Cái kết của thời đại siêu đội hình tại NBA đã điểm?

Mây , 10:04 12/02/2022 | Bóng rổ

Chia sẻ

Phải chăng hồi kết của thời kỳ siêu đội hình tại NBA đang ở ngay trước mắt NHM?

Có lẽ không thể miêu tả thập kỷ vừa qua bằng cụm từ nào hợp lý hơn "thời đại của các siêu đội hình". Chưa có giai đoạn nào trong lịch sử NBA, giải đấu lại bị kiểm soát bởi những quyết định của cầu thủ ngôi sao nhiều đến thế. Thế nhưng chuyện gì trên đời cũng có hồi kết và có lẽ chương cuối của thời kỳ này đang đóng lại trước mắt giới mộ điệu.

Cái kết của thời đại siêu đội hình tại NBA đã điểm? - Ảnh 1.

Bộ ba này chỉ có 16 trận thi đấu cạnh nhau

Mùa hè 2010 chứng kiến vụ nổ khi cầu thủ tự do LeBron James quyết định rời khỏi đội bóng quê hương Cleveland Cavaliers để tới đại gia Miami Heat. Đây là viên gạch cuối cùng nhằm chính thức tạo nên siêu đội hình (Super team) đích thực cùng hai người bạn thân đã đợi sẵn nơi Dwyane Wade cùng Chris Bosh.

LeBron James có thể khẳng định là người tiên phong trong việc nâng tầm ảnh hưởng của các cầu thủ. Anh phá vỡ những quy chuẩn vốn từng tồn tại qua hàng thế hệ cầu thủ. Mùa hè 2010, LeBron James không cần phải tới tìm hiểu bất cứ đội bóng nào, mà trái lại toàn thể những đại gia ở NBA phải tới Cleveland nhằm thuyết phục siêu sao sinh năm 1984 đặt bút ký lên bản hợp đồng họ đã thảo sẵn.

Miami Heat với bộ ba huyền thoại

Kể từ năm 2010 cho đến 2019, không có bất cứ một vòng chung kết NBA nào lại vắng mặt Super team. Thậm chí có những trận đấu nơi hai đại diện đều là Super team. Miami Heat của nửa đầu thập kỷ, Cleveland Cavalier kể từ 2014 tới 2017 và Golden State Warriors cuối thập kỷ là ba đại diện tiêu biểu. Những tập thể này cũng chiếm tới 8 trên tổng số 10 chức vô địch được trao suốt 10 năm dài.

Tuy nhiên trước khi bước qua thập kỷ mới, Toronto Raptors với cái NHM vẫn gọi là "chân mệnh thiên tử" đã lật đổ đế chế tưởng chừng bất bại Golden State Warriors để lên ngôi vô địch. Tất nhiên không thể phủ nhận yếu tố may mắn đứng cùng những người con phương Bắc, thế nhưng có lẽ đa số NHM NBA đều thực sự vui bởi chức vô địch này. Vì đây là dấu mốc đánh dấu sự thoái trào của các siêu đội hình.

Kevin Durant gặp chấn thương tại NBA Finals 2019 đánh dấu sự thoái trào của Super team

Nhìn vào ba đội bóng vừa được nêu tên, ta có thể thấy một điểm chung đến từ việc chúng đều được tạo dựng nên nhờ hai yếu tố gồm mối quan hệ cá nhân và sự kiểm chứng. Lý do thứ nhất khá dễ hiểu khi những siêu sao vốn là bạn thân của nhau cùng lập nên kế hoạch về chung một mái nhà. Đó là những gì cả Dwyane Wade, LeBron James lẫn Chris Bosh đã làm vào thời điểm ký hợp đồng cuối trước khi tụ họp tại Miami.

Lý do thứ hai cần thời gian hơn một chút. Một ngôi sao lớn hay cả tập thể vốn đã lớn mạnh muốn đi tìm đội bóng hoặc mảnh ghép sẽ biến họ trở nên mạnh mẽ ngay lập tức. Đó là trường hợp đã xảy ra với Golden State Warriors hè 2016 hay James Harden tới Brooklyn Nets giữa mùa giải trước. Một khi đã kiểm chứng được khả năng và sức mạnh của nhau, người đại diện sẽ là cầu nối đưa hai bên đến với nhau.

