10 khoảnh khắc đáng nhớ nhất lịch sử Euro
Những câu chuyện khó tin như chức vô địch của Đan Mạch tại Euro 1992 hay Hy Lạp ở Euro 2004 là điểm nhấn làm nên sự hấp dẫn của Giải vô địch bóng đá châu Âu.
Balotelli và nấc thang lên thiên đường : Ngày 29/6/2012 có lẽ sẽ mãi là khoảnh khắc thăng hoa nhất của “Super Mario” trong màu áo "Thiên Thanh". Hai pha lập công, trong đó có khoảnh khắc ăn mừng cởi áo khoe cơ thể kinh điển của Balotelli giúp tuyển Italy đánh bại Đức thuyết phục ở bán kết Euro 2012
Gascoigne và màn ăn mừng “ghế nha khoa” : Cho đến tận ngày nay, NHM tuyển Anh vẫn còn nhiều tiếc nuối về Paul Gascoigne, một thiên tài trên sân cỏ nhưng sự nghiệp bị hủy hoại bởi những tệ nạn bên ngoài. Trong đó, màn ăn mừng "trêu ngươi" của Gascoigne sau khi ghi siêu phẩm vào lưới Scotland là nổi bật nhất. Gazza nằm lăn ở cầu môn Scotland, trong khi McManaman và Sheringham xịt nước tới tấp vào miệng. Đây là cách mà 3 tuyển thủ Anh này phản kháng với giới truyền thông vì đưa hình ảnh Gazza ngồi dựa vào ghế, đầu ngửa ra sau cho các người đẹp rót bia vào miệng trong hộp đêm ở chuyến du đấu Hong Kong trước đó
Cú Panenka của Pirlo : Loạt sút luân lưu cân não giữa tuyển Anh và Italy ở trận tứ kết tại Euro 2012 chứng kiến khoảnh khắc thiên tài của Andrea Pirlo với cú panenka vào lưới Joe Hart dù Azzurri đang bị dẫn trước 1-2. Không đơn thuần chỉ là một cú sút phạt đền thành công, Pirlo "đánh gục" tinh thần của người Anh, gián tiếp giúp Italy ngược dòng và thắng 4-2 sau 5 lượt sút penalty để thẳng tiến vào bán kết
Ibrahimovic và bàn thắng đánh gót kiểu bọ cạp: Những siêu phẩm bằng gót chân luôn là "đặc sản" của Zlatan Ibrahimovic trong suốt sự nghiệp. Trong đó, khoảnh khắc Ibra giúp tuyển Thụy Điển đánh bại Italy ở vòng bảng Euro 2004 là đáng nhớ hơn cả. Từ một tình huống tưởng chừng chẳng có gì nguy hiểm khi thủ môn Gianluigi Buffon đã lao ra đấm bóng, Ibrahimovic khiến tất cả bất ngờ với pha bật nhảy và đánh gót điệu nghệ từ trên cao
"Bàn thắng vàng" của Bierhoff: Luật bàn thắng vàng (Đội nào có bàn thắng ở thời điểm bất kỳ trong hiệp phụ sẽ ngay lập tức giành chiến thắng và trận đấu kết thúc) được áp dụng tại Euro 1996 và ngay lập tức để lại dấu ấn nghiệt ngã trong trận chung kết giữa tuyển Đức và CH Séc. Oliver Bierhoff, người chỉ được tung vào sân ở phút 69 và lập tức ghi bàn gỡ hòa 1-1, trở thành người hùng của nước Đức chỉ sau một đêm với pha xoay người dứt điểm bất ngờ bằng chân trái nâng tỷ số lên 2-1 ở phút 95. Trận chung kết chấm dứt ngay sau khi bóng lăn vào lưới và tuyển Đức có lần thứ 3 bước lên đỉnh châu Âu
