Ba nước Bắc Mỹ gồm Canada, Mỹ và Mexico sẽ đăng cai World Cup 2026. Số lượng các đội tham dự vòng chung kết tăng từ 32 lên 48 đội. Các đội được chia làm 16 bảng, mỗi bảng 3 đội, chọn hai đội nhất và nhì vào vòng 1/16.
Cơ hội cho Việt Nam tại World Cup 2026
Châu Á sẽ có 8+1/3 suất thay vì 4,5 suất như trước đây (8 đội vào thằng vòng chung kết, 1 đội tranh vé liên lục địa). Tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, Việt Nam đứng cuối bảng B, nói một cách hình tượng dễ hiểu, chúng ta xếp thứ 10/10. Theo phép đối chiếu chủ quan, Việt Nam đã tiệm cận 8+1/3 suất dự World Cup 2022.
Với màn trình diễn ấn tượng ở vòng bảng World Cup 2022, Hàn Quốc (thắng Bồ Đào Nha ở vòng bảng, lọt vào vòng 1/8), Nhật Bản (thắng Đức, Tây Ban Nha ở vòng bảng, lọt vào vòng 1/8), Australia (thắng Đan Mạch ở vòng bảng, lọt vào vòng 1/8) hay Saudi Arabia (thắng Argentina), Iran (thắng xứ Wales) chứng tỏ họ xứng đáng là 5 đội bóng top đầu châu Á. Phong độ ổn định và bề dày truyền thống sẽ khiến 5 chiếc vé dự vòng chung kết World Cup 4 năm nữa khó thoát khỏi tay các “đại gia” này.
Còn lại 3+1/3 suất chia cho các đội như UAE, Iraq, Syria, Lebanon, Qatar, Oman, Trung Quốc và cả những đại diện Đông Nam Á là Thái Lan và Việt Nam. Đây sẽ là cuộc chiến hứa hẹn căng thẳng và kịch tính.
Hiện tại, tuyển Việt Nam xếp hạng 96 FIFA và 17 châu Á (AFC). Nếu duy trì vị trí trong top 25 AFC đến trước vòng loại World Cup 2026 (tháng 10/2023), tuyển Việt Nam sẽ được vào thẳng vòng 2, cùng 24 đội bóng top đầu AFC khác và 11 đội vượt qua vòng loại thứ nhất. Vòng loại 2 World Cup 2026 khu vực châu Á sẽ diễn ra vào tháng 11/2023.
36 đội tham dự vòng loại 2 được chia làm 9 bảng (4 đội mỗi bảng), chọn 2 đội nhất nhì mỗi bảng vào vòng loại 3, cũng là kỳ tích tuyển Việt Nam làm được năm 2021. Ở vòng loại 3, 18 đội được chia vào 3 bảng, chọn 2 đội nhất nhì mỗi bảng vào thẳng vòng chung kết World Cup 2026 (6 suất). 6 đội xếp thứ 3,4 sẽ tham dự tiếp vòng loại 4.
Vòng loại thứ 4 World Cup 2022 khu vực châu Á sẽ có 6 đội chia làm 2 bảng, thi đấu vòng tròn lượt đi và về. Hai đội dẫn đầu mỗi bảng giành vé đi thẳng đến Bắc Mỹ (đủ 8 suất), còn hai đội nhì gặp nhau ở trận play-off. Đội thắng sẽ giành vé dự giải “tiền World Cup” - theo cách gọi của FIFA.
Giải “tiền World Cup” thực chất là play-off tranh vé dự World Cup 2026 giữa các đại diện của 5 khu vực: AFC (châu Á), CAF (châu Phi), CONCACAF (Bắc, Trung Mỹ và Caribe), CONMEBOL (Nam Mỹ) và OFC (châu Đại Dương), cạnh tranh 2 tấm vé cuối cùng dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh tại. Đây được xem như World Cup thu nhỏ, cũng là giải đấu FIFA thử nghiệm công nghệ, thể thức thi đấu mới trước ngày khai mạc World Cup chính thức.
Nhìn vào chặng đường chông gai cho suất dự World Cup, Việt Nam rõ ràng gặp không ít khó khăn và thách thức. Nhưng điều đó không thể khiến người hâm mộ thôi kỳ vọng.
Việt Nam cần làm gì cho giấc mơ World Cup?
