Sau khi xác định nằm cùng bảng với Việt Nam, Nhật Bản, Australia, Saudi Arabia và Oman, báo giới Trung Quốc đã đăng tải loạt bài viết đánh giá về các đối thủ. Không ngạc nhiên khi Việt Nam là đội bị đánh giá yếu nhất.
Sohu viết: "Đội tuyển Việt Nam không phải là đội mạnh của châu Á, họ thường chỉ tranh vô địch ở các giải tầm khu vực Đông Nam Á và cũng chưa từng vào đến vòng loại cuối cùng World Cup khu vực châu Á trước đây.
Năm 2007, Việt Nam trở thành một trong số bốn chủ nhà của Asian Cup, và bắt đầu nhận được sự chú ý. Sau đó, nhiều trung tâm đào tạo trẻ được xây dựng. CLB HAGL đạt thỏa thuận hợp tác với Arsenal của nước Anh, thành lập học viện bóng đá bài bản đầu tiên. Nơi đây áp dụng giáo án tiên tiến từ một trong những CLB lớn nhất Ngoại Hạng Anh và có sự phát triển toàn diện. Thế hệ đại diện cho bóng đá Việt Nam hiện nay như Công Phượng hay Nguyễn Văn Toàn trưởng thành từ học viện này".
Tác giả cũng nhấn mạnh việc thuê các HLV từ Nhật Bản và Hàn Quốc đã mang đến diện mạo mới cho ĐT Việt Nam. Đầu tiên là HLV Toshiya Miura vào năm 2014 và sau này là HLV Park Hang-seo vào năm 2018. Đặc biệt, dưới thời HLV Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam đã gặt hái được rất nhiều thành công với U23 và ĐTQG.
Thực tế, từ năm 2016, bóng đá Việt Nam đã có những bước phát triển nhỏ và "âm thầm" thăng tiến ở các giải U16, U19. Đáng nhớ nhất là việc giành vé tới U20 World Cup.
Tuy nhiên, khi nói đến vòng loại World Cup, tác giả nhấn mạnh việc tuyển Việt Nam đã bế tắc thế nào trong phần lớn thời gian thi đấu trước UAE.
"Ở vòng loại thứ 2, Việt Nam có trận đấu khá nhạt nhòa trước UAE, đối thủ duy nhất trên tầm so với họ ở bảng G. Những phút cuối chơi bùng nổ không giúp họ giành lại 1 điểm. Việt Nam tiến vào vòng loại thứ 3 với tư cách là một trong những đội xếp thứ 3 có thành tích tốt nhất.
Trong quá khứ, ĐT Trung Quốc có 9 chiến thắng trước Việt Nam. Tuy nhiên, các trận đấu đã diễn ra từ khá lâu và kết quả chỉ mang tính chất tham khảo. Về tâm lý, chúng ta không thể coi thường họ nhưng mặt khác, chúng ta cũng không nên quan tâm đến những nhận định rằng gặp Trung Quốc là "dễ thở" từ phía Việt Nam. Giành trọn vẹn 6 điểm, một "double-kill" trước đối thủ này là điều hoàn toàn có thể. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để ĐT Trung Quốc duy trì tham vọng đi tiếp", tác giả của Sohu viết.
Về phía các cầu thủ Trung Quốc, họ cũng tỏ ra hào hứng với các trận đấu gặp Nhật Bản hơn thay vì chạm trán Việt Nam. Xu Yang, hậu vệ của ĐT Trung Quốc chia sẻ: "Chúng ta cần tập trung vào các trận đấu với Nhật Bản. Khó có thể nghĩ về 4 điểm sau 2 trận nhưng 1 trận hòa là điều tối thiểu cần có.
Nhật Bản có nhiều cầu thủ đang chơi bóng ở nước ngoài, nhưng chúng tôi không sợ, chúng tôi có Wu Lei. Hãy nhìn vào Euro, các đội chiếu dưới đang thi đấu rất hay, ai mà ngờ Pháp, Hà Lan hay Bỉ lại vất vả đến thế".
Bạn nên quan tâm