Nhiều cầu thủ bóng đá không khác gì VĐV điền kinh. Danh hiệu chạy nhanh nhất vòng bảng Euro 2020 thuộc về Nego (Hungary) và Spinazzola (Ý) với cùng 33,8 km/h, tương đương mỗi giây chạy được 9,38 mét. Top 5 bám nhau rất sát, vị trí thứ 5 thuộc về Daniel James (33,5 km/h) chỉ kém vị trí dẫn đầu 0,3 km/h.
Không có gì bất ngờ khi top 10 có đến 9 tiền vệ, những người luôn phải di chuyển nhiều nhất giữa 2 đầu sân. Quán quân thuộc về Golovin (tuyển Nga) với cường độ hoạt động khủng khiếp: 36 cây số/3 trận, tức trung bình 12 cây số/trận.
Hojbjerg (Đan Mạch) và Zuber (Thuỵ Sĩ) chia sẻ vị trí dẫn đầu với cùng 3 kiến tạo.
Vòng bảng là thời điểm tốt nhất để tích luỹ bàn thắng vì có cơ hội đối đầu với những đối thủ dưới cơ. Ronaldo tận dụng rất tốt trận thắng Hungary và 2 quả penalty ở trận hoà Pháp để sớm thu về cho mình 5 bàn thắng, tạo khoảng cách 2 bàn với nhóm bám đuổi. Ở nhiều kỳ Euro, 5 bàn là đủ để đảm bảo danh hiệu Vua phá lưới. 5 bàn thắng giúp Ronaldo phá hàng loạt kỷ lục: ghi bàn nhiều nhất tại Euro + World Cup, tổng số bàn nhiều nhất lịch sử Euro, ghi bàn qua nhiều kỳ Euro nhất.
Reece James của ĐT Anh đạt tỷ lệ khủng, lên tới 99% đường chuyền thành công. Hậu vệ của Chelsea chuyền 85 lần, chính xác 84 lần. Tuy vậy, chỉ số của Laporte (Tây Ban Nha) mới đáng nể nhất: chuyền 274 lần, chính xác 270 lần.
Reece James không phải người chuyền bóng nhiều nhất, danh hiệu này thuộc về Toni Kroos (Đức) với 314 đường chuyền (hạng nhất), thành công 288 lần (hạng nhất), đạt tỷ lệ 92%. Hậu vệ và tiền vệ đạt tỷ lệ chuyền bóng cao cũng không có gì lạ, top 26 chỉ có đúng 2 tiền đạo. Các tiền đạo luôn chạm bóng ít và hầu như phải chạm bóng ở những vị trí, tư thế, tốc độ khó hơn.
Chân chạy cánh của những đội bóng trung bình khá rất chăm tạt. Andy Robertson (Scotland) tạt nhiều nhất (32 lần) và cũng chính xác nhiều nhất (12 lần). Xếp thứ hai là David Alaba (Áo) với 22 lần tạt, 10 lần thành công.
Mbappe (Pháp) dẫn đầu chỉ số với 17 lần qua người thành công. Maehle (Đan Mạch) gây ngạc nhiên khi là hậu vệ duy nhất trong top 10.
Thủ môn của các đội bóng yếu luôn có chỉ số cứu thua rất cao, đơn giản vì họ phải đối mặt với số lượng cú sút lớn, vượt xa thủ môn của các đội mạnh. Top 5 thủ môn cứu thua nhiều nhất có đến 3 người thủng lưới nhiều nhất và 4 đội bị loại. Danh hiệu quán quân ở chỉ số này thuộc về thủ môn Cakir của Thổ Nhĩ Kỳ với 18 lần cứu nguy. Xếp sau là Dimitrievski (Bắc Macedonia) với 14 lần.
Thủ môn của các ứng viên vô địch hàng đầu đều xếp vị trí thấp: Bỉ hạng 13, Pháp hạng 16, Anh hạng 20, Đức hạng 21, Ý hạng 23.
Sau 3 năm, Dzyuba chậm chạp hơn hẳn. Nga suy yếu trông thấy và không còn là đội bóng khiến đối thủ phải dè chừng. Dzyuba thống trị một thống kê không ai muốn sau vòng bảng: 7 lần việt vị, bỏ xa đối thủ bám đuổi.