Nguy cơ trở lại thời "loạn lạc"
Trước năm 2008, tuyển Tây Ban Nha sở hữu biệt danh "ông vua vòng loại". Họ là chuyên gia thử kêu đốt xịt, đá vòng loại rất hay nhưng vào giải luôn tậm tịt. Nguyên nhân được người ta nhắc đến rất nhiều để giải thích cho tình trạng này là sự chia rẽ giữa nhóm cầu thủ Real Madrid và Barcelona.
Không phải ngẫu nhiên HLV Luis Aragones dũng cảm "trảm" Raul Gonzalez trước chiến dịch Euro 2008. Anh là thủ lĩnh phòng thay đồ của La Furia Roja nhưng nghiêng hẳn về phía Real Madrid. Raul không thể trung hòa lợi ích, không thể xoa dịu mối hiềm khích giữa đôi bên, nhưng Casillas thì làm được.
Dưới triều đại Mourinho, "Thánh" Iker từng bị "Người đặc biệt" sỉ vả vì tội gọi điện làm lành với Xavi và Iniesta. Chàng thủ môn huyền thoại giữ mối quan hệ rất tốt đẹp với nhóm cầu thủ Barca, những người quan trọng nhất trong lối chơi bất bại tạo nên 6 năm lừng lẫy trong lịch sử tuyển TBN.
Iker đứng ở vị trí trung gian, làm trong sạch bầu không khí phòng thay đồ và tạo sự đoàn kết nội bộ. Thời đỉnh cao của tuyển Tây Ban Nha, thú vị thay, lại trùng với thời kỳ cạnh tranh khốc liệt nhất giữa Real Madrid – Barcelona. HLV Jose Mourinho đẩy sự thù địch và mâu thuẫn lên đến cao trào, đôi bên sẵn sàng lao vào xô xát nhau ở cấp CLB nhưng lên đội tuyển lại là một chuyện khác. Thế mới thấy vì sao Iker Casillas được phong thánh.
Sau khi Casillas rời khỏi đội tuyển, Sergio Ramos lên thay và mâu thuẫn Real – Barca bùng phát trở lại. Casillas không bao giờ hằn học với những trụ cột Barca còn Ramos hoàn toàn khác. Tuyển Tây Ban Nha hiện tại không có một thủ lĩnh trong tập thể cầu thủ ôn hòa để xoa dịu mâu thuẫn.
Fernando Hierro và chủ tịch LĐBĐ Tây Ban Nha trong buổi họp báo bổ nhiệm.
Khủng hoảng Lopetegui là "chuyện đã rồi". Giữ Lopetegui lại, Tây Ban Nha cầm chắc thất bại. Nhóm Barca, điển hình Pique không thể toàn tâm đá bóng với cái suy nghĩ "ông thầy của mình là HLV Real" luẩn quẩn trong đầu. Mọi quyết định, dù hợp lý, nếu bị cho là thiên vị Real sẽ gây rất nhiều mâu thuẫn. Đội trưởng người Real, huấn luyện viên cũng sắp làm cho Real, nhóm Barca thật sự khó thở. Một khi lòng quân dao động, Tây Ban Nha cầm chắc thất bại.
Nếu không có cầu thủ nào đủ sức làm hòa các bên, HLV sẽ đứng ra làm trọng tài. Vào lúc này, không ai thích hợp hơn Fernando Hierro.
Bổ nhiệm Hierro, được nhiều hơn mất
Trước hết nếu tuyển Tây Ban Nha cần một người chữa cháy có bản thành tích hùng tráng để khiến cầu thủ phải nể nang, Fernando Hierro đáp ứng trọn vẹn yêu cầu. Thời còn theo nghiệp quần đùi áo số, Hierro chơi 584 trận cho Real Madrid, đeo chiếc băng đội trưởng dẫn dắt Los Blancos vô địch Champions League và La Liga. Trong màu áo đội tuyển Tây Ban Nha, Hierro ra sân 89 trận, ghi đến 29 bàn thắng dù đá trung vệ.
Chỉ có 1 năm kinh nghiệm huấn luyện ở Real Oviedo, làm trợ lý của HLV Carlo Ancelotti ở Madrid và 2 nhiệm kỳ làm giám đốc thể thao tuyển TBN nhưng Hierro có tiếng nói và mối quan hệ giữa ông và các cầu thủ trên cương vị Giám đốc thể thao cũng rất tốt.
Buổi tập đầu tiên của ĐT Tây Ban Nha dưới sự chỉ đạo của HLV Fernando Hierro.
Hierro là người mềm dẻo. Và như khẳng định trong cuộc họp báo nhậm chức HLV tạm quyền, ông đủ trải nghiệm để hiểu tâm lý của cầu thủ và biết họ cần gì nhất vào lúc này. Đó chính là người mà đội tuyển Tây Ban Nha đang cần trong bối cảnh rối ren thế này. Nếu bổ nhiệm một người không đủ uy tín và không biết cách hàn gắn các mối quan hệ đang có dấu hiệu rạn nứt, mọi thứ sẽ đổ vỡ ngay lập tức.
Về chuyên môn, may mắn rất lớn của Hierro là được tiếp quản đội ngũ cực kỳ chất lượng với lối chơi nhuần nhuyễn từ tay Julen Lopetegui. Tình trạng Tây Ban Nha lúc này khá giống Real trước thời điểm chuyển giao Rafael Benitez – Zinedine Zidane. Việc quan trọng nhất lúc này là ổn định nội bộ để tất cả ngôi sao lại cùng nhìn về một hướng. Làm được điều đó, ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch vẫn gọi tên Tây Ban Nha. "Cơn cuồng nộ màu đỏ" càng trở nên đáng sợ hơn khi scandal Krasnodar khiến vị thế của họ sa sút và từ đó cũng chịu ít sức ép hơn hẳn.
Bạn nên quan tâm