Khoảng một tháng trước ngày World Cup 2014 chính thức khởi tranh, nhà báo Jeff Himmelman của tờ New York Times quyết định đặt vé máy bay tới thủ đô Buenos Aires ở Argentina để tìm những câu chuyện ly kỳ về Lionel Messi, cầu thủ xuất sắc nhất thế giới và cũng là đứa con của vùng đất này. Bên ngoài lãnh thổ xứ Tango, Messi được người ta ca tụng như vị Chúa của làng túc cầu, nhưng ở quê nhà nơi anh sinh ra thì đó lại là một câu chuyện rất khác.
Kể lại những trải nghiệm ở Buenos Aires, Jeff nói rằng anh đã nghe không ít những lời phê bình gay gắt về Messi, từ những anh chàng lái taxi, huấn luyện viên địa phương và rồi là những bình luận viên có tiếng. Tất cả đều đồng quan điểm Leo đã rời Argentina quá sớm, không thi đấu tại giải vô địch quốc gia – điều đó chẳng giống bất cứ huyền thoại nào của đất nước này, như Diego Maradona hay Carlos Tevez. Họ cảm thấy thật đáng ghét khi nhìn Messi không hát quốc ca cùng cả đội trước trận, họ nói rằng anh thiếu nhiệt huyết, thiếu tình yêu, và quan trọng hơn: Messi không hiểu được niềm vinh dự khi khoác trên mình chiếc áo đội tuyển.
Có nhiều điều ở Messi khiến người Argentina không thể hài lòng.
Điều duy nhất khiến những người ở đây cảm thấy Messi vẫn còn chút Argentina chính là giọng nói của chàng tiền đạo mang áo số 10 – đặc sệt chất Rosario. Phóng viên bóng đá Martin Mazur nhận xét: "Điều tuyệt vời nhất ở Messi là anh ta vẫn giữ được chất giọng quê nhà. Thử tưởng tượng xem nếu Messi đánh mất điều này, người dân ở đây sẽ giết chết anh ấy thôi".
4 năm sau ngày Messi cùng Argentina gục ngã tại World Cup trên đất Brazil, người con chưa-bao-giờ-được-công-nhận lại gánh trên vai sứ mệnh tiếp bước Thánh Maradona năm 1986 và đưa La Albiceleste lên đỉnh thế giới...
Ở nơi Messi không phải số một
Nằm cách thủ đô Buenos Aires khoảng 180 dặm về phía đông bắc, thành phố Rosario còn được biết đến như quê hương của nhà cách mạng Che Guevara. Tất nhiên, nó cũng là nơi Messi sinh ra – nhưng ở đây, El Pulga cũng chẳng được hâm mộ như người ta vẫn tưởng.
Trải dài khắp những con đường là sắc xanh-vàng của đội Rosario Central, đại kình địch của Newell's Old Boys. Ở thành phố này, đó là hai đội mạnh nhất, bạn chỉ có hai lựa chọn: không đội này thì là đội kia. Và Messi, người đã ghi 500 bàn cho Newell's Old Boys cho đến giờ vẫn như cái gai trong mắt những cổ động viên Central – bất chấp việc anh ta đã ra đi từ năm 13 tuổi.
Thành tích đối lập của Messi trong màu áo ĐTQG và CLB. Đồ họa: Mai Lê.
Dừng chân ở một nhà hàng có tên Comedor Central do Juan Yacob, một fan cứng cựa của đội bóng áo sọc vàng xanh, anh ta nói bằng giọng uể oải khi được hỏi về Lionel Messi: "Sự nghiệp và danh tiếng của cậu ta được gây dựng ở châu Âu".
Yacob kể rằng có lần tấm ảnh khổng lồ của Messi trong màu áo ĐT Argentina được phát trên màn ảnh lớn ở sân nhà của Central đã gây ra một làn sóng đả kích dữ dội. Các cổ động viên liên tục la hét, chửi rủa cho đến khi bức ảnh bị gỡ xuống. "Không ai nghi ngờ gì về tài năng của anh ta", Yacob thừa nhận. "Nhưng muốn bán đồ của Messi cho các cổ động viên Central ư? Mơ đi".
