cuộc chơi của những người đàn ông. Để mưu cầu chiến thắng, bạn phải đủ mạnh mẽ và khôn ngoan để át vía, gieo rắc tâm lý sợ hãi và sự e ngại lên đối thủ, qua đó giành lấy lợi thế cho đội nhà. Những hành động đó cũng giúp củng cố niềm tin, cũng như truyền lửa để các đồng đội chiến đấu bằng con tim rực cháy.
Mạnh không bao giờ né tránh các cuộc va chạm với cầu thủ đối phương.
Mạnh đã bước vào trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 với cá tính ấy, tinh thần ấy. Và nó giúp giải thích cho hành động vung tay vào mặt đội trưởng Zaquan Adha của Malaysia ở phút thứ 9.
Các CĐV ở xứ sở đồi cọ đã rất phẫn nộ, để rồi mô tả là "thô bạo", "như một võ sỹ quyền Anh". Thực chất cú văng tay đó không xuất phát từ ý định chơi xấu hay làm tổn thương đối thủ về mặt thể xác, mà chỉ đơn giản là Mạnh quá nhiệt và chỉ cố gắng phản ứng lại sự khiêu khích của Zaquan.
Tuy nhiên cũng phải nói thêm ở đây, thực sự Duy Mạnh đã mất kiểm soát trong tình huống đó. Sẽ rất tai hại nếu trọng tài quan sát được và anh phải nhận thẻ đỏ. Hãy thử hình dung, trong một trận chung kết trên sân khách, chúng ta phải chơi thiếu người ngay phút thứ 9, liệu điều gì sẽ xảy ra nếu không phải một thảm kịch?
Vào năm 2008, Duy Mạnh vẫn còn là cậu bé nhặt bóng và chứng kiến thế hệ Công Vinh đăng quang ở Mỹ Đình. Giây phút ấy đã trở thành nguồn cảm hứng để anh theo đuổi giấc mơ. Sau 10 năm, giấc mơ vô địch đã sắp đạt thành, hơn lúc nào hết Mạnh phải giữ được sự tỉnh táo và cái đầu lạnh để tránh xa các rủi ro.
Bởi Mạnh chỉ "gắt" thôi, chứ không "xấu".