Lý do người Anh luôn thất bại ở giải đấu lớn

Nguyễn Gia Tú , 09:00 11/06/2018 | World Cup 2018

Chia sẻ

Người Anh luôn tự hào vì họ sở hữu nhiều cầu thủ hàng đầu. Thế nhưng tại sao một tập hợp nhiều ngôi sao đến vậy lại không đem lại chút vinh quang nào?

Lần gần nhất Anh giành được một chức vô địch là cách đây 52 năm. Trong kỳ World Cup được tổ chức ngay trên quê hương, Sir Bobby Charlton cùng đồng đội đã xuất sắc tiến đến ngôi vị số một. Kể từ đó đến nay, dù liên tục sản sinh ra những ngôi sao đẳng cấp thế giới, Tam Sư chưa một lần vượt qua vòng tứ kết.

Thành công của Premier League và hệ quả

Có rất nhiều lý do để giải thích cho màn trình diễn vô cùng kém cỏi của ĐT Anh ở những giải đấu hàng đầu thế giới. Đầu tiên, phải kể đến bản chất của Premier League, giải đấu mà người Anh luôn vỗ ngực tự hào vì sự hấp dẫn, thành công của nó mang lại.

Ở Anh, người ta coi bóng đá là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Hàng tuần, những tờ báo bóng đá là vật không thể thiếu của công dân Anh trên đường đến nơi làm việc. Họ đọc mọi tin tức về CLB mình yêu quý nói riêng và Premier League nói chung. Họ chờ đợi đến ngày cuối tuần để được vào sân chứng kiến cầu thủ con cưng thi đấu. Chẳng phải nói, người ta cũng tự hiểu thành tích của CLB quan trọng đến thế nào đối với CĐV. Chính tình yêu, sự kỳ vọng lớn lao của CĐV đã tạo một sức ép vô hình lên các CLB ở Anh.

Lý do người Anh luôn thất bại ở giải đấu lớn - Ảnh 1.

Sự ủng hộ cuồng nhiệt của CĐV khiến các CLB ở Premier League bắt buộc phải tìm kiếm thành công.

Nếu thắng, mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ.  Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ chuyển biến xấu đi nếu như CLB phải đón nhận một kết quả không có lợi. Để chiều lòng CĐV, các CLB phải vung tiền để đưa về những ngôi sao mới nhằm bổ sung lực lượng, qua đó giành được những thành tựu ngắn hạn. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với mục đích vốn dĩ của một giải đấu hàng đầu quốc gia, đó là đào tạo, phát triển nền bóng đá trẻ.

Mọi CLB đều có hệ thống đào tạo trẻ riêng. Mỗi năm, hàng ngàn cầu thủ người Anh trưởng thành và sẵn sàng thi đấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, không phải đội bóng nào cũng đủ kiên nhẫn để sử dụng những cầu thủ trẻ bản địa này. Việc các CLB Anh ngày càng "sính ngoại" là điều hoàn toàn dễ nhận ra. Kể từ khi thế hệ vàng gồm Steven Gerrad, Frank Lampard, David Beckham, Ashley Cole đi qua, danh sách những ngôi sao hàng đầu tại Anh bị lấn át hoàn toàn bởi những cầu thủ đến từ quốc gia khác.

Trong một bài nghiên cứu của Sky Sports vào năm 2017, Premier League là giải đấu sử dụng nhiều cầu thủ ngoại quốc nhất (69,2%). Điều đáng chú ý hơn, hiện tượng này không có dấu hiệu giảm đi. Nếu so sánh với nhà ĐKVĐ World Cup năm 2014, ĐT Đức, Bundesliga của họ chỉ có khoảng 49% cầu thủ ngoại quốc.

Mùa giải vừa qua, trong các cầu thủ người Anh chỉ có Harry Kane và Raheem Sterling là gây được sự chú ý. Thế nhưng, màn trình diễn của họ chẳng là gì so với Kevin de Bruyne, Mohamed Salah hay David Silva. Không khó để dự đoán thời điểm Tam Sư cạn kiệt tài năng đang đến rất gần nếu những con số biết nói về hiện tượng "sính ngoại" chưa có dấu hiệu tụt giảm.

Sự thù địch của các CLB trong nước

ĐT Anh từng có một thế hệ vàng với vô số hảo thủ trong đội hình gồm Gerrard, Lampard, Carrick, Barry, Beckham, Terry,… Những cầu thủ này đều giành được nhiều danh hiệu lớn nhỏ ở cấp độ CLB. Tuy nhiên khi cùng nhau khoác lên mình áo đấu của Tam Sư, phong độ của họ bỗng nhiên tụt giảm thảm hại.

