Hiện tại không còn mấy ai nhớ rõ về Michal Silhavy, thủ môn sinh năm 1976, cao 1m93 đến từ CH Czech, từng khoác áo Thể Công năm 2008, SLNA năm 2009 và HAGL năm 2010. Nhưng ở chiều ngược lại, V.League và cuộc sống ở Việt Nam đã hằn sâu trong tâm trí của một trong số ít những "Tây gác đền" thời bóng đá Việt Nam còn thích dùng cầu thủ đông Âu.
"Tôi đã có một công việc tốt tại Việt Nam. Tất nhiên không thể tránh được những cú sốc những ngày đầu tiên, nhưng nói chung tôi không hối tiếc bất cứ điều gì vì tôi đã quyết định cuộc sống của mình", Michal Silhavy mở đầu câu chuyện về quãng thời gian đến Việt Nam thi đấu.
Dấu ấn chuyên môn khi thi đấu tại Việt Nam của Michal Silhavy không có gì nổi bật, thậm chí ở mùa giải cuối cùng anh và các đồng nghiệp "Tây gác đền" còn bị đánh giá "không tốt hơn thủ môn Việt Nam là bao mà lương thưởng lại cao gấp nhiều lần". Bất chấp ở mùa cuối V.League 2010, Michal đã giúp HAGL lọt top 3 đội thủng lưới ít nhất giải và giành ngôi Á quân Cúp Quốc gia - thành tích tốt nhất của đội từ đó cho đến nay.
Thủ môn Michal Silhavy trong màu áo Thể Công mùa 2008. Ảnh: Quang Minh
"Khi tôi đang thi đấu tại Budapest, một vị HLV đến xem tôi thi đấu thì gợi ý về việc sang Việt Nam. Khi đó đội bóng Thể Công có một tập thể đang tập luyện tại Đức. Tôi đã đồng ý đến thử việc và được ký hợp đồng. Đó không hề là một quyết định khó khăn vì tôi đã tham khảo vài người Việt sinh sống ở CH Cezch. Tôi cũng muốn thay đổi không khí một chút, chỉ không ngờ là Việt Nam xa đến vậy".
Khoảng cách địa lý xa xôi chỉ là chút bỡ ngỡ nhỏ nhoi ban đầu, vì còn rất nhiều điều mới mẻ khác đang chờ đón Michal tại Việt Nam.
"Ban đầu khi đến Thể Công, tôi được xếp phòng trong một trung tâm gần Hà Nội. Phía sau nơi đó có một ngôi làng của những người dân nghèo đến mức lần đầu trong đời tôi được thấy. Làm thế nào họ có thể sống được ở nơi trông như một gara ôtô. Tôi định thần lại với suy nghĩ có lẽ họ đã quá quen với điều đó.
Còn về căn phòng của tôi, hình ảnh đập vào mắt là một mớ hỗn độn khủng khiếp. Cũng như kiểu gara ôtô với bùn sình khắp nơi. Căn phòng bẩn thỉu và ẩm mốc. Sau đó mọi thứ ổn hơn khi tôi được chuyển đến một căn hộ và kể từ đó tôi coi như mình đã đính hôn với bóng đá Việt Nam. Một công việc kiếm nhiều tiền".
Ổn định xong chỗ ở, thủ thành người CH Cezch tiếp tục có trải nghiệm chưa từng trải qua trong đời vào buổi sáng đầu tiên nơi đất khách. Và đây là ký ức sâu đậm được anh kể bằng giọng hóm hỉnh xen lẫn những tràng cười không ngớt theo kiểu khó mà được trải nghiệm ở đâu khác ngoài dải đất hình chữ S.
"Tôi vẫn nhớ như in những ngày đó, chúng tôi thức dậy vào buổi sáng sớm bằng một thông báo vang vọng từ bên ngoài nơi ở, phát ra từ chiếc loa của đài phát thanh. Giọng nói giống bạn nghe radio vậy. Đôi lúc giọng điệu như kiểu duyệt binh, chiêu mộ quân đội. Đôi lúc làm tôi nghĩ họ đang thông báo những ai có nợ nần thì hãy mau chóng trả nợ đi (cười)".
Michal Silhavy đến với bóng đá Việt Nam trong thời điểm các đội bóng V.League chuộng ngoại binh thủ môn vì thể hình to cao và lối bắt bóng an toàn. Ảnh: Quang Minh
Những ký ức vui vẻ được Michal Silhavy tiếp tục bằng trải nghiệm giao thông tại Việt Nam, điều mà anh luôn nhắc tới mỗi khi được hỏi chuyện về những năm tháng thi đấu tại V.League.
"Khi đến Thể Công tôi đã định mua xe máy để tiện đi lại nhưng ngài chủ tịch đội cấm không cho những ngoại binh làm vậy. Đến SLNA tôi đã được đi xe máy, mượn từ một đồng đội Argentina, quãng đường chỉ từ nhà ra sân tập thôi chứ xa hơn tôi luôn chọn taxi cho an toàn. Nói chung việc chạy xe máy phải rất cẩn thận để tránh tuyệt đối có chấn thương hay điều gì đó đáng tiếc.