Cái kết của thời đại siêu đội hình tại NBA đã điểm? - Ảnh 4.

LeBron James và người đại diện thân tín Rich Paul

Những gì Miami Heat, Cleveland Cavaliers hay Golden State Warriors làm được khiến cả NBA điên đảo với trào lưu nào. Điều này tạo nên một ảo giác rằng cứ có một siêu đội hình thì chức vô địch tại giải đấu bóng rổ số một hành tinh sẽ nằm trong lòng bàn tay. Thế nhưng hãy nhìn vào sự đổ vỡ của Brooklyn Nets chỉ sau một mùa giải hay cơn đau đầu của NHM Los Angeles Lakers. Siêu đội hình có lẽ không phải là chiếc chìa khóa vạn năng giải quyết mọi vấn đề. Vậy vấn đề của những tập thể này nằm ở đâu?

1. Nguyên nhân khách quan

Một siêu đội hình muốn thành lập thường mất thời gian. Nếu không phải xây dựng mối quan hệ bằng hữu giữa các ngôi sao, họ cũng mất nhiều năm khẳng định bản thân cũng như đi tìm đối tác đủ năng lực. Chính vì thế khi những Super team được thành lập đồng thời với việc những ngôi sao bắt đầu bị ảnh hưởng bởi tuổi tác.

Chấn thương của Kyrie Irving thực sự đã thay đổi Brooklyn Nets

Tuổi tác đi kèm những chấn thương, đó là lẽ thường ở cuộc đời không ai dù có thể chất mạnh mẽ nhất tránh được. 16 trận là khoảng thời gian Kyrie Irving, Kevin Durant và James Harden thực sự được thi đấu cùng nhau. Với 13 thắng và 3 bại, rõ ràng họ rất có tiềm năng tiến tới chức vô địch. Thế nhưng chính chấn thương đã xóa đi cơ hội ấy. Golden State Warriors của NBA Finals 2019 cũng chẳng phải ngoại lệ.

2. Nguyên nhân chủ quan

Điều đầu tiên phải nhắc đến chính là những bản hợp đồng khổng lồ do ba nhân tố chủ lực nắm giữ. Sẽ cực kỳ khó đội bóng chủ quản có thể mang về dàn trợ thủ hùng hậu, khi tiền lương để trả cho ba cầu thủ này vượt qua trần lương như Los Angeles Lakers đang phải trải nghiệm. Nếu không có những người chấp nhận chịu giảm lương như Dwyane Wade hay Kevin Durant, đây chắc chắn là công thức dẫn đến sự tự hủy cho mọi đội bóng.

Cái kết của thời đại siêu đội hình tại NBA đã điểm? - Ảnh 6.

Dwyane Wade là người hi sinh tiền lương lớn nhằm xây nên Big 3 của Miami Heat

Yếu tố chủ quan cần nhắc đến chính là những cái tôi. Chẳng có mối quan hệ bạn bè nào không gặp những trắc trở, đặc biệt khi nhắc đến các siêu sao. Đã làm một ngôi sao đồng nghĩa với việc họ có khả năng đủ để làm kẻ ích kỷ nếu muốn. Vậy sẽ thế nào khi cố gắng nhồi nhét ba cái tôi to lớn bên cạnh nhau. Có lẽ không cần phải trình bày thêm nhiều. Chỉ cần nhắc đến câu chuyện của Kyrie Irving tại Cleveland hay màn cãi vã giữa Kevin Durant và Draymond Green cũng đủ giúp độc giả hiểu.

Một thời đại mới với những ngôi sao trẻ trung từ khắp mọi đội bóng ở NBA đang trỗi dậy thay thế cho trào lưu siêu đội hình. Có lẽ đây là điều tốt hơn cả cho NHM lẫn các đội bóng nơi đây.

https://sport5.vn/cai-ket-cua-thoi-dai-sieu-doi-hinh-tai-nba-da-diem-20220211212625227.htm