Không phải ở bất cứ nơi đâu Messi cũng có thể là Chúa.
Điều đó tạo nên sự khác biệt rõ ràng giữa Messi và người tiền bối Maradona. Cho dù tài năng của cả hai cũng một 9 một 10 thì trong mắt những người Argentina, Messi chưa bao giờ được mến mộ như "Cậu bé vàng". Họ có thể công nhận tài năng của anh, nhưng để chinh phục trái tim tất cả những người hâm mộ như Maradona đã làm thì không bao giờ.
Như đã nói ở trên, có một điều ở Messi khiến anh mất điểm nặng trong mắt những người đồng hương, đó là chất Argentina. Anh ta không đi lên như những huyền thoại khác mà lại sang châu Âu chơi bóng quá sớm khiến sự liên kết giữa Messi và những người dân Argentina trở nên khá mong manh. Mặc cho việc Messi đã từng quả quyết từ chối cơ hội khoác áo ĐT Tây Ban Nha vào năm 2005, những ác cảm dành cho chàng cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử bóng đá vẫn không thể xóa mờ.
Nhưng liệu rằng, những người Argentina đã quá khắt khe với anh? Bởi câu chuyện Leo dứt áo ra đi đến châu Âu và gây dựng sự nghiệp trở thành một tượng đài sừng sững như bây giờ đã thấm đầy máu và nước mắt của đứa trẻ từng chịu quá nhiều thiệt thòi…
Bản hợp đồng trên tờ giấy ăn
Năm Messi lên 10, bà nội anh, Celia, qua đời. Có thể nói bà chính là người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời của Messi bởi nếu không có Celia, thế giới này sẽ chẳng bao giờ được chứng kiến khoảnh khắc số 10 huyền thoại bước ra ánh sáng. Bà là người duy nhất trong gia đình đồng ý cho vị huấn luyện viên địa phương "mượn" cậu cháu trai gầy còm để tham dự trận đấu với những đứa trẻ lớn hơn. Cũng chính từ màn trình diễn tuyệt vời hôm ấy, Messi mới gây tiếng vang lớn khắp vùng và sau này gia nhập Newell's Old Boys.
Nếu để ý cách ăn mừng của Messi, bạn sẽ thấy anh hôn lên tay phải trước khi ngửa mặt nhìn trời và giơ hai ngón cái về phía thiên đàng. El Pulga nói rằng đó là lời cảm ơn của anh dành cho bà nội, người đã đưa anh ra ánh sáng nhưng mãi chẳng bao giờ được thấy cháu trai mình trưởng thành.
Bà Celia qua đời chưa lâu thì tin dữ khác tiếp tục ập đến với Messi khi bác sĩ kết luận anh bị rối loạn hormone tăng trưởng nên cơ thể sẽ không thể phát triển như những đứa trẻ khác. Nếu muốn tiếp tục nuôi hy vọng trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, Messi cần được tiêm một thứ vắc-xin đặc biệt, dĩ nhiên, cái giá của nó đối với một gia đình tầm trung gần như là không tưởng.
Sau 2 năm lay lắt với những đồng lương ít ỏi của cha anh, ông Jorge từ công việc buôn bán thép bên ngoài Rosario, gia đình Messi quyết định tìm đến sự trợ giúp từ đội Newell's. Nhưng vì một vài chuyện ngoài ý muốn, nhà Messi buộc phải tìm một cách khác để có tiền chữa trị cho cậu con trai. Và thần may mắn đã mỉm cười với họ khi một người bạn của gia đình đã liên lạc với vài nhân vật có số má của Barcelona. Họ đồng ý trợ giúp cậu nhóc chữa bệnh nhưng trước mắt phải xem Lionel Messi có đáng với số tiền họ sẽ chi ra không.