Sẽ quá phũ phàng nếu nói đến tận cuối năm 2023, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vẫn chưa có kế hoạch, đề án đưa Việt Nam tiến xa tại vòng loại World Cup 2026, ít nhất là lặp lại thành tích góp mặt ở vòng loại thứ 3 khu vực châu Á. Trong khi nhiều quốc gia Đông Nam Á đã triển khai kế hoạch dự ngày hội bóng đá số 1 hành tinh từ lâu.
Thái Lan sớm đầu tư tập trung cho lứa U17, U20 và U23, với tham vọng giành vé dự Olympic 2024 và World Cup 2026. Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) không dùng hạn ngạch cho phép (+3 cầu thủ quá tuổi) tham dự SEA Games 2019 hay ASIAD 2018. Họ cũng kêu gọi các tài năng trẻ đang được đào tạo, thi đấu tại châu Âu trở về khoác áo tuyển trẻ U23 - nòng cốt cho kế hoạch vòng loại Olympic và World Cup 2026.
Một tập thể trẻ tài năng, sớm được chơi bóng cùng nhau để tăng tính kết nối và cùng nhau phát triển là tham vọng của FAT. Và Thanawat Suengchitthawon (CLB Leicester City, Anh, 22 tuổi), Ben Davis (Fulham, Anh, 22 tuổi), Chayapipat Supunpasuch (Estoril B, Bồ Đào Nha, 21 tuổi), Sirimongkol Rattanapoom (OH Leuven, Bỉ, 20 tuổi), Achitpol Keereerom (FC Augsburg II, Đức, 21 tuổi), Marcel Sieghart (TSV Rain am Lech, Đức, 20 tuổi), Yannick Nussbaum (BSC Young Boys, Thụy sĩ, 19 tuổi)… là những cái tên đầu tiên trở về theo tiếng gọi từ FAT.
Ngoài Thái Lan, Indonesia cũng tích cực cho các đội trẻ cọ xát, nâng cao trình độ. Từ 2018, họ đã đăng cai hàng loạt các giải lớn mang tầm châu lục như ASIAD 2018, vòng loại U17 châu Á 2022, U20 châu Á 2022 hay U20 World Cup 2023. Sự vươn lên của bóng đá trẻ Indonesia (U20 Indonesia đánh bại U20 Việt Nam ở vòng loại U20 châu Á hồi tháng 9) là thách thức không nhỏ trong tương lai với bóng đá Việt Nam.
Trở về với giấc mơ World Cup của Việt Nam, VFF đang kiện toàn bộ máy nhân sự sau khi vừa xác định ghế Chủ tịch, Phó chủ tịch và Tổng thư ký. Tuy nhiên, chủ nhân “ghế nóng” được quan tâm nhất là ứng viên số 1 thay thế HLV Park Hang-seo vẫn chưa có. VFF sẽ kết thúc hợp đồng với HLV Park Hang-seo vào ngày 31/1/2023.
Sau khi VFF và ông Park công bố không gia hạn hợp đồng, hàng loạt cái tên chất lượng đã được giới thiệu, trong đó nổi bật là HLV Dragan Skocic. Ông vừa đưa đội tuyển Iran dự World Cup 2022 với thành tích ấn tượng: dẫn đầu bảng A vòng loại thứ 3 với 25 điểm sau 10 trận. Tuy vậy, nhà cầm quân người Croatia vẫn bị sa thải ngay trước thềm vòng chung kết World Cup 2022.
“Đắt xắt ra miếng”, chi phí để ký hợp đồng với HLV Dragan Skocic không hề rẻ, dự tính khoảng 1 triệu đô (23,8 tỷ đồng) mỗi năm, bao gồm lương của HLV và hai trợ lý. Con số này gấp đôi so với những gì VFF đang trả HLV Park Hang-seo. Tuy nhiên, để theo đuổi tham vọng World Cup, có lẽ HLV Dragan Skocic là người thích hợp nhất với bóng đá Việt Nam lúc này.
