World Cup 2018 là hồi kết cho những đội thích chơi kiểm soát bóng?

ANH TÚ , 16:24 03/07/2018 | World Cup 2018

Chia sẻ

Kiểm soát bóng nhiều không đồng nghĩa với cơ hội ghi bàn sẽ tăng lên. World Cup 2018 đang chứng kiến sự sụp đổ liên hoàn của những đội bóng với lối chơi này, bắt đầu là Đức và mới nhất là Tây Ban Nha - vị vua một thời của triết lý tiki-taka.

Ở thời hoàng kim, Pep Guardiola cùng triết lý tiki-taka đã đem về cho Barcelona vô số danh hiệu. Với y nguyên bộ khung ấy và lối đá tương tự, Del Bosque cũng đưa ĐT Tây Ban Nha lên ngôi ở World Cup 2010, hai năm sau đó là Euro 2012.

Tiki taka nói riêng và lối đá kiểm soát bóng nói chung đã có một thời cực thịnh như vậy. Nhưng bóng đá thì luôn vận hành, và những tư duy chiến thuật từng chạm đến đỉnh cao cũng sẽ có ngày trở nên lạc hậu. Hàng loạt những ông lớn bị loại khỏi World Cup 2018 như Đức, Argentina và mới nhất là Tây Ban Nha khiến người ta phải đặt câu hỏi rằng: Liệu đây có phải dấu chấm hết cho kỷ nguyên của những đội ham kiểm soát bóng.

Trong trận đấu ở vòng 16 đội với Nga, Tây Ban Nha của HLV Hierro đã cầm bóng tới 79% và trở thành đội đầu tiên trong lịch sử giải đấu thực hiện hơn 1,000 đường chuyền/trận. 

Kết quả là gì? Họ bất lực trong việc tìm đường vào khung thành Igor Akinfeev và chỉ có được bàn thắng may mắn từ pha phản lưới nhà của Ignasevich. Cầm hòa nhau 1-1 suốt 120 phút thi đấu, hai đội bước vào loạt luân lưu và Tây Ban Nha gục ngã với tổng tỷ số 4-3.

Vấn đề của Tây Ban Nha không phải đến trận đấu với Nga mới bộc lộ mà nó đã sớm hiện rõ ngay từ vòng bảng - nơi nhà vô địch World Cup 2010 chỉ phải đối đầu với những đối thủ nhỏ bé như Iran và Morocco. Ở trận gặp Iran, Tây Ban Nha kiểm soát tới 78% bóng nhưng chỉ ghi được 1 bàn vào lưới đội bóng châu Á. Đến trận đấu cuối cùng với Morocco, họ kiểm soát tới 75% và có tổng cú sút gấp 3 lần đối thủ - kết quả, họ bị cầm hòa 2-2.

World Cup 2018 là hồi kết cho những đội thích chơi kiểm soát bóng? - Ảnh 1.

Số phận bi thảm của những đội thích kiểm soát bóng nhiều ở World Cup 2018.

Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát bóng nhưng bế tắc trong khâu khi bàn không phải nỗi ám ảnh của riêng Tây Ban Nha. Tính đến thời điểm này, 4/5 đội tuyển kiểm soát bóng nhiều nhất giải đã phải xách vali về nước.

Đức, đội cầm bóng nhiều thứ hai giải đấu với 65% thậm chí còn không qua nổi vòng bảng. Argentina - đội cầm bóng 61%, xếp ở vị trí thứ ba chỉ may mắn lách qua khe cửa hẹp vào vòng knock-out ở trận đấu cuối cùng vòng bảng. 

Và như tất cả đã biết, Argentina kiểm soát bóng tới 61% trong trận đấu ở vòng 1/8 với Pháp nhưng vẫn nhận thất bại với tỷ số 4-3. Cần nhớ dù không cầm bóng nhiều như Argentina nhưng các học trò của Deschamps vẫn tung ra được 9 cú dứt điểm, kém Argentina 1 lần - tuy nhiên, độ chính xác lại là ngang nhau (4-4).

