Đan Mạch không chỉ có tinh thần Eriksen để viết tiếp chương mới trong cuốn truyện cổ tích

Tuấn Hoàng , 06:51 07/07/2021 | EURO 2020

Chia sẻ

Sẽ thật không công bằng nếu cho rằng Đan Mạch đến được trận bán kết hoàn toàn chỉ nhờ yếu tố tinh thần. Thực tế, "thùng thuốc súng" có đầy đủ sự mạnh mẽ, đa dạng, có tổ chức tốt và cực kỳ nguy hiểm.

Sức mạnh thật sự Đan Mạch - Ảnh 1.

Đan Mạch và câu chuyện cổ tích tại Euro 2020

Hành trình có mặt ở bán kết Euro 2020 của ĐT Đan Mạch xứng đáng là câu chuyện truyền cảm hứng cho toàn thế giới. "Những chú lính chì" (biệt danh của tuyển Đan Mạch) bắt đầu giải đấu theo cách không thể tồi tệ hơn khi Christian Eriksen, nhạc trưởng và là cầu thủ quan trọng nhất của Đan Mạch, gục ngã ngay trên sân ở trận ra quân gặp tuyển Phần Lan.

Rất may khi Eriksen cuối cùng đã chiến thắng lưỡi hái tử thần. Sự trở lại của người nhạc trưởng đã phần nào truyền cho những người đồng đội một thứ sức mạnh tinh thần mạnh mẽ đưa Đan Mạch vượt qua những thử thách không tưởng.

Tuy nhiên, sẽ thật không công bằng nếu cho rằng đội bóng của HLV Kasper Hjulmand đến được trận bán kết hoàn toàn chỉ nhờ yếu tố tinh thần. Thực tế, "thùng thuốc súng" có đầy đủ sự mạnh mẽ, đa dạng, có tổ chức tốt và cực kỳ nguy hiểm. Đan Mạch sẽ là thuốc thử nặng ký thật sự cho tuyển Anh trong trận đấu sắp tới.

Những "pháo đài" trên không

3/4 bàn thắng của tuyển Anh trước Ukraine đến từ những quả tạt bóng và đánh đầu. Điều này dễ tạo ra nhận định đội bóng của HLV Gareth Southgate trông rất nguy hiểm trong những tình huống cố định xuyên suốt giải đấu. Tuy nhiên, Đan Mạch sẽ là một đối thủ khó nhằn hơn nhiều, khi họ cũng là đội bóng tạo ra rất nhiều cơ hội từ chính những quả dàn xếp đá phạt cố định.

Sự ổn định khi không chiến của "những chú lính chì" bắt nguồn từ ba trung vệ với chiều cao rất lý tưởng gồm: Andreas Christensen (1m87), Simon Kjaer (1m9) và Jannik Vestergaard (1m99). Đặc biệt, đội trưởng Kjaer đang thi đấu rất xuất sắc tại giải đấu cho đến nay, với khả năng đọc tình huống và giải nguy cực kỳ tỉnh táo.

Sức mạnh thật sự Đan Mạch - Ảnh 2.

Sự ổn định khi không chiến của "những chú lính chì" bắt nguồn từ ba trung vệ với chiều cao rất lý tưởng gồm: Andreas Christensen (1m87), Simon Kjaer (1m9) và Jannik Vestergaard (1m99)

Trong khi đó, kinh nghiệm thi đấu ở Premier League của Christensen (Chelsea) và Vestergaard (Southampton) giúp họ có thừa khả năng đối phó với những tình huống treo bóng của tuyển Anh từ hai biên.

Sức mạnh thể chất của những Harry Kane, Harry Maguire và Declan Rice cũng khó có thể gây ra bất ngờ cho hàng thủ Đan Mạch, đặc biệt là khi đứng trước những trung vệ sẽ là Pierre-Emile Hojbjerg, một trong những tiền vệ trụ hàng đầu tại Premier League mùa giải vừa qua.

Bàn mở tỷ số của Đan Mạch vào lưới CH Séc, trong trận thắng tại tứ kết ở Baku, cũng đến từ một tình huống cố định. Nên nhớ, CH Séc là một trong những đội bóng chơi đầu tốt nhất giải đấu.

Họ bố trí đầy đủ nhân lực để theo kèm những chuyên gia không chiến bên phía Đan Mạch như Vestergaard hay Kjaer, nhưng lại vô tình để lọt Thomas Delaney đánh đầu thoải mái. Đó sẽ là một bài học mà tuyển Anh phải hết sức cẩn thận và mổ băng kỹ lưỡng.

"Mũi dao dưới tay áo" Đan Mạch mang tên Wing-back

Hệ thống 3 cầu thủ phòng ngự và hai cầu thủ chạy cánh (wing-back) đã trở thành trào lưu "thời thượng" tại Euro 2020. Không biết phải gọi là may mắn hay xui xẻo khi tuyển Đan Mạch chỉ bắt đầu chuyển sang hệ thống 3 trung vệ sau sự cố của Christian Eriksen.

