Khi đứng trước chấm 11m trong loạt đá luân lưu, một cầu thủ phải rất dũng cảm. Nhưng hãy hình dung, nếu biết rằng sẽ đối mặt với tù đày, tra tấn và có thể bị giết trong trường hợp không may đá hỏng, bạn nghĩ xem phải làm gì?
Đó là một trận đấu vòng loại ở Jordan, Iraq hòa UAE để phân định thắng thua trên chấm phạt đền. Tất cả các cầu thủ đều sợ hãi và từ chối chạm vào quả bóng. Nhưng rồi họ nhận ra, nếu không ai làm điều đó, tất cả đều bị trừng phạt. Vì vậy 3 người đã bước ra. Abbas Rahim Zair là một trong số đó. Và đá hỏng.
Hai ngày sau khi trở về Baghdad, Zair bị lôi đến Ủy ban Thể thao quốc gia, Uday Hussein, con trai cả của Saddam, Tổng thống Iraq, và là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Iraq. Kết quả, anh bị bịt mắt và đưa vào phòng giam chỉ 2m vuông trong 3 tuần lễ.
Uday Hussein (trái), con trai cả của cựu Tổng thống Saddam, cũng là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Iraq.
Trong khoảng thời gian sống dưới chế độ độc tài Saddam Hussein, các cầu thủ Iraq chịu sự hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần của Uday. Theo huyền thoại bóng đá Iraq, đồng thời 7 lần dẫn dắt dắt ĐTQG, Ammo Baba, thì Uday luôn nghĩ ra những ý tưởng quái đản mà ngay cả Hitler cũng không thể tưởng tượng ra.
Ví dụ, Yasser Abdul Latif, người nhận cáo buộc đánh trọng tài, đã bị cạo sạch tóc và lông mày (sự sỉ nhục cao nhất trong văn hóa Iraq), lột trần và bị đánh đập bằng dây cáp điện trong suốt 3 giờ. Cuối cùng, người ta nhấn chìm cầu thủ khốn khổ này vào nước đá trong mùa đông lạnh.
Uday, mặc dù không biết gì về bóng đá, nhưng lại là người lựa chọn cầu thủ và chiến thuật, sau đó hành hạ họ, như bắt leo lên cái thang dài 20m và nhảy xuống thùng nước thải, cắt gân chân hoặc ném cho bầy chó dữ cấu xé, nếu đội bóng thua trận. Ông ta cũng cấm cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, yêu cầu họ phải nộp lại một phần tiền lương (khoảng 40%) để đổi lấy mạng sống của gia đình.
Vào năm 2003, xe tăng Mỹ tràn ngập đường phố Baghdad. Chế độ độc tài Saddam Hussein bị lật đổ. Uday chạy trốn, bị phát hiện và giết ở Mosul. Nhưng ác mộng chưa chấm dứt. Bóng đá Iraq lại oằn mình thêm lần nữa dưới ách cai trị của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS vào năm 2013.
Quang cảnh đổ nát ở Baghdad, sau khi 2 quả bom phát nổ, nhắm vào những người hâm mộ đang ăn mừng chiến thắng của ĐT Iraq tại Asian Cup 2007.
Theo quy định của IS, các cầu thủ buộc phải mặc quần dài, thay vì quần short. Và khi đến giờ cầu nguyện, dù trận đấu vẫn đang diễn ra, các cầu thủ đều phải ngừng để tới nhà thờ nếu không muốn bị trừng phạt, hoặc bị tra tấn hoặc bị giết.
Tất nhiên bóng đá không bao giờ chết. Những người đam mê, bao gồm vô số đứa trẻ, vẫn chơi bóng hàng ngày khi có thể, với quả bóng nhựa ở khoảnh sân lầy lội. Nhưng họ cũng biết rằng, tất cả sẽ bị giết bất cứ lúc nào bởi bom, hay dưới họng súng của IS.
Giờ thì, sau chiến dịch Tây Iraq 2017, IS đã bị đẩy hoàn toàn ra khỏi đất nước. FIFA cũng lần lượt dỡ bỏ các lệnh cấm tổ chức các trận đấu trên lãnh thổ Iraq. Sau nhiều năm người Iraq mới lại chơi bóng với sự tự do và không bị đè nặng bởi nỗi sợ hãi.
Rồi họ bắt đầu mơ về những đỉnh cao, như chức vô địch Asian Cup 2007, thành quả của việc thoát khỏi chế độ độc tài Saddam Hussein. Bóng đá mang đến lối thoát, giúp người dân Iraq quên đi ám ảnh chiến tranh, kéo đất nước thường xuyên xung đột tôn giáo và sắc tộc xích lại gần nhau. Với họ, bóng đá không phải là trò chơi, mà là sự hạnh phúc.