Richard Witschge, danh thủ người Hà Lan dành khoảng 3 năm trong sự nghiệp chơi cùng Zinedine Zidane. Khi được hỏi sau quãng thời gian tương đối dài trở thành đồng đội của nhau, Witschge có từng nghĩ Zidane sẽ trở thành HLV hay không, ông trả lời:
“Không, tôi không nghĩ anh chàng đó sẽ trở thành một HLV trong tương lai. Zidane rất… Nói như thế nào nhỉ? Cậu ta không đến mức nhút nhát, nhưng là dạng nhân tố bí ẩn, không muốn thu hút sự chú ý. 3 năm chơi cùng Zidane, tôi thấy cậu ấy chuyển mình trở thành một trong những tiền vệ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên chắc chắn rằng tôi chưa một lần nghĩ cậu ấy sẽ làm HLV”.
Câu trả lời của Witschge cũng tương tự như phần lớn cầu thủ từng chơi cùng Zidane. Hầu như không một ai nghĩ Zidane sau khi treo giày lại trở thành HLV. Nhất là sau sự việc đáng tiếc xảy ra trong trận chung kết World Cup năm 2006, thậm chí có người nghĩ Zidane không còn hứng thú cùng môn thể thao vua nữa.
Cùng lắm tình cảm dành cho môn thể thao gắn bó với tuổi thanh xuân thôi thúc ông trở lại Real Madrid, ban đầu với tư cách là Giám đốc thể thao. Nhưng chắc chắn chẳng ai ngờ Zidane lại nhận chức trợ lý HLV, HLV trưởng đội trẻ rồi nhảy một bước lên thuyền trưởng đội bóng chủ sân Bernabeu năm 2016.
Fan dù ngưỡng mộ ông đến mấy cũng chẳng nghĩ đến một ngày Zidane được chỉ định ngồi ghế nóng, vốn được coi là “mồ chôn” của hàng loạt vị chiến lược gia lão luyện như Fabio Capello, Jose Mourinho, Rafa Benitez, Carlo Ancelotti.
Ông không có nhiều kinh nghiệm, còn Real vào thời điểm đó đang rơi vào cơn bĩ cực dù vẫn còn những Cristiano Ronaldo, Gareth Bale trong đội hình. Sẽ có lý hơn nếu Zidane làm HLV tạm quyền, tạm thời giúp CLB vượt qua khó khăn trước khi Florentino Perez tìm được người khác thay thế.
Nhưng không. Chủ tịch Perez vì lý do nào đó tin tưởng cho Zidane lên nắm quyền. Phần còn lại như mọi người đã thấy, một huyền thoại được xác lập.
Khi Zidane nhận chức tại Real, ông là kẻ “a ma tơ” trong làng HLV. Vậy mà khi đồng ý nhận lời dẫn dắt đội bóng này một lần nữa, ông là kẻ duy nhất trong lịch sử bóng đá 3 năm liên tiếp mang về 3 chức vô địch Champions League cho một CLB.
Việc Zidane không tỏ vẻ hứng thú lắm với vai trò HLV, cộng với nhận định chung của mọi người liên quan đến việc ông thiếu nhiều kỹ năng trong khâu quản lý, khiến thành công rực rỡ càng trở nên bất ngờ. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn vào sự nghiệp cầu thủ, chúng ta nhận thấy ở Zidane tiềm ẩn những phẩm chất biến ông trở thành HLV hàng đầu, rằng thành công vang dội không phải đến không quá bất ngờ, cũng chẳng phải ăn may.
Thứ nhất phải khẳng định là mắt nhìn người của Zidane thuộc hàng tinh tường bậc nhất trong các HLV. Khi được mời làm HLV cho Real, Zidane chấp nhận ngay tắp lự, đơn giản bởi trong tay huyền thoại người Pháp lúc đó là đội ngũ huấn luyện chuyên nghiệp, tài năng mà ông đã quen biết, để ý từ rất lâu.