Trong bối cảnh mất đi cầu thủ kiến thiết lối chơi quan trọng nhất cả đội, HLV Kasper Hjulmand buộc phải thay đổi sang sơ đồ mới 3-4-3 (hoặc 3-4-2-1 tùy thời điểm). Chiến thuật mới giúp hạn chế điểm yếu khi tấn công trung lộ của Đan Mạch và tăng cường sức mạnh ở hai biên, đặc biệt là cặp đôi Mikkel Damsgaard - Joakim Maehle.

Sức mạnh thật sự Đan Mạch - Ảnh 3.

Joakim Maehle đang có một mùa hè đáng nhớ

Trong màn trình diễn thăng hoa của Đan Mạch, không thể không nhắc tới vị trí wing-back của Joakim Maehle. Dù chơi ở tuyến dưới, cầu thủ mang áo số 5 đã kịp bỏ túi 2 bàn thắng lần lượt đến ở trận đấu với Nga (vòng bảng) và Xứ Wales.

Ở cuộc đối đầu với CH Séc vào đêm 3/7, Maehle tiếp tục gây sốt với tình huống kiến tạo bằng trivela (vẩy má ngoài) ở phút 42. "Không thể tin nổi", truyền thông Anh choáng váng khi mô tả về đường chuyền của Maehle.

Thực tế, cách chơi của Maehle chính là đại diện tiêu biểu và nổi bật nhất cho một trào lưu khác bất ngờ nổi lên tại Euro 2020: những wing-back nghịch kèo (inverted wingback). Nhưng không chỉ mỗi cầu thủ thuộc biên chế Atalanta có thể làm được điều này.

Một điểm mạnh mà tuyển Đan Mạch sở hữu tại giải đấu năm nay, nằm ở việc họ là một trong hai đội sử dụng cặp wing-back đều thuận chân phải gồm Jens Stryger Larsen (Udinese) và Joakim Maehle (Atalanta).

Đội tuyển còn lại là Bỉ. Tuy nhiên, HLV Roberto Martinez buộc phải làm thế vì cánh trái của tuyển Bỉ không còn lựa chọn nào khả dĩ hơn Thorgan Hazard. Trong khi đó, HLV Kasper Hjulmand thật sự đã khai phá tiềm năng của Maehle bởi trong màu áo CLB, cầu thủ sinh năm 1997 chỉ chạy cánh phải.

Khả năng tấn công của Maehle là không thể bàn cãi. Tuy nhiên, cách bố trí trái kèo của HLV Kasper Hjulmand mới thật sự là điểm nhấn tạo nên sự bùng nổ cho cầu thủ 24 tuổi.

Khi tấn công, Maehle - một người thuận chân phải, sẽ lách vào hành lang trong, nơi giao thoa giữa hậu vệ cánh và trung vệ. Với lợi thế thuận chân, Maehle nắm giữ ưu thế tấn công vào thẳng trụ của đối thủ. Đó là một điểm mạnh rất lớn bởi nếu cầu thủ Atalanta là một người thuận chân trái, hậu vệ đối phương sẽ lập tức áp sát và dễ dàng ngăn chặn một đường chuyền.

Sức mạnh thật sự Đan Mạch - Ảnh 4.

Với lợi thế thuận chân, Maehle nắm giữ ưu thế tấn công vào thẳng trụ của đối thủ

Bên cạnh khả năng tấn công ở đáy biên, những quả tạt từ một wing-back nghịch kèo cũng tạo ra "sát thương" cao hơn. Với cái chân phải rất "ngoan", Maehle có thể bất ngờ tung ra một đường căng ngang hay một quả tạt sớm cuộn vào cột hai mà hậu vệ theo kèm không kịp trở tay.

Điều này giúp Đan Mạch rất đa dạng và khó lường trong các phương án lên bóng. Họ có thể tạt sớm hoặc bất ngờ đẩy bóng xuống đáy biên tùy theo cách tuyển Anh phòng thủ.

Tốc độ và sự sáng tạo trong tấn công

Sự vắng mặt của Eriksen tạo cơ hội bất ngờ cho Mikkel Damsgaard, người vừa tròn 21 tuổi. Ở Damsgaard, người xem có thiện cảm bởi một cầu thủ có khuôn mặt có phần hơi trẻ con, nhưng cách anh chơi bóng thì lại như một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm, với vũ khí là tốc độ và sự sáng tạo trong 1/3 sân cuối cùng.

Tiền đạo thuộc biên chế Sampdoria mang đến khả năng chạy chỗ đa dạng hơn Eriksen rất nhiều và sự hiện diện của Damsgaard đã giúp tuyển Đan Mạch trở thành một trong những đội chơi phản công nguy hiểm nhất giải đấu.

Sức mạnh thật sự Đan Mạch - Ảnh 5.

