Khi môn thể thao Vua chỉ là con số không tròn trĩnh
Diện tích Lào không lớn, dân số lại chỉ tương đương thủ đô Hà Nội nên không khó để hình dung môn thể thao vua không phải là niềm đam mê thật sự của người dân xứ triệu voi. Quả thật, với những hạn chế về kinh tế cho đến sự hời hợt của khán giả nơi đây, bóng đá từ lâu vốn được xem là con số không ở đất nước cùng chung bán đảo Đông Dương với Việt Nam.
Mặc dù Liên đoàn bóng đá Lào (LFF) được thành lập từ rất sớm (1951) nhưng mãi phải đến năm 1961, họ mới có trận đấu giao hữu quốc tế đầu tiên trong trận thảm bại 0-15 trước ĐT Ai Cập.
Người hâm mộ Lào tỏ ra khá thờ ơ khi ĐT của họ luôn được đánh giá là một trong những đội bóng yếu nhất trong khu vực và thế giới. Ảnh: LFF
Sau những xung đột chính trị, bất ổn do chiến tranh mang lại, phải đến năm 1995, bóng đá Lào mới lại một lần nữa "hòa nhịp" trở lại với khu vực bằng việc tham dự SEA Games 18. Bất ngờ khi "những chú voi rừng" đã hạ gục ĐT Philippines bằng tỷ số tối thiểu. Chiến thắng này đã đánh dấu một sự trở lại sau gần 30 năm vắng bóng môn thể thao vua trên đất nước xứ triệu voi.
Có thể nói, 20 năm dường như vẫn quá ngắn để bóng đá Lào có được những sự đổi mới nhất định. Thành tích của tuyển Lào vẫn lẹt đẹt, thua nhiều hơn thắng. Họ không thể tạo được những cú hích cần thiết để vươn lên và khẳng định. Bằng chứng đưa ra khi tuyển Lào luôn góp mặt trong các kỳ AFF Cup nhưng với 129 bàn thua cùng với 26 thất bại. Lào trở thành đội bóng có thành tích tệ hại nhất ở giải đấu số một dành cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Kể từ năm 1996 cho đến nay, đã có 19 đời HLV thay nhau tiếp quản chiếc ghế nóng của ĐT Lào, trong đó có không ít chiến lược gia tên tuổi như Alfred Riedl, David Booth và Steve Darby. Nhưng có vẻ như tất cả đều bất lực trong hành trình vực dậy môn thể thao vua ở Lào.
Với một đất nước hoàn toàn được che phủ bởi rừng và đồi núi cho đến con số tám triệu người sống rải rác khắp đất nước, thật khó để tìm ra được hạt giống tốt. Mặt khác, niềm đam mê trái bóng tròn của người hâm mộ nơi đây cũng là dấu hỏi làm đau đầu LFF. Thật khó để phát triển và trở mình khi trong tay Liên đoàn bóng đá Lào là những con số không tròn trĩnh.
Dấu ấn SEA Games 2009 cùng khát vọng vươn mình của "những chú voi rừng"
Dấu ấn lớn nhất kể từ khi bóng đá Lào hội nhập với khu vực là thành tích vào đến bán kết SEA Games 2009 được tổ chức ngay trên sân nhà. Đội bóng của HLV Alfred Riedl không được đánh giá cao dù là nước chủ nhà, nhưng họ đã tạo nên địa chấn khi đánh bại Indonesia tại vòng bảng môn bóng đá nam đại hội thể thao ĐNA để có mặt ở bán kết.
Dấu ấn đáng kể nhất của ĐT Lào hiện nay chỉ là vị trí thứ 4 tại SEA Games 2009 - giải đấu vốn chỉ dành cho lứa tuổi U23. Ảnh: LFF
Sự kiện Lào giành hạng tư SEA Games 25 được xem là một trong những cú sốc thể thao tiêu biểu nhất của khu vực Đông Nam Á trong năm, bởi bấy lâu nay, người ta chỉ quen ĐT Lào với thân phận của một kẻ lót đường.
Hành trình kỳ diệu của tuyển Lào đã dừng lại ở vòng bán kết bằng trận thua 1-3 trước đội bóng sau đó đã giành HCV – Malaysia. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được chiến tích cũng như thành công của HLV Alfred Riedl cùng các học trò.