Ngoài HLV, các cầu thủ trẻ cũng là “hạng mục” cần được đầu tư. Từ giai đoạn vòng loại World Cup 2026 vào năm sau, lứa 1997 trở đi sẽ bước vào độ tuổi chín nhất sự nghiệp. Chúng ta có thủ môn Văn Toản (1999), hậu vệ Văn Hậu (1999), Tấn Tài (1997), Thành Chung (1997), Thanh Bình (2000), Việt Anh (1999), Thanh Nhân (2000), Duy Cương (2001), tiền vệ Quang Hải (1997), Hoàng Đức (1998), Văn Khang (2003), tiền đạo Tiến Linh (1997), Tuấn Hải (1998), Mạnh Dũng (2000)…
Các cầu thủ này nên được trao cơ hội khoác áo CLB nước ngoài, hoặc được trọng dụng thay vì các cầu thủ ngoại chỉ mạnh thể lực ở CLB chủ quản. Quang Hải đang dẫn đầu làn sóng “du học”, và dù chưa gặt hái thành công đáng kể, anh vẫn được tôn trọng vì tham vọng vươn ra biển lớn, giống như giấc mơ World Cup của bóng đá Việt Nam.
Để dự World Cup, không thể xây nhà từ nóc
Một trong những biện pháp tăng cơ hội dự World Cup, hay đơn giản là giúp đội bóng mạnh hơn trong việc cạnh tranh danh hiệu khu vực là nhập tịch cầu thủ. Tuy vậy, ở Đông Nam Á, Singapore và Philippines là hai quốc gia thất bại điển hình nhất cho giải pháp này, đặc biệt là Singapore. Họ nhập tịch ồ ạt các cầu thủ châu Âu, giành chức vô địch AFF nhưng sau đó không thể vươn tầm châu lục và thế giới. Đội hình gồm nhiều cầu thủ hạng 2 ở châu Âu, không có tinh thần dân tộc, không thể vực dậy thành tích đội tuyển khi bước ra biển lớn.
Ngoài nhập tịch, việc kêu gọi các ngôi sao có gốc gác đất nước mình trở về khoác áo đội tuyển cũng là giải pháp được nhiều quốc gia quan tâm. Morocco đã thành công với chiến lược này khi 14/26 cầu thủ tham dự World Cup 2022 của họ sinh ở nước ngoài (có cha và mẹ là người Morocco). Ngay cả HLV của họ cũng sinh tại Pháp sau đó trở về cống hiến cho đội tuyển Morocco.
Tuy nhiên, để đi lên nhờ gốc rễ, cách làm bóng đá của người Nhật, Hàn rất đáng học hỏi. Phong trào thể thao của hai nước Đông Á được quan tâm ngay từ trường học. Thể thao học đường của Hàn, Nhật không khác nào các giải đấu chuyên nghiệp, nuôi dưỡng các ngôi sao tương lai như một lò đào tạo trẻ thực thụ.
15/26 tuyển thủ dự World Cup của Nhật có xuất phát điểm từ thể thao học đường, nhờ sự đào tạo của trường trung học và đại học. Con số này của tuyển Hàn Quốc còn ấn tượng hơn, 20/26. Ngôi sao sáng nhất của Hàn Quốc, Son Heung-min, được huấn luyện ở trường trung học Yukminkwan và Dongbuk, trước khi bắt đầu sự nghiệp chuyên nghiệp.
Sau khi hoàn thành quá trình đào tạo, tỏa sáng với các giải thể thao học đường, cầu thủ Hàn, Nhật hầu hết lựa chọn sang châu Âu phát triển sự nghiệp. 19/26 cầu thủ Nhật Bản dự World Cup 2022 đang thi đấu cho các CLB châu Âu, nhiều nhất là Đức (8). Hàn Quốc có 12 cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài, trong đó có 8 ngôi sao tại châu Âu. Quá quen với môi trường bóng đá châu Âu, nên cầu thủ Nhật, Hàn đã làm nên bất ngờ với 3 chiến thắng trước Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Giống mô hình thể thao học đường nhưng ở cấp độ chuyên nghiệp hơn, nhiều quốc gia giàu có đã mở học viện bóng đá tầm cỡ thế giới, Aspire của Qatar là ví dụ điển hình. Học viện bóng đá liên kết La Masia của Barcelona ra đời năm 2004. Sau 10 năm, họ đã giới thiệu lứa cầu thủ vô địch U19 châu Á năm 2014, chức vô địch lần đầu tiên trong lịch sử Qatar. Đến năm 2019, cũng chính lứa trẻ này giúp Qatar vô địch ASIAN Cup. Đáng tiếc, dù được đánh giá cao trên sân nhà, thế hệ vàng này của bóng đá Qatar không thể vượt qua vòng bảng World Cup 2022.