Đó là thứ năng lực và tinh thần đã được đẩy lên rất cao sau vòng bảng Asiad 18. Khởi đầu thuận lợi trước Olympic Pakistan và Nepal giúp Olympic Việt Nam có nhiều lựa chọn để đi tiếp vào vòng sau, nhưng trái với một vài dự đoán, thầy Park đã lựa chọn thủ pháp tích cực nhất khi đối đầu Nhật Bản.
Thắng Nhật chính là mục tiêu đặt ra trước Asiad, và Olympic Việt Nam đã đi đến cùng mục tiêu đó mà không quản ngại rằng "chiến quả" có thể sẽ khiến chúng ta mông lung hơn trong việc tìm đối thủ ở vòng knocked-out.
Olympic Việt Nam đã có một trận đấu rất hay trước ứng cử viên vô địch Nhật Bản.
Tương đối khó để đánh giá thái độ của Olympic Nhật Bản. Họ nhận bàn thua sớm từ sai lầm ở hàng thủ nhưng cũng không nỗ lực mạnh mẽ để đòi lại thế cân bằng. Họ có những thời điểm ép sân tốt nhưng lại không quyết tâm đẩy sức ép lên đến tận cùng. Và Ueda, ở phút bù giờ 91, không thể dứt điểm vào lưới trống khi thủ thành Tiến Dũng đã "thả trôi", vẫn chỉ nhận về ánh mắt hiền hoà từ Ban huấn luyện…
Ở góc nhìn thực tế nhất, dường như Olympic Nhật Bản đã chủ động "nhắm" Malaysia ở vòng tiếp theo. Dù sao, được gặp một đối thủ Đông Nam Á thì vẫn cứ nhẹ nhàng hơn cả.
Nhưng xét đoán ấy không thể phủ nhận thực tế là Olympic Việt Nam đã chơi tốt, đã khiến đối thủ bất ngờ, và trong một chừng mực nào đó, làm cho họ bế tắc không thể chơi như ý muốn. HLV Park Hang-seo qua mỗi trận lại khẳng định thêm những tính toán của ông thật hiệu quả và rất khó để bắt bài.
HLV Park Hang-seo đã có những nước đi rất cao tay.
Chỉ tính riêng hàng tấn công, "ngài ngủ gật" đang có quá nhiều phương án. Văn Toàn xuất hiện trong gần một tiếng đồng hồ, dù bỏ lỡ một cơ hội ngon ăn nhưng vẫn là quân bài quan trọng mà ông Park dùng một cách tự tin bên cạnh những Công Phượng, Anh Đức, Văn Quyết, Quang Hải…
Cho đến lúc này, Olympic Việt Nam không tồn tại cái gọi là đội hình chính hay đội hình mạnh nhất. Chỉ có đội hình phù hợp nhất mà ông Park chọn ra theo sự phân tích, suy đoán từng đối thủ. Đó là sự khác biệt giữa ông với những người tiền nhiệm như Hữu Thắng hay Miura, kể cả HLV tạm quyền Mai Đức Chung.
Nhà cầm quân xứ Hàn bây giờ đã giúp bóng đá Việt Nam quen với những chiến thắng tầm châu lục. Vượt qua Nhật Bản ở sân chơi Asiad có thể coi là một chiến công lịch sử mà chưa có một đội bóng 11 người nào của chúng ta từng làm được, nhưng nó không còn khiến tất cả ngỡ ngàng, sửng sốt. Một phần vì tính chất của trận cầu, song phần nhiều hơn là chúng ta đã sẵn sàng tâm thế cho những cuộc chơi như vậy.
Olympic Việt Nam chứng minh được năng lực và đã sẵn sàng cho vòng Knock-out.
Sự sẵn sàng ấy đương nhiên được mang theo vào vòng đấu loại trực tiếp, nơi Olympic Việt Nam có thể gặp một đội xếp thứ 3 của các bảng đấu B, E hoặc F. Đó cũng là một lá thăm không tồi nếu so với Olympic Malaysia, đối thủ mà Nhật Bản đã xác định được.
Ông Park Hang-seo nếu theo dõi lịch sử đối đầu giữa các đội bóng Việt Nam và Malaysia sẽ nhận ra rằng, ngay cả trong những thời điểm hưng phấn nhất, chúng ta vẫn gặp nhiều khó khăn trước lối đá rắn đến liều lĩnh của đối phương. Các học trò của ông Park đang êm ái vận hành thứ bóng đá cống hiến và kỹ thuật, trong số họ, có những người như Công Phượng, Văn Toàn, Văn Quyết, Văn Thanh, Tiến Dũng… đã từng ngậm đắng khi bị người Mã đẩy vào cuộc đấu võ trên sân cỏ.
Bởi thế, không thể phán xét ông Park bỏ qua cung đường tránh để chơi một trận hết mình với Nhật Bản. Sự phiêu lưu của ông có phần thiệt thòi khi phải đánh đổi bằng chấn thương của Hùng Dũng tiền vệ trụ, nhưng đổi lại, Olympic Việt Nam đang được lợi rất nhiều từ lối đá, sự thăng hoa cho đến niềm tin đi thật xa trên hành trình Asiad.
Bạn nên quan tâm