Năm 2019, Hiệp hội bóng đá Hàn Quốc (KFA) chính thức thông qua luật cho phép mỗi CLB ở K.League có thêm 1 ngoại binh Đông Nam Á bên cạnh 1 ngoại binh châu Á, 3 ngoại binh ngoài châu Á.
Chính sách trên chính thức có hiệu lực từ năm 2020 nhưng cho đến nay, không có cầu thủ Đông Nam Á nào đang chơi tại K.League Classic – hạng đấu cao nhất.
"Cầu thủ Việt Nam không thể cạnh tranh còn cầu thủ Thái Lan thì lựa chọn Nhật Bản là điểm đến", tờ Sports Seoul phân tích.
Công Phượng và Xuân Trường là hai cầu thủ Việt Nam thi đấu ở Hàn Quốc nhưng không để lại nhiều dấu ấn. Tuy nhiên, sức hút của CĐV Việt Nam trong việc tìm kiếm trận đấu của hai cầu thủ này rất cao. Ảnh: My Daily.
KFA đánh giá đây là bước đi để mở rộng con đường vào thị trường Đông Nam Á. Tuy nhiên, không một CLB nào ở K.League sử dụng chính sách trên.
Đông Nam Á là thị trường giàu tiềm năng với dân số khoảng 600 triệu người. Nhật Bản nhận ra điều ấy và đang hoạt động ổn định ở thị trường này còn Hàn Quốc vẫn bế tắc. Năm 1984, tiền đạo người Thái Lan Piyapong Pue-on gia nhập Lucky Goldstar FC, trở thành đồng đội với ông Park Hang-seo, HLV đội tuyển Việt Nam, hiện tại. Năm 1985, ông ghi 12 bàn, kiến tạo 6 bàn và trở thành vua phá lưới của Giải VĐQG Hàn Quốc. Thế nhưng, chiến dịch tiếp thị nhắm vào thị trường Thái Lan đã không thể thành hình dù có lịch sử tốt.
5 năm qua, Hàn Quốc nhắm cả vào thị trường Việt Nam. Xuân Trường là cái tên đầu tiên đến xứ sở kim chi, gia nhập Incheon United. Năm 2019, Công Phượng nối gót người bạn thân. Sau tất cả, họ đều không để lại dấu ấn. Thành quả tiếp thị cũng không đạt được như mong đợi.
"K.League không thể sử dụng những cầu thủ trên để quảng bá hình ảnh giải đấu tới Đông Nam Á. Tuy nhiên, nhiều người hâm mộ Việt Nam đã tìm cách theo dõi các cầu thủ này thi đấu ở Hàn Quốc. Điều này cho thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam", tờ Sports Seoul đánh giá.
Những gì bóng đá Hàn Quốc làm được xem là chậm chạp so với nước láng giềng Nhật Bản. Năm 2014, Nhật Bản đã cho phép mỗi CLB ở J.League có 1 suất cầu thủ Đông Nam Á. 6 năm sau, Hàn Quốc mới thông qua chính sách tương tự.
Chanathip Songkrasin là trụ cột ở Consadole Sapporo trong 2 năm qua. Theerathon Bunmathan vô địch J.League 1 năm 2019 cùng Yokohama F.Marinos. Thủ môn Kawin thì mới chuyển sang làm đồng đội với Chanathip. Ảnh: Goal - YFM - CS.
Trường hợp thành công nhất cho đến lúc này là Chanathip Songkrasin khi thi đấu cho Consadole Sapporo. Anh ghi 9 bàn sau 31 trận ở mùa giải 2018 và giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất năm của CLB. Sau thành công ấy, Chanathip Songkrasin tạo nên hiệu ứng giúp J.League thu hút thêm cầu thủ Thái Lan. Chưa dừng lại ở đó, họ thu được tiền bản quyền truyền hình khi Tập đoàn truyền thông True đặt mua.
Theo tờ Nikkei, những cầu thủ Thái Lan thi đấu ở Nhật Bản thu hút sự chú ý rất lớn bởi lẽ họ còn là nhân tố chủ chốt của ĐTQG. Trong một chương trình vừa diễn ra, 4 cầu thủ của Thái Lan kết nối trực tuyến và trò chuyện với người hâm mộ về tình trạng sức khoẻ trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra. Con số thu lại đáng kinh ngạc khi có 300.000 người đã xem chương trình phát sóng này.
Bóng đá Hàn Quốc và Nhật Bản luôn xuất hiện sự so sánh và cạnh tranh quyết liệt cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Điều tương tự xảy ra với cặp Việt Nam – Thái Lan. HLV Park Hang-seo thì dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, HLV Akira Nishino làm thuyền trưởng đội tuyển Thái Lan. Mối quan hệ của 4 quốc gia có nhiều sự đan xen.
Bóng đá Việt Nam cũng từng "xuất khẩu" cầu thủ sang Nhật Bản nhưng không thành công. Cho đến lúc này, sự kết hợp giữa Thái Lan và Nhật Bản trên phương diện chuyển nhượng là thành công nhất. Cầu thủ Thái Lan thành công ở nước ngoài còn Nhật Bản thu được lợi nhuật bước đầu từ thị trường lớn Đông Nam Á.
Bóng đá Hàn Quốc và Nhật Bản đang tạo ảnh hưởng tới hai nền bóng đá lớn nhất Đông Nam Á. Ảnh: Hiếu Lương.
Màn trình diễn đỉnh cao của Chanathip Songkrasin tại vòng 23 J League 1 năm 2019.
Bạn nên quan tâm