Sau mỗi thất bại, hầu hết người ta dồn sự chỉ trích vào các HLV của Tam Sư. Sven-Goran Eriksson, Fabio Capello, Roy Hodgson đều bị coi là những kẻ bất tài vì chẳng thể kết nối được đội hình gồm nhiều ngôi sao của Anh. Tuy nhiên, các CĐV cũng nên tự đặt câu hỏi với các cầu thủ con cưng của họ vì thái độ khi thi đấu.

Premier League là giải đấu khắc nghiệt nhất hành tinh. Và như đã trình bày ở phía trên, thành bại trong một mùa giải với những CLB lớn như Liverpool, Manchester United, Chelsea hay Arsenal là vô cùng quan trọng đối với các CĐV. Điều này đã tạo nên một sức ép vô hình lên đôi vai của những ngôi sao người Anh. Sự thật là khi thi đấu cho ĐTQG, các cầu thủ gánh lên mình trọng trách của cả một dân tộc chưa bao giờ thi đấu hết khả năng của mình. Điều này đã được Rio Ferdinand, huyền thoại của Manchester United, tiết lộ.

"Sự kình địch của các CLB đã giết chết thế hệ vàng tuyển Anh. MU đã từng vượt qua Liverpool và Chelsea để có được chức vô địch Premier League. Vì thế mỗi khi bước vào phòng thay đồ của tuyển Anh, tôi thường không nói chuyện với Steven Gerrard, Frank Lampard hay Joe Cole," Ferdinand tiết lộ với The Times. "Tôi sợ họ nắm được điều gì đó để chống lại đội bóng của tôi."

Lý do người Anh luôn thất bại ở giải đấu lớn - Ảnh 2.

Cuộc chiến giữa Liverpool và Man Utd chưa bao giờ kém "nhiệt".

"Tôi không nhận ra rằng những gì tôi đã làm khiến đội tuyển Anh bị tổn thương. Khi ấy, tôi chỉ nghĩ tới chiến thắng với Manchester United là quan trọng nhất. Ngoài ra, chẳng có gì nghĩa lý cả. Nếu được quay lại thời gian, tôi hứa sẽ cư xử khác. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng tôi không muốn giành danh hiệu cùng câu lạc bộ".

Lời "tự thú" của Ferdinand là hoàn toàn có cơ sở. Khi tầm quan trọng của chức vô địch Premier League được đẩy lên mức độ cao thì thành tích của ĐT Anh chẳng là gì trong mắt các cầu thủ. Không những thế, ngay cả chính các CĐV cũng đang dần một coi nhẹ những giải đấu mà Tam Sư góp mặt. Trên mạng xã hội, những bình luận dạng "không được triệu tập thì càng đỡ chấn thương" xuất hiện triền miên. Khi sự chia cắt xuất hiện ở các CĐV và chính cầu thủ trên sân, HLV tài giỏi đến mấy cũng phải "bó tay".

Cầu thủ người Anh liệu có thực sự tài năng?

Không khó để nhận ra một sự thật là cầu thủ người Anh luôn nhận được sự chú ý nhiều nhất và luôn có mức giá chuyển nhượng "khủng". Sự phát triển của Premier League vô hình chung đã đẩy mức giá của các cầu thủ Anh vượt quá giá trị thực của họ. Điển hình là trường hợp của Andy Carroll khi mới cập bến Liverpool, cầu thủ nổi một mùa nhưng có mức phí kỷ lục vào thời điểm đó, 35 triệu Bảng.

Vào năm 2014, Pep Guardiola đã có một phát biểu khiến người Anh phải giật mình suy nghĩ về Jack Wilshere. Kể từ khi được HLV Arsene Wenger đôn lên đội một, Wilshere luôn được coi là tài năng triển vọng nhất bóng đá Anh từng sản sinh. Ấy vậy mà "thiên tài" của Arsenal bị Pep nhận xét "chỉ đáng chơi ở đội B của Barcelona".

Không chỉ vậy, "thần đồng" Wayne Rooney của ĐT Anh liệu có phải là một ngôi sao sáng giá thực thụ nếu nhìn vào thành tích anh đạt được ở đấu trường quóc tế? Khi còn khoác áo Manchester United, Wayne Rooney đã ghi được 39 bàn sau 98 lần ra sân tại Châu Âu, một thành tích chấp nhận được nhưng không thể so sánh với Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi. Các CĐV MU có thể tự hào khi Rooney ghi tới 53 bàn cho ĐT Anh. Tuy nhiên sự thật là trong số 53 pha lập công đó, chỉ có duy nhất 1 bàn thắng được ghi ở World Cup.

