Sông Lam Nghệ An và câu chuyện “chảy máu” lực lượng: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”

HỒNG PHÚ , 10:13 02/10/2018 | Bóng đá Việt Nam

Chia sẻ

Cứ đến giai đoạn cuối mùa giải, một vấn đề luôn xuất hiện tại Sông Lam Nghệ An là giữ chân trụ cột. Việc đi hay ở của Quế Ngọc Hải thời gian qua một lần nữa lại làm nóng lên câu chuyện vốn được xem là “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” này ở đội bóng xứ Nghệ.

Với một đội bóng, truyền thống là điều tối quan trọng. Ở nước Anh, Manchester City dù những mùa giải vừa qua vươn lên mạnh mẽ nhưng đôi khi họ vẫn bị đem ra chế nhạo (đặc biệt từ người hàng xóm Manchester United) là "gã nhà giàu mới nổi", "kẻ ăn xổi" vì mới chỉ được rót những đồng tiền đậm mùi dậm mỏ từ Hoàng gia UAE vào năm 2008. Trước đó, bảng thành tích của đội bóng này gần như là con số 0.

Quay trở về Việt Nam, CLB Hà Nội hiện nay và Hà Nội T&T trước kia cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự bất chấp thành tích luôn dẫn đầu cả nước trong hơn 10 năm đổ lại đây. Nói thế để thấy dù kết quả trên sân có tốt tới đâu thì truyền thống (thứ được xây dựng dựa trên thời gian) vẫn luôn là thứ được đem ra để đánh giá một chủ thể, nhất là với các đội thể thao.

Tại V.League hiện tại, không cần phải bàn cãi gì nữa, Sông Lam Nghệ An là đội bóng có truyền thống mạnh nhất. Màu vàng xứ Nghệ từ lâu đã trở thành hình ảnh quen thuộc, nhắc tới mảnh đất Nghệ An là nói tới đội bóng của họ mà nhắc tới đội bóng là nói tới một cái "lò" sản sinh các tuyển thủ trứ danh.

Sông Lam Nghệ An và câu chuyện “chảy máu” lực lượng: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” - Ảnh 1.

Sông Lam Nghệ An suốt nhiều năm qua vẫn giữ truyền thống về đào tạo cầu thủ. Ảnh: Tiến Tuấn

Giữa muôn vàng xô bồ của việc mua bán, giải thể câu lạc bộ, Sông Lam Nghệ An là đội duy nhất của V.League còn tồn tại từ trước khi bóng đá Việt Nam đi lên chuyên nghiệp. Nhưng bề dày lịch sử là thế nhưng đội bóng ấy trong khoảng 10 năm trở lại đây mang một nỗi đau khi luôn đứng trước viễn cảnh "chảy máu" lực lượng sau mỗi mùa giải.

Cái tên điển hình và nổi tiếng nhất trong số này chính là Lê Công Vinh. Thậm chí, cựu đội trưởng của đội tuyển Việt Nam đã ngậm ngùi nói lời chia tay đến hai lần. Trong cuốn tự truyện "Phút 89", Công Vinh nói về lần dứt áo ra đi đầu tiên:

"Năm 2008 ấy, SLNA – cũng một tượng đài của bóng đá Việt – đối diện cơn khủng hoảng tài chính. Khi hợp đồng của tôi và SLNA đến hồi kết, CLB cho biết họ không thể giữ tôi lại được.

Nhưng tôi vẫn có ý chờ SLNA. Tôi mong họ sẽ kiếm được một Mạnh Thường Quân nào đó thay đổi tình hình hiện tại. Nhưng thời gian cứ thế trôi qua, trong khi mùa giải mới chuẩn bị khởi tranh. Tôi phải lo cho tương lai của mình. Và tương lai ấy nằm ở thủ đô Hà Nội".

6 năm sau, khi mà Công Vinh tưởng chừng như đã tìm thấy bến đỗ cuối cùng là đội bóng quê hương sau những năm tháng xa xứ thì một lần nữa anh lại phải ra đi.

Sông Lam Nghệ An và câu chuyện “chảy máu” lực lượng: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” - Ảnh 2.

Công Vinh đã hai lần phải ngậm ngùi nói lời chia tay với Sông Lam Nghệ An vì điều kiện tài chính đội bóng không đủ để giữ chân cựu đội trưởng tuyển VIệt Nam ở lại. Ảnh: Đức Cường

"Kết thúc bản hợp đồng với SLNA, tôi thực sự đã kỳ vọng CLB sẽ giữ tôi ở lại. Tôi muốn có một cái kết đẹp cùng SLNA. Tôi đã khởi đầu sự nghiệp ở đây và thực sự muốn kết thúc sự nghiệp ở chính nơi đã đào tạo ra mình.

Tôi chờ mãi, nhưng thấy phản hồi gì từ Ban lãnh đạo. Tất cả những gì tôi nghe được vào lúc ấy là CLB đã hết tiền, và không thể ký tiếp hợp đồng với tôi.

Tôi chờ một tháng, hai tháng rồi ba tháng. Không một ai ở CLB gọi cho tôi cả, tôi mới gọi điện cho anh Hữu Thắng [HLV Nguyễn Hữu Thắng]:

_ Anh tơi, tình hình sao rồi? Mùa tới anh em mình còn được làm việc cùng không?