Những dòng người chạy xe máy tạo ra khung cảnh hỗn loạn trên đường phố. Tất cả không tuân theo một luật lệ nào cả, như thể cũng chẳng có luật tồn tại luôn đấy chứ. Mọi người bóp kèn inh ỏi, bốn dòng xe máy như đâm đầu vào nhau ở ngã tư đường, bùng binh cũng là thứ có cũng như không vì mọi người đi theo cách họ muốn. Nhìn cảnh ấy ai mà không vững vàng là nôn luôn tại chỗ. Việt Nam có phương tiện đặc biệt là xích lô, nhưng tôi chưa thử vì có vài thứ gây phiền nhiễu".
Trong những lần chia sẻ về cuộc sống ở Việt Nam, thủ thành cao 1m93 từng nhận nhiều câu hỏi "có xảy ra tình trạng trộm cắp không?". Câu trả lời của anh luôn giữ nguyên: "Không có đâu. Mỗi ngày sẽ luôn có bất ngờ nho nhỏ khiến cuộc sống không thoải mái, nhưng tóm lại là do sự khác biệt văn hóa giữa CH Cezch và Việt Nam".
"Nhiều câu chuyện được kể như nạn đói vào những năm 1960 chỉ còn là quá khứ, nhìn chung tôi không có gì phải phàn nàn, mọi thứ không quá sức chịu đựng và tôi đã có cuộc sống tốt, giữ suy nghĩ rồi sẽ quen thôi".
Ngoài chiếc loa phường, Michal Silhavy còn kỷ niệm khó quên khi bị mất tấm bùa hộ mệnh trong khung thành. Ảnh: Quang Minh. Đồ họa: Đỗ Linh
Không có tình trạng trộm cắp được liên tưởng bằng một trải nghiệm khác của Michal, "túi đồ cả đội cứ để ở cabin huấn luyện, chẳng hề bị sao cả", trong câu chuyện kể về cảnh phải thay đồ từ ngay ở khách sạn rồi ra sân, sau trận phải về khách sạn lại mới được tắm vì "phòng thay đồ không được sử dụng nhiều, thiếu tiện nghi".
Tuy vậy vẫn có một câu chuyện mà Michal chưa từng thổ lộ, về lần hiếm hoi anh bị đánh cắp mất tấm bùa hộ mệnh ngay trong trận đấu ở V.League. Trận SLNA với Quân khu 4, trong một pha hãm thành, một cầu thủ QK4 đã ngã lăn vào trong khung thành của Silhavy rồi lập tức chạy về phía cabin huấn luyện của đội mình.
Ngay sau đó, một cậu bé nhặt banh trên sân Vinh đã báo cho Michal, cầu thủ kia đã lấy mất tấm bùa hộ mệnh trong khung thành. Kết quả xuất hiện cảnh tượng hi hữu trong lịch sử V.League, thủ môn người CH Cezch bỏ luôn khung thành chạy thẳng về phía ban huấn luyện QK4 yêu cầu trả lại tấm bùa hộ mệnh. Hành động kéo theo cuộc hỗn loạn gần 10 phút với những cuộc cãi vã giữa cầu thủ 2 đội.
Tình huống đã được chứng thực là có xảy ra bởi trọng tài Hoàng Anh Tuấn. Vị "Vua áo đen" trong trận đấu đó đã loay hoay không rõ cách xử lý, sau cùng chỉ có thể yêu cầu cả hai đội vãn hồi để trận đấu tiếp tục. Sau trận, Michal tiếp tục chạy về phía ban huấn luyện QK4 để đòi lại tấm bùa nhưng đã là quá trễ. Tấm bùa biến mất và câu chuyện này cũng dần trôi vào dĩ vãng.
Đây cũng chưa phải là câu chuyện gây khó chịu nhất cho Michal Silhavy trong quãng sự nghiệp thi đấu tại V.League. Thủ môn cao 1m93 từng không thể mua đúng kích cỡ giày thi đấu và quần áo tại Việt Nam ngoại trừ những bộ đồ thi đấu được thiết kế riêng.
"Trong đội Thể Công có cầu thủ người Brazil còn to hơn cả tôi. Chúng tôi đã không thể mua bất cứ quần áo, giày dép nào tại Việt Nam. Không ở đâu có kích cỡ vừa vặn. Tôi đã phải nhờ người chuyển đồ từ quê nhà sang.
Chuyện sân bóng cũng khác biệt. Ngoại trừ sân vận động quốc gia có mặt cỏ tuyệt vời thì hầu như các sân bóng còn lại đều mang lại trải nghiệm khó khăn. Tôi không thể hiểu tại sao những cầu thủ Việt Nam lại có thể đoán được độ nảy của trái bóng. Loại cỏ được dùng trên sân bóng là loại tôi đã thấy trong những góc tối ẩm mốc ở chỗ ở. Vài sân bóng phía nam, tôi còn thấy những cây chuối quanh sân".
