Được tham gia trận đấu All Star có ý nghĩa rất khác nhau với các cầu thủ tại NBA. Với một số ngôi sao giống LeBron James, Stephen Curry, James Harden,… họ đã trở thành khách quen của tuần lễ này. Một số người khác lại là lần đầu như Zion Williamson, Jaylen Brown, Zach LaVine. Thế nhưng không phải ai trong số họ cũng tới All Star với mục tiêu giống nhau.
Được xướng tên là một All Star tại NBA không chỉ là niềm vinh dự mà còn mang đến lợi ích thiết thực về mặt tài chính. Trong bản hợp đồng của nhiều cầu thủ thường cài cắm điều khoản thưởng hậu hĩnh nếu họ có thể tham gia All Star. Trường hợp của Domantas Sabonis mới đây là một ví dụ điển hình. Dù chỉ nhận tấm vé “vớt” khi Kevin Durant không thể tham dự nhưng khoản tiền thưởng trị giá 1,3 triệu USD nằm trong hợp đồng của anh đã được kích hoạt.
Bỏ qua yếu tố tài chính, mục đích tiếp theo của một All Star là gì? Đây là một câu hỏi rất khó trả lời. Một vài ngôi sao sẽ hưởng thụ cuối tuần này như một dịp vui vẻ, có người sẽ tận hưởng nó như sự kiện có một lần trong đời. Thế nhưng với một số ít, họ đến đây là để tranh đấu một cách nghiêm túc.
Tại sao phải nghiêm túc trong một sự kiện mang tính giải trí như All Star? Đó chính là cái suy nghĩ không phải ai cũng có thể thoát ra mỗi khi hướng về dịp cuối tuần đặc biệt này. Vì thế, hãy cùng ngược dòng lịch sử về năm 1998 và trải nghiệm trận đấu All Star năm nào qua góc nhìn của Kobe Bryant vĩ đại.
Chàng trai trẻ tân binh Kobe Bryant năm ấy có lần đầu tiên tham dự ngày hội toàn sao. Không những thế, Kobe có cơ may được điền tên vào đội hình xuất phát và đối mặt với Micheal Jordan huyền thoại phía bên kia chiến tuyến. Đúng như dự đoán, ngôi sao của Chicago Bulls hành hạ chàng trai trẻ với 23 điểm bằng đủ các động tác. Thế nhưng, đây lại chính là những điều Kobe Bryant mong muốn.
Màn đối đầu kinh điển giữa Kobe Bryant và Michael Jordan kỳ All Star 1998
Los Angeles Lakers năm ấy rất mạnh với 4 All Star gồm Shaquille O’Neal, Kobe Bryant, Eddie Jones và Nick Van Exel. Họ đứng trước cơ hội to lớn để đối mặt với chính Chicago Bulls tại loạt trận chung kết. Nhiệm vụ khó nhất trên sân không gì khác ngoài theo kèm Michael Jordan do chính Kobe Bryant đảm nhiệm. Vì thế, Kobe Bryant đã dùng trận đấu All Star làm nơi tập luyện.
“NHM rất hả hê khi Michael “thiêu cháy” gã trai 19 tuổi kiêu ngạo là tôi khi ấy. Thế nhưng đó chính là kế hoạch của tôi ngay từ đầu. Tôi muốn biết anh ấy thích quay sang trái hay phải khi ném. Điều gì khiến Jordan phải lo lắng mà nhử ném. Tôi muốn tìm hiểu sức mạnh dưới đáy rổ cũng như nhịp độ thi đấu của anh ta. Đặc biệt là cách Michael theo kèm tôi như thế nào. Thực ra bản thân tôi muốn gửi thông điệp rằng Jordan sẽ phải đối đầu với một gã 19 tuổi khiến anh ấy phải toát mồ hôi hột”, Kobe Bryant chia sẻ sau này trong phim ngắn Game of Stars năm 2018.
Đúng như lời của cố huyền thoại Lakers, All Star không chỉ là dịp xả hơi mà còn mang đến cơ hội cho các ngôi sao tìm hiểu, học hỏi về đối thủ của mình trước khi thực sự gặp nhau trong những cuộc đấu quyết định. Hình thức chọn lựa cầu thủ do hai đội trưởng trong thời gian gần đây giúp các ngôi sao khác miền có thể ở chung một đội. Họ sẽ được tìm hiểu từng điều nhỏ nhất của nhau từ bài khởi động, thói quen tới cách thức tiếp cận trận đấu của mỗi người.
Các ngôi sao sẽ có một cách tiếp cận khác nhau với trận đấu All Star. Thế nhưng nếu chỉ cho rằng đây là một cơ hội thư giãn và vui vẻ thuần tuý, có lẽ họ đã bỏ lỡ cơ hội một năm chỉ có một lần như vậy. Như Kobe vĩ đại từng nói: “Nếu bạn chọn tranh đấu tại đây, tuyệt vời. Nếu bạn chọn cách thư giãn, bạn sẽ bị đối thủ hành hạ trước đôi mắt của hàng triệu người”.
Bạn nên quan tâm