Thủ môn: Hassan Sunny (Singapore)
Thẻ đỏ ở trận bán kết lượt về với Indonesia không thể che lấp màn trình diễn đẳng cấp của Hassan Sunny với hàng loạt pha cứu thua xuất sắc. Thủ môn 37 tuổi có 2/6 trận giữ sạch lưới, 20 pha cản phá, nhiều nhất giải. Ấn tượng anh để lại lớn hơn Nguyên Mạnh (Việt Nam), Chatchai Budprom (Thái Lan) hay Nadeo Argawinata (Indonesia).
Hậu vệ phải: Asnawi Bahar (Indonesia)
HLV Shin Tae-yong đã không lầm khi trao băng đội trưởng tuyển Indonesia cho cầu thủ mới 22 tuổi như Asnawi Bahar. Anh thi đấu trọn vẹn các trận đầu từ đầu giải, lên công về thủ với nền tảng thể lực dồi dào khiến khán giả xem anh thi đấu cũng thấy mệt.
Asnawi Bahar tạo ra 11 cơ hội cho đồng đội, 14 lần qua người, có 9 pha tắc bóng thành công, 14 lần giải nguy và 12 pha cắt bóng. Kinh nghiệm và sự bình tĩnh là thứ cầu thủ trẻ này cần tích luỹ.
Hậu vệ trái: Theerathon Bunmathan (Thái Lan)
Khán giả nhớ đến Theerathon nhờ những đòn tiểu xảo kín nhưng về mặt chuyên môn, cầu thủ 31 tuổi của Thái Lan chắc chắn là hậu vệ cánh hay nhất tại AFF Cup 2020. Anh là hậu vệ tạo ra nhiều cơ hội nhất cho đồng đội với 13 lần, chuyền nhiều nhất với 387 đường chuyền đạt tỷ lệ thành công 84,2%. Không ai làm tốt hơn Theerathon chỉ sau 5 trận đấu như thế.
Theerathon Bunmathan có xu hướng chơi hiện đại khi bó vào trung lộ chơi như một tiền vệ kiến thiết lùi sâu. Anh chứng minh đẳng cấp của cầu thủ có 4 năm thi đấu ở J.League 1. Không cần chạy nhiều, Theerathon có sự điềm tĩnh, chính xác, kỹ thuật xử lý bóng thượng thừa và cả tiểu xảo tạo nên hai mặt của một cầu thủ tài năng.
Trung vệ: Alfeandra Dewangga (Indonesia)
Sự điềm tĩnh của Dewangga khiến nhiều người bất ngờ khi biết anh mới 20 tuổi. Trung vệ này có 33 pha giải nguy (nhiều nhất giải), 25 pha cắt bóng, cùng 7 pha tắc bóng thành công. Dewangga hứa hẹn sẽ là trung vệ đáng xem của bóng đá Đông Nam Á trong thời gian tới nếu tiếp tục duy trì phong độ tốt như hiện tại.
Trung vệ: Kritsada Kaman (Thái Lan)
Thành công đầu tiên mà HLV Mano Polking có được khi tiếp quản đội tuyển Thái Lan là kéo Kritsada từ vị trí tiền vệ trụ về trung vệ. Nhãn quan chiến thuật, đọc tình huống đánh chặn và khả năng chuyền bóng tốt của anh giúp tuyển Thái Lan phát triển bóng từ tuyến dưới trơn tru và khó lường hơn. Bàn thắng thứ 2 vào lưới tuyển Việt Nam ở bán kết lượt về khởi phát từ đường chuyền xuyên tuyến của Kritsada.
Kritsada chuyền nhiều thứ hai tại giải (374) với tỷ lệ thành công 83,2%. Anh có 23 pha giải nguy (nhiều thứ hai tại giải), 14 pha cắt bóng và rất ít khi phải nhoài người tắc bóng.
Tiền vệ phòng ngự: Phitiwat Sukjitthammakul (Thái Lan)
Phitiwat được xem là tiền vệ phòng ngự hay nhất Đông Nam Á thời điểm này. Sự xuất hiện của anh là sự đảm bảo cho Chanathip và hàng công tuyển Thái Lan tập trung tấn công. Ở trận chung kết lượt về, tuyển Thái Lan thi đấu khác hẳn khi có Phitiwat trong hiệp 2 sau hiệp 1 chống đỡ vất vả trước đối thủ trẻ.