17/9/2000, Messi cùng cha đáp máy bay xuống Barcelona và nghỉ lại tại một khách sạn gần sân Camp Nou. Cùng lúc này, Barca đang chuẩn bị tiếp đón AC Milan trên sân nhà trong khuôn khổ Champions League. Nhóc Leo rất muốn đến xem nhưng ông Jorge thì không đủ tiền để mua vé – còn Barcelona thì tuyệt nhiên không có ý định giúp đỡ. Nhưng cũng chính khoảnh khắc đứng bên ngoài sân Camp Nou hôm ấy đã thổi bùng bên trong Leo giấc mơ được chơi bóng thứ bóng đá đỉnh cao ở đây.
Bản hợp đồng vội vàng đem về cho Barcelona viên ngọc quý giá nhất lịch sử.
Buổi thử việc đầu tiên của Messi được giám sát bởi Charly Rexach – cựu huyền thoại và cũng là giám đốc kỹ thuật của Barca thời điểm đó. Rexach cho cậu nhóc còm nhom tham dự trận đấu với những thằng nhóc cao lớn hơn. Cũng như cái ngày định mệnh mà bà Celia dắt tay cậu tới sân bóng địa phương, "bọ chét" Messi khiến tất cả ngỡ ngàng bởi kỹ năng vượt trội. Mọi thứ đều hoàn hảo, chỉ có điều rắc rối thì cũng chẳng ít.
Nếu muốn ký hợp đồng với Messi, Barca sẽ phải chi 1.000 USD/tháng cho việc tiêm hormone vào chân cho cậu bé, ngoài ra, họ cũng phải chu cấp 60.000 USD/năm phí sinh hoạt hằng ngày cho Leo. Cộng thêm việc Messi không phải dân châu Âu nên việc ký hợp đồng sẽ không mấy dễ dàng. Đã có lúc, ban lãnh đạo Barcelona muốn bỏ qua Messi nhưng Rexach thì khác. Ông hiểu rằng chỉ một quyết định sai lầm sẽ khiến Barca để mất một tài năng sáng giá trước sự nhăm nhe của rất nhiều đội bóng Tây Ban Nha khác.
Khi gia đình Messi đã quá mất kiên nhẫn với sự chậm trễ từ phía Barcelona, Rexach vội tổ chức một cuộc gặp cùng bản hợp đồng thảo vội vàng trên tờ giấy ăn ông tìm thấy trên bàn ăn của mình.
Nội dung tờ "hợp đồng" ghi rõ: "Tôi, Carles Rexach, thư ký kỹ thuật của Barcelona cam kết sẽ chịu mọi trách nhiệm về Lionel Messi. Mặc dù có một số ý kiến phản đối trong việc ký hợp đồng với Lionel Messi, nhưng chúng tôi muốn giữ cậu ấy ở lại".
Tờ giấy ăn vội vàng năm đó giờ vẫn được cất giữ trang trọng trong bảo tàng của Barcelona, như một minh chứng về những bất công Lionel Messi đã phải chịu suốt thời thơ ấu trước khi trở thành một tượng đài như ngày hôm nay.
Barcelona – Argentina: Hai thái cực đối nghịch
Ghét hay yêu thì cũng chẳng ai có thể phủ nhận Lionel Messi ở Barcelona giống như vị Chúa sống của thế giới bóng đá. 5 Quả bóng vàng, 7 La Liga, 3 Champions League cùng vô số kỷ lục cá nhân kể đến mai cũng chưa hết… Cùng với kình địch Cristiano Ronaldo, hai người tạo nên một cuộc đua với những điều điên rồ mà tưởng chừng sẽ mãi "tuyệt chủng" trong thế giới tính thực dụng được đặt nên hàng đầu.
Nhưng đó là câu chuyện ở Barcelona, trong màu áo ĐT Argentina, danh hiệu cứ mãi lẩn tránh Messi như hai thỏi nam châm cùng cực.