Họ đã ghi dấu ấn đậm nét bằng một lối chơi khoa học, kỹ thuật và đầy hiện đại. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, SEA Games 2009 được xem là cú hích đủ mạnh để làm sống dậy môn thể thao vua ở đất nước xứ triệu voi.
Thế nhưng, hạng tư SEA Games 25 của bóng đá Lào chỉ là "ngôi sao băng" trên hành trình tìm kiếm sự thừa nhận của ĐT Lào. Lào bị đánh về nguyên diện mạo ở những giải đấu sau đó. Những thất bại liên tiếp, dễ hiệu cho đến thảm họa khi không thể vượt qua vòng sơ loại AFF Cup 2016. Bóng đá Lào từ nhe nhóm nấc thang lên thiên đường cho đến tận cùng của vực sâu. Họ vẫn loay hoay đi tìm kiếm sự thừa nhận trong bóng đá mà bấy lâu nay luôn lảng tránh.
Chờ câu trả lời của Sundramoorthy tại AFF Cup 2018
Nhận cương vị dẫn dắt tuyển Lào sau hai năm gắn bó với ĐT Singapore, HLV Sundramoorthy gặp muôn vàn khó khăn để đi tìm sự thừa nhận. Trong tay của ông không có những gương mặt tốt, nhân sự mỏng cộng thêm 23 gương mặt không phải ai cũng là cầu thủ chuyên nghiệp khiến cho ĐT Lào trở thành một đội bóng kỳ lạ.
HLV Sundramoorthy đứng trước thách thức khi ĐT Lào đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ảnh: Quý Sáng
"Các cầu thủ phải làm thêm những nghề như nhân viên chuyển phát, vận tải hay công nhân sau mỗi trận đấu" – (trích lời của Saonin Toso – Đội trưởng ĐT Lào tại AFF Cup 2018), khó khăn chồng khó khăn khi ĐT Lào của ông đã thua trong 4 trận giao hữu trước thềm AFF Cup. Vậy trong tay Sundramoorthy, ông có những gì để vực dậy "những chú voi rừng"?
Câu trả lời tất nhiên là có. Đội tuyển Lào trở nên bí ẩn với giới truyền thông bởi tất cả những buổi tập của đội bóng này đa phần được giữ bí mật. Còn chưa kể đến những gương mặt trẻ lần đầu tiên được lên tuyển. Trong tay HLV Sundramoorthy lúc này, ông không sở hữu bất kỳ ngôi sao nào, nhưng trái lại mỗi cầu thủ Lào xem đó là động lực cũng như quyết tâm thi đấu đểphục vụ người hâm mộ nước nhà.
Cầu thủ sáng giá nhất bên phía ĐT Lào là Soukaphone Vongchiengkham – được mệnh danh là "Messi Lào". Cầu thủ chỉ cao 1m55 này sở hữu đôi chân ma thuật cùng tốc độ và sự lắt léo vốn cố. Ngoài ra, anh cùng 4 người đồng đội khác đang thi đấu ở nước ngoài trong màu áo Sisaket FC ở Thái League 2. Chân sút 26 tuổi được xem là niềm hy vọng lớn nhất cho ĐT Lào trong cơ hội có điểm trong trận ra quân với tuyển Việt Nam.
ĐT Việt Nam sẽ giải mã ẩn số mang tên Lào như thế nào khi lợi thế của thầy trò HLV Sundramoorthy là sân nhà cùng tâm lý khá thoải mái. Ảnh: FourFourTwo
Lực lượng nhân sự không được đánh giá cao nhưng tuyển Lào có lợi thế sân nhà cùng khát khao quyết tâm làm nên được những điều kỳ diệu ở AFF Cup. Tinh thần là thứ vũ khí nguy hiểm của "những chú voi rừng" trong trận ra quân với tuyển Việt Nam.
HLV Sundramoorthy hiểu rằng thử thách trước mắt ông và học trò sẽ rất lớn, nhưng trong bóng đá, điều gì cũng có thể xảy ra và ĐT Lào của ông sẽ chiến đấu để giành kết quả khả quan trước đội bóng được đánh giá cao nhất ở bảng A – Việt Nam.
Lịch thi đấu của ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2018.
Bạn nên quan tâm