Áp lực với đội tuyển Việt Nam
Tối ngày 16/11, tuyển Việt Nam đã tạm khép lại các trận đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 với 6 chuỗi trận thua liên tiếp. Chính HLV Park Hang-seo cũng phải thừa nhận rằng:
"Trong cuộc đời làm bóng đá, chưa bao giờ kiếm 1 điểm khó khăn thế này".
Rõ ràng, ngay từ khi bước đến vòng loại cuối cùng tuyển Việt Nam đã phải đối mặt với sự thật rằng đây là giải đấu quá tầm với các học trò của ông Park. Nhất là trong bối cảnh, đội tuyển Việt Nam lại chẳng có đủ "binh hùng tướng mạnh".
Nhưng công bằng mà nói, qua từng trận đấu tuyển Việt Nam đã có sự trưởng thành vượt bậc. Thông qua những lần đối đầu với Saudi Arabia, Nhật Bản, Australia hay Trung Quốc thì kỹ năng, sự khéo léo, bản lĩnh thi đấu của Quế Ngọc Hải và các đồng đội đã có thay đổi nhất định. Minh chứng là, một trận đấu đáng khen của tuyển Việt Nam tiếp đón Saudi Arabia tối ngày 16/11 hay trước đó là tiếp Nhật Bản. Tỉ số thua tối thiểu 0-1 có nhiều tiếc nuối nhưng không có gì phải xấu hổ bởi các cầu thủ đã dám tấn công, phòng ngự cũng chắc chắn hơn.
Chỉ có điều, với tâm thế của một đội bóng trở về từ sân chơi châu lục và vị trí của một đương kim vô địch, thầy trò HLV Park Hang-seo đang nhập cuộc với mục tiêu bảo vệ thành công chức vô địch AFF Cup 2020.
Với những đội bóng vừa tầm hơn buộc tuyển Việt Nam không chỉ phải thắng về tỉ số mà còn phải có lối chơi đẹp, thắng thuyết phục. Nhất là khi, người hâm mộ đang trong "cơn khát" chiến thắng.
Còn nhớ, tại AFF Cup 2016 đội tuyển Thái Lan trở về AFF Cup từ những bài học tại vòng loại thứ 3 World Cup đã chơi thuyết phục và tạo một khoảng cách nhất định với các đội bóng ở khu vực Đông Nam Á. Vô hình trung, đây cũng là một sức ép lớn đè nặng lên vai của đội tuyển Việt Nam.
Chưa kể đến, lực lượng của đội tuyển Việt Nam vốn dĩ đang sứt mẻ khi vắng mặt hàng loạt trụ cột của AFF Cup 2018 như Đặng Văn Lâm, Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Trọng Hoàng, Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Anh Đức, Nguyễn Văn Quyết...
Ngoài ra, Tiến Dũng hay Đình Trọng lại chưa có 100% phong độ. Tiến Linh sau mỗi trận cầu cũng đau cổ chân dai dẳng. Nói ra để thấy, tuyển Việt Nam sẽ phải đối mặt với thử thách lớn đến nhường nào.
Những ứng cử viên vô địch
Với chúng ta, thử thách không chỉ là những áp lực vô hình mà còn cả những đối thủ máu ăn thua, muốn vươn lên giành chiến thắng trước tuyển Việt Nam. Khao khát chiến thắng đó được thể hiện ngay lại vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khi chúng ta gặp Indonesia rồi Malaysia.
Đó là lối đá rất rát, dằn mặt, không ngại va chạm của đối thủ với mục tiêu ngáng đường đội bóng "cờ đỏ sao vàng".
Trước mắt chúng ta ở vòng bảng sẽ là một Malaysia với điểm tựa là cầu thủ nhập tịch. Vẫn là những gương mặt quen thuộc nhập tịch như Sumareh, De Paula. Cùng với đó là các trụ cột như tiền đạo Safawi Rasid, trung vệ Shahrul Saad hay một số cầu thủ đang chơi ở nước ngoài như Dominic Tan, Junior Eldstal, Luqman Hakim Shamsudin.
Bên cạnh đó, phải kể đến đội bóng "kỳ phùng địch thủ" của Việt Nam là Indonesia. Trở về từ vòng loại thứ 2 World Cup, thầy trò HLV Shin Tae-yong đang có sự chuẩn bị tốt nhất. Hiện tại, tuyển Indonesia đang tập huấn tại Thổ Nhĩ Kỳ trước thềm giải đấu.
Trong khi đó, phong cách thi đấu, điểm yếu, điểm mạnh của tuyển Việt Nam đã không còn quá xa lạ với các đối thủ trong khu vực. Đáng tiếc hơn là suốt 6 tháng vừa qua ông Park cũng chẳng thể lựa chọn thêm được những nhân tố mới cho đội tuyển Việt Nam.
Vị thuyền trưởng cũng phải buồn bã nói rằng: "4 năm rồi, tôi ở đây mà tiền đạo Việt Nam gần như ta không có thêm. Sau Anh Đức, Tiến Linh và Đức Chinh, ta có nhiều tiền đạo nhưng không ai hơn. V.League đa số đều sử dụng tiền đạo ngoại, không có tiềm năng nào cả từ U22. Câu hỏi bao giờ giải quyết được những vấn đề đó, tôi cũng rất khó để nói được".
Hiện tại, tuyển Việt Nam sẽ còn 2 tuần chuẩn bị, lên phương án hướng đến AFF Cup 2020. Cùng chờ xem dưới bàn tay thao lược của ông Park và những bài học kinh nghiệm vừa qua, đội tuyển Việt Nam sẽ thể hiện ra sao.