Khi Ronaldo de Lima ghi cú đúp vào lưới đội tuyển Đức để đưa các vũ công Samba nâng Cúp Vàng ở kỳ World Cup 2002 trên đất Nhật Bản & Hàn Quốc, đó cũng là lúc đánh dấu cột mốc bóng đá Nam Mỹ vượt lên dẫn trước châu Âu 9-8 về số lần vô địch.
Song người hâm mộ cũng không thể ngờ rằng, kể từ cột mốc đó đến nay đã 20 năm, người Nam Mỹ chưa thể thêm một lần bước lên đỉnh thế giới. Trong ngần ấy thời gian, các đội bóng châu Âu lại chứng tỏ sức mạnh tuyệt đối khi giành thêm 4 chiếc Cúp Vàng để vượt lên dẫn 12-9.
World Cup diễn ra lần đầu vào năm 1930, đến nay đã trải qua 21 tổ chức và xuyên suốt lịch sử giải đấu, chức vô địch chỉ là sự luân chuyển giữa châu Âu và Nam Mỹ.
Gọi chung là Nam Mỹ nhưng thực tế chỉ Brazil và Argentina được xem là hai đội bóng lớn có đủ thực lực để đặt lên bàn cân so sánh với các ông lớn châu Âu như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Anh. Còn một đại diện Nam Mỹ khác từng vô địch World Cup là Uruguay nhưng lần họ bước lên đỉnh thế giới đã cách đây hơn 70 năm.
Nếu không tính Brazil và Argentina, kể từ World Cup ở Mexico 1970 đến nay, chỉ có hai đội bóng ngoài châu Âu là Hàn Quốc (2002) và Uruguay (2010) có thể vào đến bán kết.
Còn trong 4 kỳ World Cup gần nhất, có đến 3 lần trận chung kết là cuộc chiến nội bộ của bóng đá châu Âu. Năm 2006 là Pháp và Italia, năm 2010 là Tây Ban Nha và Hà Lan, còn năm 2018 là cuộc đọ sức giữa Pháp và Croatia.
Duy nhất ở World Cup 2014, Messi mới đưa Argentina vào trận đấu cuối cùng gặp ĐT Đức. Nhưng “bàn thắng vàng” của Mario Gotze ở hiệp phụ thứ hai đã khiến giấc mơ của bóng đá Nam Mỹ tan vỡ trước ngưỡng cửa thiên đường. Khoảnh khắc Messi với gương mặt không cảm xúc lướt ngang chiếc Cúp Vàng có lẽ không một người hâm mộ nào có thể quên được.
Dẫn chứng lịch sử để thấy rằng, các đội bóng châu Âu đang thực sự tỏ ra quá mạnh so với phần còn lại của thế giới chứ không riêng gì Nam Mỹ.
Tờ báo New York Times từng nhắc đến sự khác biệt của bóng đá châu Âu so với Nam Mỹ: “Ở châu Âu, bóng đá giống như một nền công nghiệp. Mọi thứ đều được thực hiện theo quy trình chuyên nghiệp hóa tối đa. Còn ở Nam Mỹ, bóng đá vẫn chạy theo bản năng nên dần lép vế so với lục địa già.
Nếu muốn tỏa sáng, muốn trở thành ngôi sao lớn, họ buộc phải sang châu Âu chơi bóng, còn cứ ở lại Brazil, Argentina hay Uruguay, họ chẳng là gì và cũng chẳng ai biết nhiều đến họ.
Bóng đá Nam Mỹ vẫn tự hào về những cầu thủ được ví như nghệ sĩ sân cỏ nhưng thể lực, chiến thuật, khả năng tranh chấp mới là yếu tố quyết định tới kết quả các trận đấu”.
Ngay cả cựu tiền vệ của Barcelona - Javier Mascherano cũng thừa nhận rằng: “Để cản bước người phương Tây thì đó phải là đội bóng mạnh nhất ở nền bóng đá mạnh nhất nhì thế giới. Bóng đá ở châu Âu tạo ra HLV giỏi, cầu thủ giỏi. Họ thường xuyên được cập nhật kiến thức và khoa học mới để phát triển”.
Cán cân World Cup đang lệch về phía các đại diện châu Âu, song phong độ trước thềm giải đấu ở Qatar 2022 lại mang đến nhiều tín hiệu tích cực cho các đội bóng Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil và Argentina.
Dĩ nhiên, kỳ vọng lớn nhất vẫn đặt lên vai đội bóng xứ Samba. Về thứ hạng, Brazil mang hành trang đến Qatar với vị thế đội bóng số 1 thế giới. HLV Tite đã trải qua chiến dịch vòng loại cực kỳ ấn tượng với 17 trận bất bại, ghi 40 bàn thắng.
Điều quan trọng nằm ở cách mà chiến lược gia 61 tuổi xây dựng lối chơi cho các vũ công Samba. Sau những thất bại trong quá khứ, HLV Tite đã biết cách dung hòa các ngôi sao và gắn kết họ thành tập thể thống nhất để cùng nhau hướng đến kết quả chung. Nói cách khác, Brazil có thể tấn công hoa mỹ nhưng cũng sẵn sàng chơi thực dụng khi cần thiết.
Trong tay HLV Tite là dàn hảo thủ cực kỳ chất lượng mà mọi đội bóng đều mơ ước. So với hai kỳ World Cup trước, Brazil của hiện tại đang sở hữu một Neymar được xem là chín mùi về phong độ lẫn thái độ chơi bóng.
Neymar tiết lộ rằng anh không chắc chắn có chơi cho ĐT Brazil sau World Cup 2022 hay không, do đó mọi trận đấu ở giải đấu này như là lần cuối cùng được cháy trên sân. Mùa giải năm nay, tiền đạo của PSG cho thấy sự chuyên nghiệp ở mọi khía cạnh và đang khát khao chiến thắng hơn bao giờ hết.
Hàng công với 9 tiền đạo thượng thặng, trong đó những Vinicius, Raphinha, Gabriel Jesus, Richarlison… được xem là bệ phóng để Brazil hướng đến thành công. Có chăng, điểm yếu của đội bóng vàng-xanh đến từ hệ thống phòng thủ khi ông Tite có ít lựa chọn và phải nhờ tới những lão tướng gần 40 tuổi như Dani Alves, Thiago Silva…
Song sự kết hợp giữa yếu tố kinh nghiệm và dàn cầu thủ bước vào độ chín sự nghiệp vẫn được đánh giá là tối ưu. Do đó, người hâm mộ có quyền đặt niềm tin vào ĐT Brazil sẽ thể hiện thuyết phục trên đất Qatar.
ĐT Brazil xuất sắc, còn Argentina cũng không kém cạnh. Dưới bàn tay của HLV Lionel Scaloni, Messi và các đồng đội đã trải qua chuỗi 35 trận liên tiếp bất bại.
Danh hiệu Copa America 2021 sau khi hạ Brazil và Siêu Cúp liên lục địa (6/2022) khi đánh bại Italia được xem là thành quả ngọt ngào dành cho Messi. Đó là động lực lớn để anh cùng đội bóng hướng đến chinh phục danh hiệu lớn nhất sự nghiệp.
Đội hình của Argentina năm nay vẫn là sự kết hợp giữa những cựu binh như Messi, Di Maria, Otamendi và các nhân tố trẻ như Lautaro Martinez, Lisandro Martinez và Cristian Romero… Song sự khác biệt đến từ lối chơi tập thể mà HLV Lionel Scaloni xây dựng. Họ không phụ thuộc quá nhiều vào Messi như trước mà các vị trí khác sẵn sàng bùng nổ.
Phong độ của Brazil và Argentina rõ ràng đang nhỉnh hơn nếu so sánh với các đội bóng châu Âu trước thềm World Cup 2022.
ĐT Anh đã không thắng ở 6 trận gần nhất trong khi Pháp và Đức cũng chỉ thắng 1/6 trận trước thềm giải đấu. Đặc biệt, nhà ĐKVĐ Pháp còn gặp tổn thất khi bộ đôi Pogba, Kante vắng mặt vì chấn thương. Còn Tây Ban Nha hay Hà Lan đều trong giai đoạn chuyển giao thế hệ, vì thế sức mạnh sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều so với trước.
Tháng 8/2022, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino từng phát biểu ở diễn đàn dành cho các đội bóng dự World Cup 2022: “Tôi hy vọng Cúp Vàng ở Qatar 2022 sẽ tới từ một nền bóng đá ngoài châu Âu”.
Câu nói “nửa đùa nửa thật” diễn ra trong bầu không khí vui vẻ, song nó cũng đặt kỳ vọng về sự đổi mới cho chủ nhân chiếc Cúp Vàng sau 20 năm được nắm giữ bởi người châu Âu.
Và lúc này, nếu muốn tìm một chủ nhân “mới mà cũ” ngoài châu Âu, khó có đội bóng nào đủ thực lực hơn Argentina hay Brazil. Với phong độ đang bay cao, liệu Neymar hoặc Messi có thể giúp đội bóng quê hương làm nên điều kỳ diệu trên đất Qatar 2022 và giúp bóng đá Nam Mỹ tìm lại ánh hào quang sau 20 vắng bóng?