Cầu thủ nữ Việt Nam mắc bệnh khó chữa: Những hẹn hò từ nay khép lại

Thanh Xuân , 12:41 11/07/2021 | Bóng đá Việt Nam

Chia sẻ

Tuổi 18, cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời nhưng trớ trêu thay Trần Thị Hạnh hay tin mình mắc bệnh khó chữa, dù vậy sâu thẳm trong em vẫn luôn có một khát vọng vượt lên chính mình.

Năm 11 tuổi nghe theo tiếng gọi của đam mê, Hạnh gác lại việc học văn hoá ở trường thi tuyển vào CLB bóng đá Hà Nam. Suốt chặng đường 5 năm vừa qua, dù có nhiều khó khăn nhưng cô gái của vùng đất có truyền thống bóng đá nữ ấy đã ngày một trưởng thành, khẳng định vị trí của bản thân. Minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ là chiếc huy chương đồng U16 nữ Đông Nam Á cùng tuyển U16 nữ Việt Nam và 2 năm 2019-2020 giành huy chương đồng U19 nữ Quốc gia trong màu áo U19 Hà Nam. 

Trần Thị Hạnh từng thi đấu cùng U16 nữ Việt Nam (Ảnh: VFF)

Thế nhưng như chính lời tâm sự của Hạnh "không hiểu sao cuộc đời lại bất công với em đến vậy".

Tháng 10/2020, Hạnh cùng CLB tham dự giải vô địch bóng đá nữ quốc gia tại Bình Dương. Cô gái sinh năm 2003 bắt đầu lên cơn sốt triền miên, tới 42 – 43 độ. Tuy nhiên, bác sĩ chỉ nói em bị dị ứng.

"Bắt đầu từ năm ngoái, khi Hạnh thi đấu ở Bình Dương, tôi biết tin con sốt, con gọi cho tôi báo ba để điện thoại suốt đêm nhé. Một lúc sau tôi nhận được dòng tin nhắn của con nói rằng nếu đến 7h con không gọi điện cho ba nữa thì con đã chết", ông Trần Văn Bích kể lại.

Trở về sau khi giải đấu kết thúc, Hạnh phải ngồi xe lăn và nhờ sự giúp đỡ của các đồng đội. Lo lắng cho con gái, ngay sau khi CLB Hà Nam trở về, gia đình ông Bích đã thuê xe lên CLB đón con đi khám.

"Khi về đến Hà Nam gia đình đã đến tận nơi đón con đi viện. Cháu nằm phòng cấp cứu, 1 ngày 1 đêm sau mới tìm ra bệnh Lupus ban đỏ. Tình trạng lúc ấy của cháu thì tâm trí hoang mang, tỉnh rồi vẫn không nhớ ra. Hôm đó cũng rất may nếu không có người chăm sóc cháu đã nhảy từ tầng 2 xuống rồi. Hơn 10 ngày mới được ra viện, bác sĩ bảo sẽ rất vất vả với gia đình vì bệnh này không đơn giản, nhưng vợ chồng tôi sẽ không bao giờ bỏ cháu", bố của Hạnh chia sẻ.

Hạnh đang sống cùng bố mẹ tại Hà Nam, mỗi lần bệnh trở nặng gia đình đều rất lo lắng (Ảnh: NVCC)

Có những thời điểm, Hạnh không thể tự đi lại, bố còn phải cõng đi vệ sinh. Cả ngày chỉ nhớ nhớ, quên quên. Nhưng thật may, theo chia sẻ của bố Hạnh, hiện giờ em đã ổn định hơn. Hàng tháng, 2 bố con vẫn phải từ Hà Nam lên Hà Nội khám bệnh lấy thuốc.

"Thời điểm này cháu đã đỡ hơn, biết quét nhà, nấu cơm nhưng việc nặng thì không thể làm. Giờ chúng tôi xác định chỉ đi làm để kiếm tiền thuốc cho con. Cố gắng theo lời bác sĩ khuyên không cho cháu ra nắng, không làm việc nặng và thật vui vẻ. Tôi chỉ mong có sức khoẻ để làm việc, kiếm ra tiền lo cho con", ông Bích nghẹn ngào nói.

Tình trạng bệnh của Trần Thị Hạnh (Ảnh: NVCC)

Với Hạnh, giấc mơ bóng đá giờ đây đã khép lại. Hạnh bây giờ chỉ cần khoẻ mạnh là đã may mắn lắm rồi.

"Trước khi đá bóng tôi ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiêp, được thi đấu ở các đội tuyển nữ quốc gia. Nhưng bây giờ tôi chỉ ước mơ sống được lâu hơn, có một công việc nhàn có thể kiếm ra tiền. Nếu tôi mất trước thì bố mẹ tôi…".

Cô gái từng rất hồn nhiên và thi đấu hết mình ở CLB cũng như tuyển nữ U16 Việt Nam (Ảnh: NVCC)

"Bóng đá với tôi là cuộc sống". Dù rất khó để quay trở lại với nghiệp "quần đùi áo số này" nhưng chắc chắn, bóng đá đã mang đến cho Hạnh một kỷ niệm đẹp thật đáng nhớ. Những ngày dầm mưa dãi nắng trên sân cỏ sẽ giúp cô gái nhỏ tự tin và bản lĩnh vuợt qua mọi sóng gió.

"Tôi sống được 5 năm nữa là nhiều, có đầy đủ thuốc có thể là vài năm. Tôi nghĩ không hiểu sao cuộc đời bất công với tôi vậy. Tôi đã có công việc có thể nuôi gia đình nhưng lại mất, thực sự rất hụt hẫng. Tôi ở nhà nhiều quá bố mẹ tôi không có tiền, đến nỗi phải cãi nhau về việc tôi không có thuốc. Mỗi khi thấy vậy tôi thấy mình không giúp được gì cho bố mẹ.

Nhưng suy cho cùng, bệnh mà, mình sống chung với bệnh thôi, tôi chỉ mong một ngày nào khoẻ mạnh hơn có thể làm việc nhỏ nhặt giúp đỡ và trả ơn bố mẹ".

Niềm tin, sự gan góc của cô gái 18 tuổi đã từng chinh chiến khắp các sân cỏ trong nước và quốc tế sẽ giúp Hạnh bản lĩnh vượt qua bệnh tật. Có thể, bóng đá sẽ khép lại từ đây nhưng cuộc đời này nhiều phép màu lắm. Cố lên nhé, cầu thủ nữ Trần Thị Hạnh!