Zidane quen David Bettoni, người sau này trở thành trợ lý HLV, khi cả 2 chơi cho đội trẻ CLB Cannes. Kế đến, Zidane đưa Stephane Plancque, cũng là một người đồng đội cũ của ông tại Bordeaux, về làm chuyên viên phân tích. Những năm tháng thi đấu cho Juventus giúp Zidane gặp Antonio Pintus, người sau này ông tuyển làm HLV thể lực cho đội. Đây chính là đội ngũ huấn luyện giúp Zidane chinh phục Champions League 3 lần liên tiếp.
Thứ 2, Zidane im ỉm, không muốn thu hút sự chú ý thật ra là để… quan sát người khác. Điều này được thể hiện rất rõ ràng trong cách chơi bóng, khi Zidane có thói quen quan sát lối chơi của đối thủ rồi tìm ra ngách sơ hở để tấn công. Tương tự như vậy khi quan sát các học trò, ông có thể dễ dàng nhìn ra những điểm mạnh, điểm yếu để tiến hành góp ý. Zidane cũng luôn sẵn sàng lắng nghe, học hỏi từ người khác, những điều vô cùng cần thiết để trở thành một HLV hàng đầu.
“Những ai hiểu Zidane thì sẽ biết rằng cậu ấy thừa khả năng trở thành một HLV”, ông Frederic Hermel, người viết tự truyện cho Zidane khẳng định. “Khá hài hước nhưng để ví von, tôi có thể gọi cậu ấy là bọt biển siêu hấp thụ. Zidane không nói nhiều, cậu ấy dành thời gian lắng nghe và quan sát tất cả”.
“Zidane như một cỗ máy chứa đựng thông tin. Cậu ấy thu thập rồi xử lý đưa ra biện pháp giải quyết, cải thiện”, ông Guy Lacombe, người từng dẫn dắt Zidane ở đội trẻ Cannes chia sẻ với So Foot năm 2017. “Đó là một trong những khả năng của Zidane. Tin tôi đi, người luôn chăm chỉ học hỏi và lắng nghe như cậu ấy rất hiếm đấy”.
Thật ra tầm ảnh hưởng của Zidane “lầm lì”, ít nói trong đội vẫn rất lớn. Luôn nhận mình là “kép phụ” nhưng trên sân, khó ai có thể chiếm lấy vai trò thủ lĩnh của huyền thoại người Pháp. Năm 1996 khi Bordeaux lọt vào trận chung kết UEFA Cup, Zidane, khi đó mới 23 tuổi, là người đứng ra xốc lại tinh thần cho toàn đội.
Mặc cho tuổi đời còn trẻ, Zidane sở hữu năng lực đặc biệt khiến người khác tin vào triết lý bóng đá nói riêng và mọi lời nói của ông nói chung.
“Cậu ấy thích thứ bóng đá tấn công, đẹp mắt và đòi hỏi kỹ thuật cao”, Witschge nhớ lại trong buổi phỏng vấn với Bleacher Report. “Chơi đẹp là phương châm hàng đầu của Zidane. Cậu ấy từng thích Ajax và Barcelona, tôn sùng triết lý của Johan Cruyff. Chúng tôi thường dành nhiều thời gian để trò chuyện về thứ bóng đá đó thời còn chơi cho Cannes. Cậu ấy cũng không dưới một lần bày tỏ nguyện vọng hướng bóng đá trẻ đi theo con đường của Ajax và Barca”.
Kết thúc năm tháng thi đấu ở Pháp, Zidane có cơ hội vươn tới tầm cỡ của một siêu sao với Juventus. Ý là một đất nước tươi đẹp, thơ mộng, đúng ra rất phù hợp với tư tưởng nghệ sĩ của Zidane. Đáng tiếc là bóng đá thì lại quá khác với phong cách sống thường ngày của người dân nước Ý, hùng hổ, dồn dập và đặt yếu tố thể lực lên làm đầu. Giấc mộng về bóng đá đẹp của Zidane chính thức vỡ mộng.
Ông bị sốc khi liên tục phải thực hiện những bài tập rèn luyện thể lực trong giai đoạn tiền mùa giải. Không chỉ ông, mà cả Dimas, người đến Juve khoảng hơn 1 tháng sau đó cũng rơi vào cảnh tượng tương tự.