Giống như Argentina, Bồ Đào Nha cũng dồn ép Uruguay nghẹt thở khi đội bóng Nam Mỹ chỉ kiểm soát được 33% bóng cả trận. Tuy nhiên, lối chơi phòng thủ khoa học kết hợp với những đường phản công sắc bén của Uruguay đã tiễn Ronaldo cùng các đồng đội sớm lên đường về nước.

"Chúng ta dường như đang hiểu lầm mối liên hệ giữa kiểm soát bóng và tạo cơ hội ghu bàn", huấn luyện viên Oscar Tabarez chia sẻ sau chiến thắng trước Bồ Đào Nha. "Kể cả khi bạn không cầm được bóng, vẫn có rất nhiều cách để tìm đến khung thành đối phương".

World Cup 2018 là hồi kết cho những đội thích chơi kiểm soát bóng? - Ảnh 2.

Uruguay đã dạy cho Bồ Đào Nha một bài học đắt giá về nghệ thuật phòng ngự phản công.

Những con số đã chứng minh lập luận của Tabarez không phải thiếu cơ sở. Cho đến thời điểm này, có tới 16 đội kiểm soát bóng nhiều hơn 65% tại World Cup nhưng chỉ 5 trong số đó kết thúc trận đấu với một thắng lợi.

Tuy nhiên, con số này thậm chí còn thấp hơn nữa nếu không có những bàn thắng muộn.

Đức là một ví dụ điển hình. Họ cầm bóng đến 76% trước Thụy Điển nhưng phải nhờ đến pha đá phạt ở phút 90+5 của Toni Kroos mới giành trọn được 3 điểm. Câu chuyện tương tự ở trận đấu giữa Brazil và Costa Rica tại bảng F. Selecao bị cầm hòa suốt 90 phút và phải chờ đến thời gian bù giờ để có được 2 bàn thắng do công của Coutinho và Neymar.

Trận đấu của Anh với đối thủ yếu như Tunisia cũng diễn ra với kịch bản y hệt, lần này người hùng của họ là Harry Kane.

World Cup 2018 là hồi kết cho những đội thích chơi kiểm soát bóng? - Ảnh 3.

Tỷ lệ chiến thắng của các đội cầm bóng dưới 45% đang tăng dần kể từ World Cup 2010.

Nhìn lại World Cup 2010, năm Tây Ban Nha với triết lý tiki-taka lên ngôi vô địch, chỉ có 3% trận đấu suốt cả giải mà chiến thắng nghiêng về đội kiểm soát ít hơn 45% bóng. Tuy nhiên, ở World Cup 4 năm sau, con số này đã tăng lên 23% - thú vị ở chỗ, nhà vua Tây Ban Nha đã bị loại ngay từ vòng bảng.

Xu hướng kiểm soát bóng ít nhưng chắt chiu cơ hội cũng dần trở nên phổ biến hơn ở các đội bóng, đặc biệt là tại Anh. Leicester với chiến tích vô địch Premier League mùa giải 2015/16 chỉ kiểm soát trung bình 47% bóng/trận.

Thực tế, từ mùa giải 2007/08, xu hướng này đã tăng rõ rệt ở Premier League. Ở mùa 2007/08, số trận đấu kết thúc với chiến thắng dành cho đội kiểm soát ít hơn 40% bóng là 19, tuy nhiên, con số này đã tăng lên tận 46 ở mùa giải năm ngoái.

Đêm nay, một đại diện khác của trường phái kiểm soát bóng là Anh sẽ bước vào trận đấu sinh tử với Colombia. Liệu, Tam sư có thể vượt qua một Colombia lỳ lợm với những đường phản công thần tốc hay họ sẽ bước vào vết xe đổ của những Đức, Argentina, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha?