Xuân Trường, Công Phượng không tốt nghiệp đại học đúng hạn vì lý do này

PHẠM HUYỀN , 08:01 05/07/2019 | Bóng đá Việt Nam

Chia sẻ

Do đặc thù nghề nghiệp thường xuyên phải thi đấu xa, Công Phượng, Xuân Trường cùng nhóm cầu thủ HAGL không thể học đại học theo đúng tiến trình nên việc ra trường cũng chưa xác định được thời điểm cụ thể.

Những ngày tháng 7, học sinh sinh năm 2001 vừa trải qua kỳ thi THPT Quốc gia cam co, còn các sinh viên khoá 2014-2019 cũng rủ nhau tốt nghiệp đại học, bước chân vào hành trình lập nghiệp, mưu sinh. Cũng là sinh viên đại học, nhưng quá trình tuyển sinh và tốt nghiệp của các chàng trai CLB HAGL lại không giống như những người thường.

Năm 2014, 10 tuyển thủ U19 Việt Nam bao gồm Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng, Lê Văn Trường, Trần Hữu Đông Triều, Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Toàn, Hoàng Thanh Tùng, Vũ Văn Thanh, Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Hữu Anh Tài được tuyển thẳng vào đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP. Hồ Chí Minh. Điều này nằm trong thoả thuận hợp tác giữa CLB HAGL và nhà trường. Một số cầu thủ khác của học viện bóng đá HAGL cũng đang theo học hệ đại học tại đây sau khi trải qua các kỳ thi tuyển sinh.

 - Ảnh 2.

Các cầu thủ HAGL thời học sinh.

Tại trường đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP. Hồ Chí Minh, chương trình học của một sinh viên sẽ kéo dài tối đa trong 7 năm (nếu không hoàn thành đủ tín chỉ trong 7 năm thì sẽ bị buộc thôi học). Tuy nhiên, với 144 tín chỉ, các sinh viên bình thường chỉ cần 4 năm để kết thúc việc học và ra trường với tấm bằng cử nhân. 

Tuy nhiên, do lịch thi đấu dày và phải thường xuyên di chuyển, các cầu thủ thường không đáp ứng được chương trình học theo lịch của nhà trường. Tiền vệ Trần Minh Vương cho biết, chỉ khi nào có thời gian rảnh các cầu thủ mới học được, vì vậy, khó xác định thời điểm khi nào các chàng trai sẽ tốt nghiệp đại học. Hồi tháng 6/2019, sau khi kết thúc lượt đi V.League 2019, các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai cũng tranh thủ học thêm mấy môn ngay tại học viện HAGL tại Hàm Rồng, Pleiku. 

Riêng trường hợp của Công Phượng và Xuân Trường, Tuấn Anh, những cầu thủ đã từng và sắp sang nước ngoài thi đấu, việc học càng kéo dài do thời gian gián đoạn để xuất ngoại. Nhà trường đã đồng ý để các cầu thủ này bảo lưu kết quả học để tập trung phát triển sự nghiệp tại nước ngoài. Kết thúc các đợt xuất ngoại, các cầu thủ này tiếp tục hoàn thành chương trình học để ra trường. Với tấm bằng cử nhân, Công Phượng cùng các đồng đội có thể trở thành giáo viên thể chất nếu không tiếp tục chơi bóng.

 - Ảnh 3.

Chờ visa sang châu Âu thi đấu, Công Phượng tranh thủ tham gia lớp học môn cheerleading (nhảy cổ động) ngay tại học viên HAGL.

 - Ảnh 4.

Ảnh: Facebook nhân vật.