Fightball: Môn bóng rổ va chạm hệt như Detroit Pistons và NBA thập niên 90

Quang Nhật , 08:54 13/03/2022 | Bóng rổ

Chia sẻ

Một biến thể của bóng rổ chính thống là Fightball đã mang sự bùng nổ đến các cầu trường tại Mỹ.

Kể từ khi được ngài James Naismith sáng tạo ra vào năm 1891, môn bóng rổ đã phát triển vượt bậc. Bên cạnh thứ bóng rổ chính thống được đông đảo người chơi trên thế giới ưa chuộng, nhiều biến thể của môn thể thao này đã được sinh ra. Fightball là một trong số thể loại bóng rổ phi chính thống vừa xuất hiện gần đây và nhận được sự quan tâm cuồng nhiệt từ khán giả Mỹ.

Fightball: Môn bóng rổ va chạm hệt như Detroit Pistons và NBA thập niên 90 - Ảnh 1.

Một biến thể của bóng rổ là Fightball đã diễn ra với sự ủng hộ đông đảo

Luật chơi của Fightball

Trái với nghĩa của chữ "Fight" trong tên của môn thể thao này, các vận động viên không được phép đánh nhau! Đây là một điều khá khó hiểu với những người vừa nghe đến tên của bộ môn này, khi rõ ràng tên gọi Fightball dường như hé lộ về những pha đấm bốc nảy lửa. Bên cạnh về luật tiên quyết nói trên, có 7 luật chơi và thông tin khác mà mà các cầu thủ cần phải biết rõ:

1. 8 cầu thủ sẽ lần lượt đấu theo cặp theo hình thức đấu loại trực tiếp trên sàn đấu dài 12 mét

2. Mỗi trận đấu sẽ kéo dài 8 phút, bao gồm 2 hiệp dài 4 phút

3. Mỗi cầu thủ chỉ có 8 giây để ném rổ, và mỗi cú ném sẽ được tính 1 điểm, ngoại trừ cú ném từ giữa sân hoặc úp rổ (được tính 2 điểm)

4. Mỗi cầu thủ sẽ được phạm 3 lỗi mỗi hiệp. Kể từ lỗi thứ tư trở đi, đối thủ sẽ được quyền ném phạt từ giữa sân nếu cầu thủ đó tái phạm

5. Khi đối thủ ném phạt, người phạm lỗi được phép đứng ở bất kỳ nơi nào trên sân kể cả bên cạnh đối thủ

6. Nếu tỉ số hòa sau hai hiệp đấu, một hiệp phụ 2 phút sẽ diễn ra

7. Người thắng cuộc sẽ mang về nhà 100.000 đô

Fightball: Môn bóng rổ va chạm hệt như Detroit Pistons và NBA thập niên 90 - Ảnh 2.

Fightball với cách bài trí trận đấu như môn boxing nhưng không có võ đài

Nếu không có đánh nhau, Fightball thực chất là thứ bóng rổ gì?

Theo ban tổ chức giải đấu, cái tên Fightball được lấy cảm hứng từ sự quyết liệt của môn Boxing. Tuy không có những cú đấm, Fightball sở hữu sự quyết liệt đáng kinh ngạc so với bóng rổ thông thường. Khoản tiền thưởng 100.000 đô dành cho người thắng cuộc cũng là một yếu tố tạo nên cái tên của môn thể thao này, tương tự như quyền anh.

Cụ thể hơn, Fightball chính là bóng rổ đường phố nhưng được tổ chức tại hộp đêm và chỉ có ở New York hoa lệ. Sẽ có một quầy rượu ngay gần đó, DJ đánh nhạc và hàng ghế VIP để phục vụ cho các vị khán giả xa hoa. Những rapper lừng danh và thích bóng rổ kết hợp với tiệc tùng như Drake, Young Thug hay Kanye West đều rất hứng thú với Fightball và thường xuyên xuất hiện ở hàng ghế VIP.

Tại sàn đấu với hai tông màu đen-trắng, các cầu thủ sẽ phải thể hiện sự nhiệt huyết, kỹ năng bóng rổ, sức mạnh thể chất và sức bền trước hàng trăm khán giả. Không khí của một trận Fightball không khác gì với Boxing khi khán giả hò reo mỗi khi ai đó ngã xuống sàn, những pha va chạm đầy thể lực, và cầu thủ sẽ phải tận dụng mọi yếu tố của bản thân để mang về số tiền thưởng kếch xù.

Được xem là "thứ bóng rổ mãnh liệt nhất thế giới", Fightball không có thời gian để cầu thủ xả hơi ngay trên sân. Hình thể, tốc độ và sức mạnh là ba yếu tố quan trọng để người chơi trở thành kẻ thắng cuộc. Những pha húc người tranh giành vị trí hay tranh chấp trên không thường sẽ "thiên vị" các cầu thủ cao lớn và cơ bắp, thêm vào đó là trọng tài sẵn sàng thổi còi bất kì lúc nào nếu cầu thủ thi đấu không quyết liệt và có vẻ đang câu giờ.

Một trận Fightball kịch tính với nhiều pha bóng điên rồ

Các cầu thủ Fightball là ai?

Phần lớn những gương mặt từng xuất hiện trên sàn đấu Fightball đều là cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp. Họ có thể không tiệm cận đến trình độ NBA nhưng ít nhiều đều đã thi đấu chuyên nghiệp ở đại học hay những quốc gia khác. Chính vì thế mà yếu tố chuyên môn của Fightball là rất cao khi các vận động viên đều đáp ứng được sự trông đợi từ người hâm mộ.

Chris Smith, em trai của JR Smith là một siêu sao tại các giải đấu Fightball. Từng thi đấu tại NBA trong màu áo Knicks cùng anh trai, Chris Smith rõ ràng có trình độ vượt trội hơn so với các đồng nghiệp. Bên cạnh đó, tất cả các cầu thủ ra sân đều có nickname đường phố và người xem cũng như MC chỉ gọi tên các nickname này. Một ví dụ điển hình là Marvin Roberts, người có nickname rất kêu là "Child Abuser" vì thể hình lấn lướt mọi đối thủ.

Fightball: Môn bóng rổ va chạm hệt như Detroit Pistons và NBA thập niên 90 - Ảnh 4.

Chris Smith, em trai của JR Smith, rất ngầu và là một siêu sao của môn Fightball

Kết

Thể thao kết hợp với giải trí thuần không còn là điều xa lạ tại Mỹ. Fightball với các yếu tố kể trên được xem là UFC của môn bóng rổ khi có rất nhiều điểm tương đồng với giải đấu võ thuật này. Không có sự lơ là phòng ngự hay những tiếng còi méo từ trọng tài, Fightball mang không khí hệt như NBA thập niên 90, khi các cầu thủ nhà nghề phòng thủ cực rắn và va chạm liên tục trên sân.

https://sport5.vn/fightball-mon-bong-ro-va-cham-het-nhu-detroit-pistons-va-nba-thap-nien-90-20220312170801579.htm