Cùng xem những ngôi sao của giới bóng đá Việt Nam đóng quảng cáo không kém cạnh bất kì ngôi sao showbiz nào ở Việt Nam như Trấn Thành, Trường Giang...
Trong mùa dịch Covid-19, mọi hoạt động liên quan đến giải trí, thể thao đều đóng băng hoàn toàn. Các nghệ sĩ cũng như giới cầu thủ đều hòa cùng không khí toàn dân chống dịch nên chủ yếu chỉ tự cách ly tại gia, không xuất hiện trước công chúng.
Tuy nhiên, không vì vậy mà hình ảnh của giới bóng đá Việt hay showbiz ít xuất hiện trong mọi hình thức quảng cáo được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Youtube... Có thể nói, tần suất quảng cáo của HLV Park Hang-seo, Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Công Phượng, Xuân Trường... không hề kém cạnh những nghệ sĩ nổi tiếng đắt show quảng cáo như Trấn Thành, Trường Giang, Huỳnh Lập...
HLV Park Hang-seo đắt show quảng cáo không kém cạnh gì bất kì nghệ sĩ nổi tiếng nào tại Việt Nam, thậm chí, ông còn được xem là gương mặt kim cương của làng quảng cáo Việt Nam
Việc quảng cáo bằng băng rôn, áp phích trên sân bóng vốn đã “lạc mốt”, giờ đây nhãn hàng đang có xu hướng thuê ngôi sao bóng đá đóng TVC, viết status, livestream... để đưa trực tiếp sản phẩm đến người dùng. Cách đây chưa lâu, theo nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, quảng cáo có cầu thủ Việt Nam được biết tới nhiều nhất là Shopee (25%), được yêu thích thứ 2 là Sư Tử Trắng (13%), theo sau là LG (13%), Viettel (11%) và Acecook (8%).
Không thể phủ nhận, những quảng cáo có sự xuất hiện của các ngôi sao bóng đá dưới thời HLV Park Hang-seo đặc biệt lôi cuốn người tiêu dùng, không chỉ những sản phẩm dành cho nam giới mà phái nữ cũng chiếm 27% số lượt thích quảng cáo khi thăm dò.
Những yếu tố quan trọng nhất dành cho quảng cáo thành công đó là sự vui nhộn/hài hước, sáng tạo, và dễ hiểu. Người tiêu dùng Việt đồng thời thích sự xuất hiện của cầu thủ Việt Nam trong quảng cáo với 38% nói rằng họ thích quảng cáo này bởi vì có các cầu thủ trong đó. Gương mặt vàng trong làng cầu thủ quảng cáo là Quang Hải với 37% người tiêu dùng muốn xem anh, theo sau là Bùi Tiến Dũng (8%), Văn Lâm (5%), Xuân Trường (4%) và Công Phượng (3%).
Quang Hải được ví như chàng trai vàng của làng quảng cáo, là cầu thủ nhận được nhiều lời mời quảng cáo nhất, kể cả trong mùa dịch
Cơn bão U23 quét qua các ngõ ngách của Việt Nam cũng là khi các cầu thủ bắt đầu được định giá thương hiệu và đến với các TVC quảng cáo. Bùi Tiến Dũng là cầu thủ trở thành ngôi sao quảng cáo sau giải đấu này. Anh không chỉ nhận được sự săn đón của truyền thông mà còn của nhiều nhãn hàng. Sau đó là hàng loạt những thước phim quảng cáo cho Shopee, thực phẩm KIDO, các nhãn hàng quần áo... bước lên sàn catwalk.
Thậm chí, thời điểm đó, một bảng báo giá được tính bằng USD cho cầu thủ này tung lên mạng cho thấy các nhãn hàng chịu chi cho các cầu thủ quảng cáo như thế nào. Đăng quảng cáo trên Facebook cá nhân có giá hơn 2.500 USD, livestream là 5.000 USD, tham dự event giá 10.000 USD, check in địa điểm là 5.000 USD, giá quay quảng cáo là 50.000 USD, chụp ảnh 10.000 USD. Nếu trở thành gương mặt đại diện cho một ngành hàng thì mức thù lao được ấn định cho Bùi Tiến Dũng lên tới hơn 123.000 USD (tương đương hơn 2,7 tỷ đồng).
Nhiều cầu thủ HAGL như Minh Vương, Tuấn Anh cũng được các thương hiệu quan tâm vì luôn tạo được hình ảnh đẹp, ấn tượng trong mắt người hâm mộ về lối sống cũng như phong cách chơi bóng
Với những ngôi sao trên thế giới thì việc định giá trên khá bình thường nhưng ở thời điểm đó ở Việt Nam khá mới mẻ. Nhận thấy, người Việt ngày càng quan tâm đến bóng đá và các nhãn hàng đã nắm ngay cơ hội này. Sau Bùi Tiến Dũng, hàng loạt các ngôi sao sân cỏ bước vào làng quảng cáo như Quang Hải, Văn Lâm, Công Phượng, Xuân Trường... và từ đó, người tiêu dùng bắt đầu quen với hình ảnh các ngôi sao sân cỏ trên sản phẩm.