"Khi ấy (năm 2007), Học viện HAGL JMG tuyển chọn cầu thủ toàn quốc. Họ có đến Tuyên Quang tuyển chọn nhưng tôi không có mặt do đang tham dự Giải U13 toàn quốc ở Hà Nội", Xuân Trường kể lại trong chương trình "Have a sip – After Hours".
"Thầy dạy nhi đồng của tôi mới hỏi các thầy ở HAGL là có một cầu thủ của Tuyên Quang nhưng đang không có mặt ở đây, ban tuyển trạch có thể ghé qua Hà Nội để tuyển bạn ấy không, xem bạn ấy có đủ khả năng ứng tuyển hay không".
Xuân Trường thuở mới gia nhập Học viện HAGL JMG và khi trở thành đội trưởng đội 1 HAGL (Ảnh: Chụp màn hình, Hiếu Lương)
Xuân Trường nói tiếp: "Rất may là người tuyển trạch đồng ý đến Hà Nội sau lời giới thiệu ấy. Tôi được tuyển chọn ở một bãi đỗ xe của khách sạn vì họ không sắp xếp được sân. HAGL không được phép tuyển quân ở Hà Nội vì ở đây đã có lò đào tạo rồi. Vòng sơ loại của tôi vì thế diễn ra trên mặt sân bê tông, mọi thứ rất sơ sài".
Xuân Trường kể anh làm theo yêu cầu của HLV, thực hiện những kỹ thuật cơ bản, đá gôn tôm,… Cuối cùng, anh được điền tên vào danh sách tham dự vòng chung kết trước khi chính thức trở thành học viên của Học viện HAGL JMG nổi tiếng khi ấy.
Tiền vệ sinh năm 1995 khẳng định anh khác với phần đông bạn bè cùng lứa: "Không biết do tính cách độc lập từ khi còn nhỏ hay thế nào mà tôi cảm thấy việc xa nhà không phải vấn đề quá lớn. Tôi biết có những bạn đã khóc vì nhớ nhà.
Tôi cảm thấy bình thường vì đang được làm việc mình thích. Tôi cảm thấy lo cho bố mẹ nhiều hơn là bản thân, kiểu họ sẽ buồn vì có mỗi đứa con trai thế này mà lại đi xa dẫn đến lo lắng quá không. Tôi rất lo cho bố mẹ tôi. Tất nhiên, cảm giác nhớ nhà sẽ là nhớ món ăn mẹ nấu, bố hướng dẫn làm cái này cái kia. Cảm giác ấy không dễ có được hàng ngày".
Xuân Trường làm gì sau khi giải nghệ?
Không lảng tránh câu hỏi, Xuân Trường chia sẻ cảm xúc thật của bản thân. Anh khẳng định bản thân muốn được làm một điều khác với chuyên môn bóng đá.
"Sau này không làm cầu thủ nữa, tôi sẽ làm gì để tiếp tục chặng đường tương lai. Tôi có nghĩ điều đó", tiền vệ của HAGL nói.
"HLV có lẽ là một lựa chọn an toàn cho mình, có thể làm HLV cho lứa trẻ, nếu đầu tư hơn về chuyên môn thì làm CLB nào đó khi đủ năng lực hay cố gắng. Thế nhưng, còn quá xa để nói trước, tôi hướng đến thử sức ở công việc khác ngoài bóng đá, không hẳn làm chuyên môn nữa".
"Công việc liên quan đến bóng đá là một lợi thế nhưng nếu được thử sức một việc không liên quan đến thể thao thì tôi vẫn muốn thử sức".
Khi người dẫn chương trình Phạm Công Thành (Huyme) trêu đùa rằng "hay là làm ca sĩ". Xuân Trường đáp: "Mọi người là ca sĩ trong phòng thu còn tôi là ca sĩ trong phòng tắm thôi".
Xuân Trường năm nay 27 tuổi, đang ở độ chín của sự nghiệp. Anh vẫn là trụ cột của HAGL, nhân tố tốt của đội tuyển Việt Nam. Ngoài bóng đá, anh cùng một nhóm bạn thực hiện ý tưởng thành lập Trung tâm hồi phục chức năng sau chấn thương dành cho cả VĐV chuyên nghiệp lẫn không chuyên.
Tiền vệ người Tuyên Quang cũng khẳng định bản thân học được nhiều điều sau những lần ra nước ngoài thi đấu (2 năm ở Hàn Quốc, nửa năm ở Thái Lan). Từ một người háo thắng, Xuân Trường trở nên bình tĩnh và trưởng thành hơn.
"Tôi luôn có cảm giác ông nội đang dõi theo mình"
Lương Xuân Trường cho biết anh có những cách lấy may trước trận như dùng một đôi giày, đôi tất, quần áo,… phù hợp cho ngày thi đấu; hoặc bước chân nào ra trước khi vào sân.
Xuân Trường cũng có thói quen đi dạo trên sân trước giờ cả đội khởi động. Anh lý giải: "Lúc đó, tôi nghĩ về ông nội mình. Ông đã mất. Trước đây, ông đưa tôi đi tập ở đội nhi đồng Tuyên Quang bằng xe đạp suốt năm. Tôi luôn có cảm giác ông đang dõi theo và đồng hành cùng tôi trên chặng đường đi".