“Đó là cơn ác mộng khủng khiếp nhất tôi từng trải qua”, Dilmas chia sẻ. “Những bài tập thể lực đó với tôi chẳng khác gì cực hình, nhưng với cầu thủ Ý thì nó như cơm bữa. Ferrara, Torricelli, Di Livio, Lombardo, Pessotto,... đồng đội mới của tôi đều là những gã quái vật. Tôi không thể kể được tên bất kỳ anh chàng cầu thủ Ý nào lười nhác tập thể lực. Ngay cả một nghệ sĩ sân cỏ như Alessandro Del Piero cũng phải tập luyện như điên như dại. Đến lúc này tôi vẫn sợ khi nghĩ về những ngày tháng đó. Nhưng nhờ những bài tập của đội ngũ HLV tôi mới trở thành cầu thủ tốt hơn, Zidane cũng vậy”.
Luyện tập dưới sự chỉ đạo của HLV thể lực Giampiero Ventrone, Zidane hiểu rằng bóng đá đẹp đến mấy cũng cần phải có thể lực. Đó là khi sự thực dụng chính thức thay thế giấc mơ màu hồng của Zidane về thứ bóng đá uyển chuyển, đẹp mắt. 2 thập kỷ kể từ ngày sốc đến phát nôn với cường độ tập luyện khủng khiếp ở Juventus, Zidane áp dụng bài tập tương tự với nhóm học trò siêu sao tại Real. Đó là bước đệm của liên tiếp những thành công đi vào sử sách sau này.
Bằng kiến thức học được ở Ý, Zidane dạy Cristiano Ronaldo cách phân phối thể lực sao cho hợp lý. Tiếng nói của ông có trọng lượng đến mức ngay cả một người luôn cố gắng đến phát điên như Ronaldo cũng phải chấp thuận ngồi ngoài một vài trận đấu tại La Liga để dành sức cho Champions League.
Ngoài những bài tập thể lực, Zidane cũng được tôn rèn tinh thần thi đấu khi chơi cho Juventus. Ông Marcello Lippi vào thời điểm đó tạo ra sức ép khủng khiếp lên vai các cầu thủ, khi mọi việc, mọi kỹ thuật, mọi chiến lược đều phải được thực hiện theo cách hoàn hảo nhất có thể. Nhờ điều này mà Zidane trở nên bớt mơ mộng, thực tế hơn trong cách suy nghĩ, theo Didier Deschamps.
“Ở Ý, Zidane đã trải nghiệm cảm giác thi đấu ở đẳng cấp cao nhất khắc nghiệt như thế nào”, ông Deschamps chia sẻ. “Cậu ấy học được cách cố gắng chiến đấu cho một vị trí chính thức, làm quen với việc đặt ra kế hoạch tập luyện, thi đấu cho cả một mùa giải. Tôi nghĩ Zidane là người Pháp, nhưng theo đuổi phong cách huấn luyện của người Ý từ đó”.
Lúc đến Madrid, Zidane có trong tay chức vô địch châu Âu cùng tuyển Pháp, 2 danh hiệu Serie A cùng Juventus và một Quả Bóng Vàng. Zidane, ngôi sao đắt giá nhất thế giới vào thời điểm đó không mất nhiều thời gian để làm quen với đội bóng mới. Ông để lại ấn tượng sâu đậm bằng cú volley vào lưới Bayer Leverkusen, đem về chức vô địch châu Âu thứ 9 trong lịch sử Real Madrid.
Zidane trở thành người đồng đội đáng tín nhiệm và thần tượng của nhiều cầu thủ trẻ. Nhớ lại năm tháng được thi đấu bên cạnh huyền thoại người Pháp, Alvaro Mejia, cầu thủ trưởng thành từ lò của Real Madrid chỉ có những ký ức đẹp mà anh khắc cốt ghi tâm.
“Tôi nhớ thời điểm Zidane nhìn rất buồn”, Mejia kể lại. “Đó là sau trận đấu với Monaco tại vòng tứ kết Champions League năm 2004, Real để thua đối thủ vì luật bàn thắng sân khách. Anh ấy là một người sinh ra là để chiến thắng, điều này được thể hiện rất rõ trên sân tập cũng như khi thi đấu. Nhưng dù buồn đến mức nào, Zidane luôn là người đầu tiên đứng ra hỏi thăm và lên dây cót tinh thần cho mọi người”.