Mikkel Damsgaard sở hữu tốc độ và khả năng tạo đột biến đáng sợ bên hành lang cánh trái

Ở hướng đối diện, tiền đạo Martin Braithwaite của Barcelona cũng mang đến tốc độ trong những đường tấn công rất ấn tượng, chủ yếu từ cánh phải. Điều này tạo cơ hội cho hàng tiền vệ Đan Mạch phất những đường bóng dài vượt tuyến nhắm thẳng vào hai "máy chạy" rất chất lượng.

Linh hoạt và tinh thần thi đấu không biết sợ hãi

Trên lý thuyết, tuyển Đan Mạch thường ra quân với sơ đồ 3-4-3. Tuy nhiên, HLV Hjulmand luôn có rất nhiều phương án để thay đổi đội hình trong các trận đấu. Ví dụ điển hình nhất về điều này là trong trận thắng xứ Wales 4-0 ở vòng 16 đội, khi trung vệ Christensen từ hàng thủ được đẩy lên hàng tiền vệ giữa hiệp một.

Xứ Wales khởi đầu trận đấu tương đối chói sáng và tạo ra nhiều cơ hội nguy hiểm trong 20 phút đầu. Chính sự thay đổi của hệ thống, với việc đôn Christensen lên đá tiền vệ và xoay hàng thủ trở thành bộ tứ vệ, cho phép Đan Mạch nắm quyền kiểm soát trận đấu trở lại cũng như vô hiệu hóa mối đe dọa từ Aaron Ramsey.

Sức mạnh thật sự Đan Mạch - Ảnh 6.

HLV Hjulmand luôn có rất nhiều phương án để thay đổi đội hình trong các trận đấu tùy vào đối thủ của Đan Mạch là ai

Sau trận đấu, HLV Hjulmand cho biết ông được truyền cảm hứng từ triết lý của huyền thoại Johan Cruyff. "Một trong những nguồn cảm hứng lớn của tôi, Johan Cruyff, từng nói rằng bạn không thể chơi bóng với sự sợ hãi. Bạn không thể chơi bóng hết mình nếu vẫn còn sự hoài nghi. Vì vậy, tôi muốn các cầu thủ thi đấu thật tự do trên sân", thuyền trưởng tuyển Đan Mạch phát biểu trước trận tứ kết.

Nhân tố vô hình mang tên Eriksen

Chỉ các cầu thủ và BHL của Đan Mạch mới là những người hiểu rõ nhất những tác động tâm lý đã ảnh hưởng nặng nề thế nào khi chứng kiến Eriksen gục ngã trong trận mở màn của họ. Tuy nhiên, điều rõ ràng đối với tất cả là nỗi kinh hoàng này đã bất ngờ mang lại sự đoàn kết và thúc đẩy cả đội tiến lên phía trước.

"Cơn ác mộng ấy thật sự đã tác động đến toàn đội. Chúng tôi đồng cảm và cảm thấy thật yên tâm khi chơi bên nhau. Cả đội biết mình có thể tin tưởng những người đồng đội xung quanh. Nếu một người trong cả đội gặp khó khăn, sẽ luôn có những người khác ở bên cạnh bạn", đội trưởng Kjaer chia sẻ.

Sức mạnh thật sự Đan Mạch - Ảnh 7.

Sự kiên cường của Eriksen đã truyền sức mạnh vô hình cho cả tập thể Đan Mạch

Ngay khi trọng tài chính thổi hồi còi kết thúc trận tứ kết với CH Séc, tiền vệ Pierre-Emile Hojbjerg đổ gục xuống sân, bật khóc nức nở.

Đây là giọt nước mắt hạnh phúc xen lẫn tự hào của cầu thủ 26 tuổi. Ngay lập tức, các đồng đội đã chạy đến dành cho Hojbjerg những cái ôm. "Hình ảnh thật xúc động", một fan viết dòng chú thích trước khi chia sẻ lại đoạn video. Chỉ sau ít phút đăng tải, clip trên đã thu về gần 200 nghìn lượt xem chỉ tính riêng trên Twitter.

"Tôi vẫn đang nghĩ về Christian mỗi ngày. Cậu ấy lẽ ra phải ở đây. Cả đội rất vui vì cậu ấy đã vượt qua hiểm nghèo. Chúng tôi luôn mang tinh thần của Christian thi đấu đến tận trận đấu này và cả khi đến Wembley. Tôi không thể hạnh phúc hơn thế", HLV Hjulmand chia sẻ đầy xúc động sau trận đấu.

Sức mạnh thật sự Đan Mạch - Ảnh 8.

Pierre-Emile Hojbjerg khóc nấc ngay khi tiếng còi kết thúc vang lên

Yếu tố tinh thần của Eriksen thật sự đã mang đến phần nào sức mạnh cho tuyển Đan Mạch. Nhưng nếu không có sức mạnh nội lực, "Những chú lính chì" sẽ không thể đi xa đến vậy. Tuyển Anh vì thế hãy coi chừng, bởi Đan Mạch thật sự là "thùng thuốc súng" bùng nổ.