Dường như, Đan Mạch là cái tên “được chọn” để tạo ra những cột mốc lịch sử, những khoảnh khắc mà ngoài họ, sẽ chẳng đội bóng nào làm được. Cách đây 29 năm, EURO 1992 trên đất Thụy Điển, Đan Mạch có vé dự VCK theo cách chẳng ai nghĩ tới: Thế chân Nam Tư (cũ). Kỳ diệu ở chỗ, kẻ đóng thế ấy lại đi một mạch đến ngôi vô địch một cách vừa bất ngờ, vừa thuyết phục!
Trước khi UEFA quyết định trừng phạt Nam Tư vì lý do chính trị, các cầu thủ Đan Mạch đã đưa người nhà đi du lịch, hoặc tự cho phép mình tận hưởng những ngày hè đầy nắng bên gia đình. Họ không có dấu hiệu gì của sự chuẩn bị. Nhưng khi ngài chủ tịch LĐBĐ châu Âu lúc bấy giờ, Lennard Johansson quyết định trao cơ hội cho Đan Mạch, hòng cứu vãn một VCK khỏi đổ gãy, thì những chú lính chì cũng kịp nắm bắt thời cơ.
HLV Richard Moller Nielsen triệu tập gấp đội hình. Ông và các cộng sự chẳng thể gom hết những tên tuổi xuất sắc nhất của Đan Mạch lúc đó như Bjarne Goldbaek, Torben Piechnik, anh em Jan Moelby, Johnny Moelby… do họ đã bước vào kỳ nghỉ hè và “không muốn” nói gì đến bóng bánh. Trong số đó, ngôi sao để lại nhiều nuối tiếc nhất là Michael Laudrup, lúc đó đang khoác áo Barcelona không xác nhận tham dự. Cũng may, người em ruột của Michael là Brian Laudrup sẵn sàng lên đường.
Đan Mạch chỉ có 7 ngày chuẩn bị với hành trang là… sự bất ngờ. Họ chung bảng với chủ nhà Thụy Điển, Pháp và Anh. Chẳng ai tin Đan Mạch sẽ làm nên chuyện. Nhưng câu chuyện cổ tích mà thầy trò HLV Nielsen viết trên đất Thụy Điển ở kỳ EURO 1992 khiến tất cả ngỡ ngàng. Đan Mạch thất thủ trước chủ nhà, nhưng kịp hòa Anh và cuối cùng là thắng Pháp của Michel Platini với tỷ số 2-1 để bước vào bán kết. Tại trận cầu knock-out này, những chú lính chì dũng cảm đã kiên cường đưa trận đấu đến chấm penalty may rủi. Và trong cuộc đấu súng cân não đó, thủ thành Peter Schmeichel đã xuất sắc cản được cú đá của huyền thoại Hà Lan, Marco Van Basten. Đan Mạch bước vào chung kết gặp tuyển Đức của Berti Vogts (đội thắng Thụy Điển ở bán kết).
Lịch sử VCK EURO sau đó được tạo nên bởi cái tên Đan Mạch theo cách không ai hình dung nổi. Đội bóng Bắc Âu lên ngôi vô địch bằng hai bàn thắng của John Jensen và Kim Viford, đoạt luôn EURO của người Đức.
Bóng đá thật khó nói trước điều gì, nhất là với những đội được số phận chỉ định như Đan Mạch. Họ là đội đầu tiên trong lịch sử EURO chỉ giành 1 trận thắng cuối sau 2 trận thua đầu mà giành ngôi nhì bảng để đi tiếp. So với các đội cùng có 3 điểm, nhưng “vận kém” như Phần Lan, Slovakia, Đan Mạch rõ ràng có sự đồng hành của may mắn.
Tiếp đó, ở vị trí nhì bảng, Đan Mạch sở hữu đường quan lộ đầy hy vọng (ít nhất là trước Tứ kết) khi đối thủ của họ ở vòng knock-out chỉ là Xứ Wales. Chắc chắn, thầy trò HLV Rob Page “dễ chịu” hơn hẳn so với Ý của Roberto Mancini.
Tuy nhiên, điều Đan Mạch đem lại hy vọng cho những người yêu mến họ là lối chơi và lực lượng cầu thủ khá chất lượng. Trận ra quân, Đan Mạch không đáng thua Phần Lan. Họ chơi áp đảo gần như toàn diện, nhưng sự cố Christian Eriksen đã khiến tinh thần của tất cả suy sụp. Nó tồi tệ đến mức một cầu thủ “võ sỹ” như Hojberg cũng sút hỏng phạt đền vì tư tưởng không còn muốn thi đấu tiếp.
Cuộc đọ sức với Bỉ sau đó cũng vậy, Đan Mạch chơi tốt, vượt lên dẫn bàn. Họ chỉ thua hai khoảnh khắc tỏa sáng của Kevin De Bruyne. Đến trận cuối cùng, thùng thuốc súng Đan Mạch kịp bùng nổ trước tuyển Nga để lách qua khe cửa hẹp như tất cả đã thấy.
Trong lối chơi của Đan Mạch, người ta thấy được tinh thần, tài năng và cả sự nhịp nhàng. Hơn nữa, các cầu thủ Đan Mạch thể hiện được sự ăn ý và quyết tâm rất cao của một tập thể chứ không đơn giản chỉ là cuộc thi thố tài năng của các cá nhân đơn lẻ. Nói không quá, tuy sở hữu điểm số khiêm tốn nhất trong số những đội bóng lọt vào vòng knock-out, nhưng xem Đan Mạch đá còn thích mắt hơn chứng kiến các ngôi sao bạc tỷ trong đội hình Bồ Đào Nha, Anh, Bỉ, Đức, thậm chí cả ĐKVĐ Thế giới Pháp.
Với tinh thần đang lên, nhiệt huyết trở lại và cả chặng đường “có hy vọng” phía trước, Đan Mạch đầy đủ yếu tố để trở thành ngựa ô tại EURO lần này. Chưa biết chừng, kỳ tích 29 năm có thể lặp lại thêm lần nữa!