Nhà báo thể thao Argentina, Martín Caparrós trong dịp tâm sự với Jeff Himmelman trước thềm World Cup 2014 từng phải thốt lên rằng: "Ước gì anh ta là một thằng khốn nạn, phản bội tất cả những giá trị ở Barcelona chỉ để tỏa sáng 2 tháng tại World Cup".
Messi dù đã chơi xuất sắc cũng không thoát nổi vận đen ở cấp độ đội tuyển.
Vòng chung kết World Cup năm đó, Messi đã chơi thứ bóng đá đẹp nhất trong màu áo đội tuyển quốc gia. Ra sân ở cả 7 trận đấu của Argentina tại World Cup 2014, Messi thi đấu tổng cộng 693 phút, ghi 4 bàn thắng và có 1 đường kiến tạo cho đồng đội lập công. Ngoài ra, anh cũng có tới 4 lần được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu ở các cuộc so tài với Bosnia, Iran, Nigeria (vòng bảng) và Thụy Sỹ (vòng 1/8).
Sau trận chung kết với ĐT Đức, Leo Messi cùng Manuel Neuer ẵm luôn hai giải cá nhân quan trọng nhất giải đấu: Quả bóng vàng World Cup và Găng tay vàng. Ở bất cứ nơi nào, Messi vẫn biết cách tỏa sáng và đứng trên tất cả - chỉ khác điều Argentina không phải Barcelona.
Messi bật khóc sau trận chung kết Copa America với Chile.
Trước giờ phút Leo Messi đứng lên bục nhận Quả bóng vàng World Cup, máy quay bắt được ánh mắt thẫn thờ của anh nhìn chiếc cúp vàng sắp được người Đức nâng lên. Một năm sau tại Chile, cảnh quay đó lại lần nữa được truyền đi khắp thế giới – lần này, Messi lặng lẽ bước qua chiếc cúp bạc Copa America. Tới năm 2016, đến lượt Messi đá văng cơ hội lên ngôi tại đấu trường danh giá nhất Nam Mỹ sau 23 năm của ĐT Argentina bằng quả penalty lên trời.
Ba năm, ba thất bại tủi nhục, Messi quyết định giã từ đội tuyển quốc gia…
Từ con ghẻ thành Đấng cứu thế
Tháng 9 năm 2016, 3 tháng sau ngày nói lời chấm dứt sự nghiệp thi đấu quốc tế, Leo lại khoác lên mình màu áo sọc xanh trắng quen thuộc và ghi bàn duy nhất trong chiến thắng 1-0 trước Uruguay trên sân nhà ở vòng loại World Cup.
Đó hẳn là một quyết định khó khăn đối với Messi khi anh đã phải chịu quá nhiều áp lực từ truyền thông để rồi đổi lại là 3 thất bại liên tiếp. Nhưng khi Messi quyết định lui về phía sau sân khấu, người Argentina mới thấy trân trọng đứa con ghẻ của mình. Từ Maradona cho đến cả tổng thống Argentina, tất cả đều lên tiếng mong Messi suy nghĩ lại. Đến cuối cùng, Leo cũng chịu chấp nhận quay lại đội tuyển quốc gia – nhiều người cho rằng đó là màn kịch của Messi nhưng cũng không ít nói rằng anh đã quá fair-play với xứ Tango sau tất cả cay đắng phải hứng chịu.
1 lời giã từ và Messi từ con ghẻ đã trở thành Đấng cứu thế của Argentina.
Bất luận nguyên nhân ẩn sâu câu chuyện là thế nào, cũng không thể phủ nhận hình ảnh Messi trong lòng người hâm mộ đã "đẹp" lên một cách đáng kể. Ít lâu sau ngày El Pulga giã từ đội tuyển, chính quyền Buenos Aires đã dựng bức tượng đồng Messi theo tỷ lệ người thật bên bờ sông Rio de la Plata nhằm tri ân những đóng góp của anh trong màu áo đội tuyển.
Còn trong một cuộc bầu chọn do Goal tổ chức để tìm ra danh thủ xuất sắc nhất Argentina, Messi nhận về 81% phiếu bầu, bỏ xa Maradona dù cho mục đích cuộc chơi nhằm kỷ niệm 30 năm ngày "Cậu bé vàng" vô địch thế giới (World Cup 1986).