Tiền vệ: Nguyễn Hoàng Đức (Việt Nam)
Hoàng Đức xứng đáng với danh hiệu cầu thủ có bước đột phá lớn nhất của tuyển Việt Nam trong năm 2021. Tiền vệ sinh năm 1998 chuyền nhiều thứ ba tại giải với tỷ lệ thành công 86,4%. Khả năng kiểm soát bóng, cướp bóng của Hoàng Đức cũng ngày càng hoàn thiện.
Anh tạo ra 9 cơ hội, tắc bóng đạt tỷ lệ thành công cực cao 87,5% và có thêm 7 pha cắt bóng thành công. Người hâm mộ Việt Nam đang rất mong chờ được chứng kiến sự kết hợp của Hoàng Đức và Đỗ Hùng Dũng trong tương lai.
Tiền vệ: Nguyễn Quang Hải (Việt Nam)
Tuyển Việt Nam có thể không lọt vào chung kết nhưng màn trình diễn của Quang Hải thì vẫn xuất sắc như thường thấy. Đá 6 trận, Quang Hải tạo ra 15 cơ hội cho đồng đội ghi bàn, góp dấu giày vào 4 bàn thắng (nhiều nhất tuyển Việt Nam).
Hai trận bán kết với Thái Lan cho thấy Quang Hải sở hữu tố chất ngôi sao không kém Chanathip. Sân chơi Đông Nam Á đang có trình độ thấp hơn năng lực của Quang Hải. Một cuộc xuất ngoại sang Nhật hay châu Âu là điều nên xảy ra trong thời gian tới.
Hộ công: Witan Sulaeman (Indonesia)
Witan Sulaeman là vua kiến tạo tại AFF Cup 2020 (5 lần) và anh mới chỉ 20 tuổi. Niềm tự hào của bóng đá Indonesia có lối chơi tương tự Chanathip và nếu duy trì sự phát triển như hiện tại, Witan sẽ trở thành cầu thủ xuất sắc bậc nhất Đông Nam Á trong vài năm tới.
Witan là nguồn cảm hứng trong tấn công và phản công của đội tuyển Indonesia. Thất bại ở AFF Cup 2020 không phải thảm hoạ mà là lời cảnh báo tới tương lai mà trước mắt là SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam. Thế hệ 1999 – 2001 với Witan Sulaeman thật sự đáng gờm.
Hộ công: Chanathip Songkrasin (Thái Lan)
Đơn giản là quá xuất sắc. Danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup lần thứ 3 thể hiện tại sao Chanathip có thể trụ vững ở J.League 1 trong 5 mùa giải liên tiếp cùng suất đá chính. Tiền vệ 28 tuổi cho thấy kỹ năng chơi bóng thượng thừa, xử lý một chạm tinh tế cùng khả năng bùng nổ trong trận cầu quan trọng.
Chanathip xứng đáng là cầu thủ xuất sắc bậc nhất giải đấu. Bên cạnh đó, anh có thể trở thành tấm gương cho nhiều cầu thủ Đông Nam Á kiên định hơn với giấc mơ xuất ngoại.
Tiền đạo: Teerasil Dangda (Thái Lan)
Những "số 9" đích thực đang chết dần trên thế giới và bóng đá Đông Nam Á không nằm ngoài quy luật ấy. Teerasil Dangda là "sát thủ" hiếm hoi còn tồn tại, chứng minh được năng lực ở AFF Cup lần này.
Teerasil Dangda trở thành vua phá lưới AFF Cup lần thứ 4 trong sự nghiệp, phá kỷ lục ghi bàn mọi thời của Noh Alam Shah với 19 bàn. Khi giải đấu kết thúc, người Thái đã tự đặt dấu hỏi tìm đâu ra một Teerasil Dangda thứ hai, y hệt ngày Công Vinh hay Anh Đức từ giã tuyển Việt Nam.