Thủ môn Michal Silhavy ấn tượng với lối đá tấn công của cầu thủ Việt Nam và độ cuồng nhiệt từ khán giả. Ảnh: Quang Minh
Nhắc đến các sân bóng và trận đấu tại V.League, Michal có một sự ấn tượng về độ cuồng nhiệt của khán giả. Trong thời gian khoác áo Thể Công, anh kể: "Số lượng khán giả luôn rất đông. Phải chừng 10 ngàn người trong sân, và khoảng 20 ngàn người ngoài sân.
Không chắc điều kiện hiện tại như thế nào, tôi chỉ nói với góc nhìn trải nghiệm của bản thân. Nhìn chung mọi thứ ở V.League vẫn tốt hơn nhiều giải hạng Ba Cezch, thậm chí có vài điểm tốt hơn cả giải hạng Hai, nhưng thật khó để so sánh với giải hạng Nhất.
Cầu thủ Việt Nam rất nhanh, kỹ thuật tốt và lối tấn công khá khó chịu. Sự bất đồng trong thi đấu có lẽ chỉ đến từ ngôn ngữ. Tôi đã từng phải hét thật nhiều và thật to vào tai các đồng đội để nhắc vị trí. Tôi giao tiếp với các đồng đội và HLV bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Đội bóng khi đó chỉ có một phiên dịch. Học tiếng Việt rất khó và tôi chỉ có thể nói những điều cơ bản như chỉ đạo của HLV, lời chào hay tên món ăn.
Dẫu vậy ở góc nhìn tổng quát, những cầu thủ Việt Nam mang lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Họ đều là những chàng trai vui vẻ, hài hước. Cũng giống như khi tôi đi chơi với những người bạn Việt Nam không thuộc về bóng đá, những tràng cười sảng khoái theo tôi đến tận trong nhà vệ sinh, vì trên tường có sơn hẳn những câu chuyện tiếu lâm cơ mà".
Thủ môn Michal Silhavy từng rất muốn chơi bóng ở Việt Nam lâu hơn. Ảnh: Quang Minh
Trở về châu Âu từ Việt Nam, Michal Silhavy được hỏi thêm về nhiều thứ như chế độ dinh dưỡng có phần thiếu khoa học với thành phần chính là cơm, rồi những hoạt động sau trận đấu có phải luôn là những cuộc nhậu bia rượu hay không. Trái ngược suy nghĩ của nhiều người, anh nhẹ nhàng cho biết:
"Không đời nào có chuyện sau trận bóng là cả đội đi uống bia đâu. Trở về trung tâm và ở bên nhau. Giống như quy định các cầu thủ ngoại binh như tôi phải ngủ cùng đội ngay trước ngày thi đấu vậy thôi.
Chế độ ăn uống ở Việt Nam không có vấn đề gì khi ai muốn ăn gì thì ăn thôi. Có cơm, cá, thịt bò, thịt lợn và thịt gà. Các đầu bếp cũng chuẩn bị cho chúng tôi mì spaghetti, nước sốt và cà chua. Tôi không cảm thấy phiền về cơm Việt Nam, tôi rất thích cơm.
Đồ ăn Việt Nam được làm rất ngon, tất nhiên là tùy mỗi người. Bạn phải tự biết chọn điều gì tốt cho bản thân chứ. Điểm chính là những bữa ăn tập thể rất vui. Lâu lâu có vài anh bạn mua ít khoai tây chiên, ném hết bịch snack xuống sàn nhà và kêu chúng tôi lại quây quần cùng nhau vừa ăn vừa tán gẫu. Chúng tôi không ăn hết vì còn chừa phần cho những đồng đội khác. Điều thực sự đáng quý".
Tất cả những trải nghiệm của thủ môn Michal Silhavy khi thi đấu tại Việt Nam dù có khác biệt văn hóa đến mấy cũng đều rất xứng "đồng tiền bát gạo" theo đúng nghĩa đen, như anh từng chia sẻ khi chuyển tới SLNA thi đấu năm 2009: "Tôi muốn ở lại V.League lâu hơn vì tiền. Nơi đây giúp cuộc sống của tôi thay đổi mỗi ngày. Tiền luôn được nhận đúng hạn, tiền thưởng thắng hoặc hòa trận, nhận tiền xong là tôi phóng thẳng ra ngân hàng. Quá là bình thường tại Việt Nam luôn".
Sau 3 mùa giải thi đấu tại Việt Nam, Michal Silhavy trở về CH Cezch khoác áo một đội bóng cấp thấp, giải nghệ ở tuổi 35 và từ năm 2013 đã bắt đầu nghiệp huấn luyện tại giải đấu hạng 4.
Bạn nên quan tâm