Vào buổi tối ngày 29/07/2007, trên đường phố Baghdad cũng như khắp mọi nơi ở Iraq rung chuyển bởi tiếng súng nổ phát ra từ các họng súng. Điều kỳ lạ là không ai trốn tránh, mà đổ ra đường nhảy múa, vẫy cờ và góp thêm vào không gian hỗn loạn những tiếng la hét hoặc còi xe.
Quân đội Mỹ thoạt đầu tưởng rằng sẽ phải đối đầu với cuộc tấn công quy mô lớn của quân nổi dậy. Nhưng sau đó nhận ra, không có mối đe dọa nào ở đây cả và giúp vui bằng những loạt đạn bắn lên trời.
Hôm ấy cả nước Iraq ngập trong niềm hạnh phúc. Đội tuyển bóng đá của họ, 23 chàng trai đến từ mảnh đất đau thương và chết chóc đã đăng quang Asian Cup. Một câu chuyện cổ tích khó tin nhưng có thật.
Cảnh sát Iraq nổ súng ăn mừng chiến thắng Asian Cup 2007.
Riêng trong năm 2007, có tới 26.000 thường dân Iraq vĩnh viễn nằm xuống. Tất cả các thành viên đội tuyển, không ai không có người thân đã chết, bởi bom đạn trong các cuộc giao tranh hay không kích. Như Hawar Mulla Mohammed, người đã ra sân đủ 7 trận tại Asian Cup 2007, nói rằng gần 60 người trong gia tộc đã thiệt mạng.
Trong suốt thời gian trước, trong và sau giải đấu, các cầu thủ Iraq luôn sống trong lo lắng gia đình bị quân nổi dậy tấn công, hoặc bị bắt cóc tống tiền bởi các băng đảng tội phạm. Bản thân họ khi chưa tới Đông Nam Á, cũng tập luyện trong khi các cuộc không kích diễn ra. Và nhà vật lý trị liệu của đội, Anwar Alewi, sau khi trở lại Iraq bên người vợ vừa sinh, đã bị giết bởi một quả bom gắn trong xe lúc chuẩn bị lấy vé để tới nơi hội quân.
Một đội bóng ngập chìm trong tang tóc và thiếu thốn mọi mặt, từ trang thiết bị đến cơ sở vật chất, dĩ nhiên không được đánh giá cao. Chưa hết, Iraq cũng có quá ít thời gian chuẩn bị và HLV trưởng Jorvan Vieira chỉ được bổ nhiệm 2 tháng trước khi Asian Cup 2007 khởi tranh.
Nhưng chính những gian khó ấy lại bật lên sức chiến đấu mãnh liệt và khát vọng chiến thắng của các cầu thủ Iraq.
Đội tuyển Iraq đăng quang tại Asian Cup 2007.
Với nỗi sợ hãi, thay vì chạy trốn, họ chọn cách đối mặt. Các cầu thủ duy trì liên lạc hàng ngày với quê nhà để nắm bắt những gì đang xảy ra, như việc lại mất thêm người thân trong vụ đánh bom ở quận Mansour hay khu phố đông nam Ghadir thuộc Baghdad, khiến 30 và 20 người hâm mộ đang ăn mừng thiệt mạng.
Họ cũng được xem đoạn clip trên truyền hình, khi một bà mẹ có con trai bị giết vì cổ vũ bóng đá nhất quyết không chôn cất con cho đến khi đội bóng trở về với tư các nhà vô địch. "Toàn đội bóng đã rơi nước mắt vì clip đó, và tất cả thống nhất với nhau, phải tiếp tục chơi, phải đoạt Cúp để mang lại hạnh phúc cho đất nước vốn quá nhiều đau thương", HLV Vieira nói.
Iraq đã gây bất ngờ khi đánh bại Australia, hòa Thái Lan và Oman để đứng nhất bảng A. Họ tiếp tục đánh bại Việt Nam ở vòng tứ kết, vượt qua Hàn Quốc sau loạt đá luân lưu và có mặt trong trận chung kết tại Jakarta.
Pha làm bàn lịch sử của đội trưởng Youni Mahmoud trong trận chung kết với Arab Saudi.
Nền tảng của Iraq là hàng phòng ngự chắc chắn và tinh thần chiến đấu quật cường. Những phẩm chất đó tiếp tục được thể hiện trước đội bóng hùng mạnh Arab Saudi và đến phút 72, đội trưởng Youni Mahmoud đánh đầu, ghi bàn thắng lịch sử để họ lên ngôi vô địch.
Bất chấp nguy cơ có thể bị giết vì các vụ đánh bom tự sát bất ngờ, hàng trăm ngàn người dân Iraq vẫn đổ ra các đường phố để ăn mừng chiến tích có một không hai. Trong nhiều năm dài, khi còn sống dưới chế độ độc tài Saddam Hussein hay tiếp tục bị thử thách bởi các cuộc xung đột nội bộ đẫm máu sau đó, họ mới được nở nụ cười. Trong khoảnh khắc, tất cả quên đi những đau đớn phải gánh chịu bấy lâu. Để rồi sau đó, bước tiếp với sự lạc quan.
Cổ tích đôi khi vẫn có thể xảy ra. Iraq làm được. Việt Nam cũng sẽ làm được. Chúng ta có thể viết nên câu chuyện cổ tích tương tự nếu có đủ nhiều quyết tâm, đủ nhiều khao khát.