“Tôi không thể nào quên được cách anh ấy chỉ bảo mình trong những năm tháng thi đấu cho Real Madrid. Những bài học về cách đọc trận đấu và giải quyết tình thế, như làm cách nào để đánh bại hàng thủ đối phương chỉ bằng một đường chuyền, đều rất quý báu. Cách anh ấy đưa ra lời khuyên cũng tuyệt vời. Zidane không bao giờ to tiếng, la ó các cầu thủ trẻ như tôi. Nếu nhìn thấy tôi mắc lỗi, Zidane sẽ ra tận nơi nói chuyện riêng để tôi tiến bộ”.
Thành công của Zidane thời còn là quần đùi áo số và mối quan hệ với những cầu thủ chủ chốt của Real Madrid giúp ông có được sự ủng hộ tuyệt đối từ phòng thay đồ. Mối quan hệ thầy trò tốt đẹp là một nền tảng quan trọng khác cho các thành công sau này.
Về mặt chiến thuật, Zidane không thay đổi nhiều lối chơi của Real Madrid. Điều ông quan tâm chỉ là làm thế nào để xây dựng một hàng phòng ngự chắc chắn, tạo hậu phương cho những siêu sao trên hàng tấn công thoải mái thể hiện.
Zidane được Hermel mô tả là thiên tài chiến thuật thực dụng. Ông không bao giờ hé nửa lời với báo chí về việc Real sẽ thi đấu như thế nào, vì “bí mật là một phần của chiến thuật”. Với Zidane, những buổi thảo luận chiến thuật thực sự rất vô nghĩa. Vì thế ông muốn cách truyền tải suy nghĩ nhanh gọn, chính xác và đầy sức nặng đến các cầu thủ.
“Khi còn thi đấu, tôi rất ghét phải ngồi nghe các HLV trình bày dài lê thê trước trận”, Zidane kể lại với Hermel trong cuốn tự truyện. “Đồng đội của tôi cũng thế. Hầu hết chẳng ai nghe nổi quá 10 phút. Vì thế ngày hôm nay, khi nói chuyện với các cầu thủ, tôi luôn quan niệm chỉ cần nói đúng 3 cái gạch đầu dòng. Thế là đủ, không nhiều, không ít hơn”.
Zidane cảm nhận bầu không khí trong phòng thay đồ dễ như ăn bánh. Ông cũng chẳng mất nhiều công sức để truyền tải sự điềm tĩnh của mình đến các cầu thủ, đặc biệt là trong những trận đấu quan trọng như chung kết Champions League. Cách làm việc của Zidane, theo Dimas, là học được từ cựu chiến lược gia Lippi.
“Tôi nghĩ cậu ấy được hưởng lợi rất nhiều từ Lippi”, cựu cầu thủ Bồ Đào Nha chia sẻ. “Lippi là người siêu điềm tĩnh. Dù luôn gắt gỏng khi đưa ra những quyết định nhưng Lippi luôn biết cách giúp những bàn chân trở nên bớt run. Ông ấy hay nói kiểu: Các cậu hôm nay sẽ thi đấu như bình thường, theo đúng cái cách mà các cậu đã biết, chỉ vậy thôi. Zidane giống Lippi ở điểm đó. Cậu ấy không bao giờ chỉ bảo cầu thủ từng li từng tí. Thay vào đó, Zidane cho phép cầu thủ làm việc của họ”
“Khi bóng bay vào lưới, Zidane vui, nhưng vẫn giữ thái độ lạnh lùng để khuyên bảo cầu thủ: Trận đấu chưa kết thúc đâu các chàng trai!”.
Mejia, người hiện đang thi đấu ở Qatar cũng nói thêm: “Là một cầu thủ, Zidane luôn tìm được cách tốt nhất để nói chuyện với đồng đội. Trên cương vị của một HLV, anh ấy cũng làm tương tự như vậy. Zidane kiểm soát phòng thay đồ thông qua cách trò chuyện cùng người khác, liên tục truyền tải triết lý bóng đá, thôi thúc cầu thủ của mình hướng đến chiến thắng. Đó là một sự cân bằng tuyệt đối, hoàn hảo mà không phải HLV nào cũng có”.
Bạn nên quan tâm