Tất cả như xoay vòng 180 độ chỉ trong 3 tháng ngắn ngủi, Messi từ kẻ tội đồ bị sỉ vả không thương tiếc bỗng trở thành Đấng cứu thế cho ĐT Argentina trong thời khắc khó khăn nhất. Có lẽ, trong mắt người Argentina thì hình ảnh Messi đã đẹp lên rất nhiều sau khi anh đáp lại tiếng gọi của cổ động viên để trở lại đội tuyển – nhưng áp lực từ chiếc cúp vàng World Cup thì vẫn như thế.
Leo hiểu rằng nếu anh tiếp tục thất bại ở World Cup lần này, anh sẽ lại bị dìm xuống vực sâu và sống dưới cái bóng khổng lồ của Maradona lần nữa.
Khi Chúa cũng cần tìm sự công nhận
Ngoài bức tượng bên bờ sông Rio de la Plata thì trước đó một bức tượng khác của Messi cũng được dựng tại quận trung tâm Recoleta ở thủ đô Buenos Aires. Nhưng trớ trêu thay, bức tượng khắc họa hình ảnh Messi giơ hai ngón tay ăn mừng lại được đặt ngay cạnh bức tượng Maradona đang nâng chiếc cúp vàng 1986.
Không rõ do vô tình hay cố ý nhưng nó vô tình tạo ra áp lực nặng nề lên đôi vai của Leo. Đó như một lời nhắc kín đáo luôn giằng xé tâm can Messi mỗi lần khoác lên mình màu áo đội tuyển: "Chúng tôi cần cúp vàng như Maradona đã làm".
Khoảnh khắc anh đồng ý khoác lên mình chiếc áo sọc xanh trắng, Messi hiểu rằng mình đang chịu sức nặng của 40 triệu người Argentina. Phải bao lâu nữa đất nước họ mới sinh ra một con người tài năng như Maradona. Tại sao cùng có tài năng như nhau, thậm chí Messi còn có những đồng đội tốt hơn Maradona năm 1986 mà "Cậu bé vàng" vô địch được còn El Pulga chỉ biết lầm lũi nhìn những danh hiệu trôi đi.
Bức tượng ở Recoleta như lời nhắc nhở của người dân Argentina dành cho Messi
Bất chấp những lời tốt đẹp dành cho Leo khi anh quyết định trở lại đội tuyển, tất cả sẽ sụp đổ lần nữa nếu Argentina tiếp tục thất bại – bởi đây gần như chắc chắn sẽ là kỳ World Cup cuối cùng Messi có thể tham dự.
Trở lại câu chuyện của Jeff Himmelman trước thềm World Cup 2014, một cây viết thể thao ở Argentina đã tuyên bố thế này: "Messi vẫn mãi chỉ là cái danh ảo cho đến khi kết quả cuối cùng lên tiếng".
4 năm sau thất bại tại Brazil, lời tuyên bố hùng hồn đó chắc chắn vẫn không thay đổi. Messi là mẫu cầu thủ nói ít, làm nhiều – bằng chứng anh chẳng bao giờ có những phát ngôn gây sốc để tìm sự chú ý, người ta biết đến anh bằng những bàn thắng, danh hiệu và những kỷ lục ở… Barcelona.
Tại Nou Camp, Messi như một Acsimet trong bóng đá. Chỉ cần cho anh một thử thách, anh sẽ đạp đổ mọi thứ ngáng đường.
Còn tại Argentina, sự thần thánh của Messi vẫn còn là một dấu hỏi lớn chưa có lời đáp. Tất cả đều phụ thuộc vào kỳ World Cup năm nay. Đã ba lần người Argentina đặt cho Messi áp lực phải vượt qua nhưng rồi anh đều thất bại. Lần thứ tư sắp đến rồi, có vượt qua nổi không Ascimessi?
Bạn nên quan tâm