Dưới đây là một số hình ảnh về một ngày luyện tập trên thao trường của các huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) của Đội tuyển Hóa học QĐND Việt Nam.
Đối với người chiến sĩ hóa học, bộ khí tài phòng hóa là trang bị không thể thiếu để bảo đảm an toàn trước các tác nhân nguy hiểm chết người. Chính vì thế, quy chế nội dung "Môi trường an toàn" quy định rõ việc mặc khí tài phòng da và đeo mặt nạ phòng hô hấp trong suốt quá trình thực hiện bài thi. Trong ảnh, HLV đang kiểm tra việc mang mặc khí tài phòng hóa bảo đảm đúng quy cách của các VĐV.
Các môn thi của Hội thao quân sự quốc tế đều đòi hỏi các VĐV có nền tảng thể lực tốt. Đặc biệt, đối với nội dung "Môi trường an toàn", ngoài sức mạnh về cơ bắp, các tuyển thủ phải có hô hấp đặc biệt tốt và một hệ tuần hoàn bảo đảm để có thể đưa lượng oxy ít ỏi trong không khí qua lớp lọc dày của mặt nạ vào phổi và đi nuôi cơ thể. Khả năng này không thể có trong một sớm một chiều mà phải được rèn luyện qua nhiều tháng khổ luyện với cường độ cao. Trong ảnh, các VĐV đang khởi động trước khi thực hiện các bài tập nặng.
Trinh sát chất độc hóa học là nội dung chuyên ngành thứ nhất của nội dung "Môi trường an toàn". Dưới áp lực về thời gian, đòi hỏi các vận động viên phải có tư duy nhanh, khéo léo và chính xác, bất kỳ động tác thừa nào cũng có thể bị trừ điểm. Chính vì vậy, huấn luyện viên phải thường xuyên giám sát các vận động viên trong quá trình luyện tập.
Có thể ví người chiến sĩ Phòng hóa khi thực hiện nhiệm vụ phải mang theo một "phòng thí nghiệm nhỏ" với những trang thiết bị và dụng cụ cần thiết nhất. Trong bài thi, nếu vận động viên để rơi bất kỳ dụng cụ nào cũng bị trừ điểm; đồng thời, ngoài hai bàn chân không được bất kỳ một bộ phận nào được chạm vào mục tiêu trinh sát.
Giống như các môn thể thao cạnh tranh khác, nội dung thi "Môi trường an toàn" phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời gian nên việc bấm đồng hồ kiểm tra thời gian thực hiện bài thi được thực hiện một cách triệt để. Trên cơ sở đó, Ban huấn luyện sẽ có đánh giá chính xác hơn về phong độ của từng cá nhân, từ đó có phương án huấn luyện và chiến thuật thi đấu phù hợp cho đội tuyển.
Hệ vũ khí, trang bị sử dụng trong nội dung "Môi trường an toàn" năm 2021 đều do nước chủ nhà Trung Quốc nghiên cứu chế tạo nên chúng ta chưa có tài liệu cụ thể và chuyên sâu về các loại trang bị này. Ngay sau khi tiếp nhận, chuyên gia kỹ thuật của đội tuyển nhanh chóng tìm hiểu tính năng, kỹ - chiến thuật của từng loại trang bị, đánh giá so sánh với trang bị sử dụng trong nước, từ đó thống nhất với các vận động viên về phương án khai thác tối ưu. Trong ảnh, chuyên gia kỹ thuật của đội tuyển đang giải thích tính năng và hướng dẫn khai thác máy trinh sát phóng xạ dùng trong Hội thao.
Để sử dụng tốt một loại trang bị mới trong điều kiện thi đấu tại nước ngoài đòi hỏi thời gian dài để tiếp cận làm quen. Tuy nhiên, lịch trình dày đặc của Hội thao cùng với các quy định phòng dịch Covid-19 khắt khe của nước chủ nhà Trung Quốc không cho phép đội tuyển có đủ thời gian như mong muốn để luyện tập kỹ thuật dò tìm nguồn phóng xạ - nội dung chuyên ngành thứ hai của môn "Môi trường an toàn". Do đó, các HLV và VĐV với tâm thế khẩn trương, tranh thủ từng phút quý giá trên thao trường để làm chủ trong thời gian ngắn nhất trang bị do nước chủ nhà cung cấp.
Một trong các nhiệm vụ của tuyển thủ "Môi trường an toàn" là phải dò tìm xác định chính xác vị trí của các nguồn phóng xạ được giấu bí mật trên một xe tải. Điểm khó của nội dung dò tìm nguồn phóng xạ là tại mỗi vị trí khác nhau của xe tải, tùy vào đặc tính của vật liệu mà cường độ tín hiệu có thể cao hoặc thấp khác nhau. Vận động viên không chỉ phụ thuộc vào các chỉ số đưa ra bởi máy đo mà còn phải căn cứ vào kinh nghiệm và hiểu biết của bản thân để có thể xác định đúng tâm nguồn.
Trong quá trình thực hiện kỹ thuật dò tìm nguồn phóng xạ, khoảng cách giữa đầu đo và thanh xe buộc phải duy trì chính xác trong khoảng từ 3 đến 5cm, vượt ra ngoài khoảng cách này sẽ bị trừ điểm. Để hoàn thành bài thi dò tìm nguồn phóng xạ, vận động viên phải tập trung phối hợp nhiều giác quan khác nhau: mắt để quan sát đầu đo, tai để nghe âm thanh tín hiệu dò tìm của máy và tay di chuyển đầu đo thật nhanh chóng nhưng chính xác qua đường dò tìm quy định.
Khác với hai nội dung trên, nội dung chuyên ngành thứ ba "Tiêu tẩy" đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của cả 3 thành viên để nhanh chóng triển khai phương tiện tiêu tẩy cỡ lớn và thực hiện nhiệm vụ.
Xe tiêu tẩy cỡ lớn của Trung Quốc sử dụng trong Hội thao năm nay có cơ cấu ống dây khá sáng tạo, có thể triển khai cùng lúc 8 ống dây chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, sự tiện lợi này phải đánh đổi bằng rủi ro các ống dây có thể bị rối với nhau và kíp xe bị phạt rất nặng. Các vận động viên phải luyện tập thuần thục kỹ năng triển khai, chú trọng nhất vào các khâu dễ bị mất điểm.
Hai vận động viên của Đội tuyển Hóa học QĐND Việt Nam đang thực hiện kỹ thuật tiêu tẩy cho mục tiêu là 2 tấm thép trắng được phun phủ 1 lớp dung dịch đặc biệt có màu đặc trưng. Trọng tài hiện trường sẽ yêu cầu vận động viên thực hiện tiêu tẩy cho đến khi triệt để mới được cơ động đến nội dung tiếp theo.
Trong bất kỳ hội thao quân sự nào cũng không thể thiếu phương tiện chiến đấu cơ bản của người lính là khẩu súng. Súng được sử dụng thống nhất trong môn thi "Môi trường an toàn" năm 2021 là tiểu liên QBZ-95 của Trung Quốc với đặc điểm cấu tạo, cơ cấu thước ngắm có nhiều điểm khác biệt so với súng tiểu liên AK-47. Trong ảnh, HLV của đội tuyển đang phổ biến cho các VĐV cấu tạo, tính năng của súng tiểu liên QBZ-95 và các quy tắc an toàn trong sử dụng.
Vận động viên Đội tuyển Hóa học QĐND Việt Nam luyện tập làm quen với súng tiểu liên QBZ-95 với các tư thế ngắm bắn có sử dụng mặt nạ phòng độc.