_ Em đi đi, đừng chờ nữa.

_ Em có thể đá tiếp mà. CLB trả bao nhiêu cũng được, em không đòi đâu.

_Anh nghĩ em nên đi. Đời cầu thủ ngắn lắm. Mà em cũng không còn trẻ nữa. Tìm một bản hợp đồng cuối cùng đi.

_ Em có thể cho CLB… nợ mà. Bao nhiêu cũng được, khi nào có cũng được", trích tự truyện "Phút 89".

Sông Lam Nghệ An và câu chuyện “chảy máu” lực lượng: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” - Ảnh 3.

Trọng Hoàng (áo vàng) là trụ cột đưa Sông Lam Nghệ An đến với chức vô địch quốc gia vào năm 2011. Tuy nhiên, anh đã nói lời chia tay đội bóng 2 năm sau. Ảnh: Tiến Tuấn

Cả hai lần Công Vinh phải ra đi câu chuyện cũng chỉ xoay quanh một chữ "tiền". Và chữ "tiền" cũng là thứ ám ảnh với Sông Lam Nghệ An suốt nhiều năm nay trước sự tháo chạy của hàng loạt những trụ cột khác.

Sau Công Vinh năm 2008 là Trọng Hoàng, Văn Bình, Văn Hoàn năm 2013; Đình Đồng, Hoàng Thịnh năm 2015; Phi Sơn năm 2017. Một thống kê đã chỉ ra là trong lịch sử, Sông Lam Nghệ An chỉ hai lần nhận được nguồn thu từ chuyển nhượng là thương vụ cho mượn Hoàng Văn Khánh đến XSKT Cần Thơ năm 2015 (số tiền khoảng 500 triệu đồng) và Lê Công Vinh tới Consadole Sapporo năm 2013.

Còn các trường hợp khác đều đã ra đi khi đáo hạn hợp đồng và đội bóng chủ sân Vinh không đủ tiền để giữ chân bằng hợp đồng mới. Danh tiếng và truyền thống của Sông Lam Nghệ An là không đủ để níu giữ những cầu thủ mà chính họ đào tạo ở lại.

Các gói hợp đồng tài trợ của câu lạc bộ cùng nhà tài trợ Ngân hàng Bắc Á sau mỗi lần ký kết đều giảm dần. Từ năm 2011 tới nay, giữa hai bên đã 3 lần đạt thỏa thuận về các gói tài trợ có giá trị lần lượt 80 tỷ, 50 tỷ và 30 tỷ/mùa. Tuy nhiên, chỉ với chừng đó là không đủ để vừa vận hành đội bóng vừa trả tiền hợp đồng cho các trụ cột, như nhận định của HLV Nguyễn Thành Vinh – người có hơn 20 năm dẫn dắt Sông Lam Nghệ An.

Sông Lam Nghệ An và câu chuyện “chảy máu” lực lượng: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” - Ảnh 4.

Cơn đau đầu mang tên "chảy máu" lực lượng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại ở sân Vinh. Ảnh: Tiến Tuấn

"Hiện nay nhà tài trợ Ngân hàng Bắc Á đã cung cấp cho đội bóng một khoản tiền 25 – 30 tỷ/năm. Còn Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ tài trợ một khoản tiền cho công tác đào tạo thôi. Vì thế 30 tỷ đó để giữ lại cầu thủ thì số tiền để trang trải cho một mùa giải rồi công tác huấn luyện, xây dựng lực lượng không đủ. Ví dụ như bây giờ phải bỏ tiền ra để giữ các cháu lại thì cũng phải tương đương với khoản tiền mà các câu lạc bộ khác trả.

Tất nhiên các cháu ở lại vẫn là điều tốt nhất nhất bởi vì không đâu bằng quê hương của mình cả. Nhưng vì thực tế câu lạc bộ không đủ tiền để đáp ứng khoản hợp đồng cho họ thì họ phải đi thôi! Mặc dù về mặt ý tưởng, trách nhiệm thì họ luôn được xây dựng một cách rất nghiêm túc, có nghĩa là họ muốn được ở lại thi đấu cho câu lạc bộ", chiến lược gia 72 tuổi bày tỏ quan điểm với Sport5.vn.

Lời van nài của Công Vinh vài năm trước với HLV Hữu Thắng đã không thể giúp anh được gắn bó với đội bóng quê hương cho tới cuối sự nghiệp. Và không biết còn ai hành động giống Công Vinh ngày ấy hay không, nhưng có một điều chắc chắn với tình cảnh hiện tại, cảnh chảy máu tài năng sẽ vẫn còn hiện diện ở sân Vinh.

Lần gần nhất mà Sông Lam Nghệ An vô địch V.League đã cách nay 7 năm. Dĩ vãng vàng son đã nằm lại phía sau, còn câu chuyện ngày hôm nay là việc đi hay ở của Quế Ngọc Hải, và trong tương lai khả năng không nhỏ là những Phan Văn Đức, Phạm Xuân Mạnh, Hồ Tuấn Tài, Hồ Khắc Ngọc,…?

Ừ thì biết rồi, khổ lắm, nói mãi…