Lý do người Anh luôn thất bại ở giải đấu lớn - Ảnh 3.

Màn trình diễn của Rooney tại World Cup kém thuyết phục.

Có một sự thật không thể chối cãi là các cầu thủ người Anh luôn nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ những ngôi sao ngoại quốc. Ví dụ, Gerrard chơi tốt ở vị trí hộ công là nhờ tài bao quát và khả năng chuyền dài của Xabi Alonso. Lampard tỏa sáng rực rỡ là nhờ công không nhỏ của Michael Ballack, sau này là Ramirez ở phía sau. Khi 2 cầu thủ này được gọi vào ĐTQG, vì đá trùng vị trí nên các HLV chỉ chọn một. Tuy nhiên, loại bỏ một trong 2 biểu tượng là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn đối với các chiến lược gia.

Ngoài Gerrard và Lampard, cặp đôi hoàn hảo Ferdinand và Terry một thời cũng nên bị đặt dấu hỏi. Đằng sau một Ferdinand hào nhoáng luôn có sự điềm tĩnh của Nemanja Vidic. Còn với Terry, kinh nghiệm và sự thông minh của Ricardo Carvalho đã giúp đỡ trung vệ người Anh rất nhiều.

Vì vậy, không khó để nhận ra ĐT Anh là một tập thể gồm rất nhiều ngôi sao nhưng thiếu tính hỗ trợ. Các cầu thủ đều giỏi theo một cách giống nhau và không có những yếu tố đóng vai "người hùng thầm lặng". Điều này cũng cho thấy sai lầm của các HLV khi thế hệ vàng của ĐT Anh xuất hiện. Họ chỉ cố xâu chuỗi các ngôi sao lại thành một đội bóng mà không xây dựng tập thể mạnh đồng đều thực thụ.

Bộ mặt của Anh tại World Cup 2018

Sai lầm của quá khứ sẽ trở thành bài học đắt giá cho HLV Gareth Southgate. Và khi triều đại của vị chiến lược gia này bắt đầu, người ta đã thấy những dấu hiệu thay đổi vô cùng tích cực.

Khác với nhiều vị chiến lược gia trước đó, HLV Southgate đã mạnh dạn đưa đến Nga tập thể có độ tuổi trung bình gần như thấp nhất (26 tuổi, bằng với Pháp). Ông sẵn sàng gạt bỏ Joe Hart, thủ thành dày dặn kinh nghiệm ở đấu trường quốc tế, để trao cơ hội cho Jordan Pickford và Jack Butland. Ông bỏ qua Jack Wilshere, người đã kiểm soát được những chấn thương để trao cơ hội cho Jese Lingard, ngôi sao nở muộn của Manchester United.

Lý do người Anh luôn thất bại ở giải đấu lớn - Ảnh 4.

ĐT Anh đã thay đổi rất nhiều kể từ khi Southgate lên nắm quyền.

HLV Southgate cũng ghi điểm bằng việc gọi lên nhiều ngôi sao của những CLB nhỏ như Harry Maguire (Leicester City) hay James Tarkowski (Burnley). Nếu nhìn vào cách lựa chọn của ông, các cầu thủ người Anh có thể tự hiểu rằng dù đang khoác áo CLB nào, nếu chơi tốt thì hoàn toàn có cơ hội ra sân ở ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới. Southgate đã mở ra cơ hội cho những cầu thủ của CLB tầm trung tại Premier League chứ không quá ưu ái nhóm đội bóng lớn ở Anh.

Không những thế, chưa bao giờ người ta thấy các cầu thủ Anh gần gũi với HLV của họ đến như vậy. Việc từng là một cầu thủ chuyên nghiệp giúp Southgate hiểu được khó khăn của những ngôi sao trẻ của ông. HLV Southgate không ngừng ủng hộ, bảo vệ các học trò, bằng chứng rõ nhất chính là scandal hình xăm của Raheem Sterling và trường hợp bị tổn thương tâm lý của Danny Rose. 

Sau cùng, người ta có thể chê bai ĐT Anh hiện tại thiếu hụt đi những ngôi sao đẳng cấp thế giới. Tuy nhiên, không có ngôi sao lớn nhưng Tam Sư sẽ tranh tài tại Nga bằng một tập thể trẻ tuổi và đoàn kết. Đã qua rồi cái thời của Gerrard và Lampard khi các ngôi sao đều mạnh ai người nấy chơi. Với Southgate, tất cả cầu thủ phải phục vụ cho một mục tiêu chung và hỗ trợ lẫn nhau. Và chẳng ai có thể đoán trước tập thể cùng tiếng nói có thể đạt được những thành tựu lớn đến như nào.