Bàn thắng phút cuối cùng của Michel Platini : Trận bán kết giữa Pháp và Bồ Đào Nha là một trong những trận đấu hay nhất tại các vòng chung kết Euro từ trước đến nay. Trong 90 phút đầu tiên, hai đội cầm chân nhau với tỷ số 1-1. Kịch tích bắt đầu diễn ra trong hiệp phụ, khi Bồ Đào Nha bất ngờ vươn lên dẫn trước 2-1 ở phút 98. Domergue sau đó san bằng tỷ số 2-2 ở phút 114 cho tuyển Pháp và tưởng chừng trận đấu sẽ bước vào loạt sút penalty định mệnh. Tuy nhiên, cầu thủ mang áo số 10 Michel Platini ghi bàn thắng ấn định tỷ số 3-2 ở phút thi đấu cuối cùng của hiệp phụ thứ 2, đưa Pháp vào trận chung kết gặp Tây Ban Nha để rồi “Gà trống Gaulois” lên ngôi vô địch lần đầu ở một giải đấu mang tầm cỡ thế giới
Thuật ngữ “Panenka” ra đời : Antonin Panenka sẽ không thể ngờ rằng cú sục bóng kinh điển đem về chức vô địch châu Âu cho Tiệp Khắc tại Euro 1976 có thể tác động mạnh mẽ đến lịch sử bóng đá thế giới như vậy. Sau khoảnh khắc này, rất nhiều danh thủ cũng làm nên tên tuổi với kiểu đá penalty yêu cầu rất nhiều kỹ thuật và cả tâm lý vững chắc, như Zidane tại World Cup 2006 hay Pirlo ở Euro 2012
Cú volley của Van Basten : Tại Euro 1988, "Cơn lốc màu da cam" Hà Lan mang đến thứ bóng đá tấn công tổng lực đầy mê hoặc với những hảo thủ kiệt xuất trên hàng công mà dẫn đầu là thiên tài Van Basten. Trong đó, khoảnh khắc Van Basten tung cú volley ở một góc cực hẹp phút 88 đem về chiến thắng cho Hà Lan trước tuyển Liên Xô trong trận bán kết sẽ luôn là một trong những bàn thắng đẹp nhất lịch sử Euro
Chuyện cổ tích Andersen tại Euro 1992 : Tham dự và lên ngôi vô địch bất ngờ sẽ chẳng là gì nếu so với kỳ tích của Đan Mạch tại Euro 1992, đội tuyển thậm chí còn chẳng có cơ hội tham dự giải đấu. Do tuyển Nam Tư bị loại trước giải đấu 10 ngày vì lý do chính trị, Đan Mạch được lựa chọn thay thế và làm nên kỳ tích. Thậm chí, Michel Laudrup - ngôi sao hàng đầu thế giới duy nhất trong đội hình cũng từ chối đến Thụy Điển do bất đồng với HLV Richard Moller Nielsen. Tuy nhiên, người em trai Brian cùng các đồng đội vẫn đủ sức tạo nên địa chấn khi đè bẹp Tây Đức tới 2-0 ở chung kết để lần đầu tiên lên ngôi tại một kỳ Euro
Hy Lạp và câu chuyện cổ tích bóng đá thời hiện đại: Trước Euro 2004, Hy Lạp chưa bao giờ thắng một trận nào ở các giải đấu lớn và thậm chí, họ còn chẳng ghi nổi một bàn thắng. Vì thế, cho đến tận ngày nay, hành trình tuyển Hy Lạp lên ngôi với lối chơi phòng ngự tổng lực "siêu thực dụng" tại Euro 2004 vẫn mãi là khoảnh khắc khó tin nhất lịch sử các giải đấu lớn. Sau khi vượt qua vòng bảng, "xứ sở các vị thần" quật ngã cả 3 đội bóng mạnh nhất tại giải đấu là Pháp, CH Séc và chủ nhà Bồ Đào Nha với cùng tỷ số tối thiểu 1-0. Đáng chú ý, cả 3 bàn thắng này đều được ghi bằng đầu