Sau trận chung kết Carabao Cup, trái với dự đoán của nhiều người, Maurizio Sarri vẫn tươi cười trong phòng họp báo. Trước đó, người ta đã thấy ông nổi cơn tam bành trên sân khi Kepa Arrizabalaga kiên quyết không chịu thay người dù Willy Caballero đã khởi động xong xuôi. Đáp lại những câu hỏi từ phía phóng viên, cựu thuyền trưởng Napoli dùng từ "hiểu nhầm" để miêu tả về câu chuyện giữa ông và Kepa.
Lý do được đưa ra phần nào cũng khá bùi tai. Theo Sarri, do lỗi radio nên ông đã tưởng Kepa bị chấn thương và cần được ra sân. Tuy nhiên, sự thật là anh vẫn ổn, đủ sức để chơi tiếp trong loạt penalty sau đó. Bản thân Sarri cũng công nhận Kepa đã đúng và điều duy nhất ông không hài lòng là cách hành xử của cầu thủ này.
Nhưng, câu chuyện đâu đơn giản như vậy. Dù logic đến thế nào đi nữa, màn cãi thầy trước hàng chục ngàn khán giả trên sân Wembley và hàng triệu khán giả theo dõi qua sóng truyền hình của Kepa đã để lại một vết nhơ khó xóa. Nó cũng làm dấy lên hai vấn đề - quyền lực của Sarri và tinh thần thủ lĩnh ở Chelsea lúc này.
Sarri dù tức giận nhưng cũng không thể làm gì Kepa.
"Nếu một HLV không thể kiểm soát đội bóng, ông ta sẽ phải ra đi", HLV huyền thoại Sir Alex Ferguson chia sẻ về màn "tấu hài" giữa thầy trò Sarri. "Không bao giờ bạn được phép mất kiểm soát với các cầu thủ - dù cho họ là 30 siêu sao với số tiền khổng lồ. Bất kỳ ai dám vượt lên trên tôi, anh ta chắc chắn sẽ đi đời".
Và rõ ràng, Sarri đang không có được thứ "phải có" giống như Sir Alex chia sẻ. Màn đôi co với Kepa trên sân đã nói lên tất cả. Ông không dám mạnh tay yêu cầu điền số áo của Kepa lên bảng điện tử. Thay vào đó, vị chiến lược gia người Italy lại cãi nhau tay đôi cùng cậu học trò để rồi bất lực bứt áo, tức tối đi về phía phòng thay đồ.
Hình ảnh Sarri "giận dỗi" đã thể hiện sự bất lực trong việc kiểm soát những cá tính quá mạnh ở Chelsea. Lẽ ra, người phải biến vào phòng thay đồ là Kepa chứ không phải Sarri. Tuy nhiên, ông lại tự biến mình thành trò cười khi đi vào rồi lại đi ra, lẩm bẩm một điều gì đó mà có lẽ chỉ chính ông mới biết được.
Lệnh HLV cũng như lệnh tướng trong quân đội. Lính bất tuân thì quân ắt loạn. Sarri thậm chí còn yếu đuối đến độ phải tự nhận sai về mình khi phát biểu với truyền thông sau trận. Điều duy nhất ông dám trách Kepa là "cậu ấy đã đúng nhưng cách hành xử thì cần xem lại". Đó không phải thứ mà 1 HLV có uy cần làm.
Còn nhớ Sakho dám bật lại Klopp và rồi sau đó người ta không bao giờ thấy anh được khoác áo Liverpool. Hay như câu chuyện Kalinic không chịu vào sân thay người để rồi bị HLV Croatia đuổi thẳng cổ về nước giữa kỳ World Cup - bất chấp việc đội bóng của ông sẽ chịu nhiều thua thiệt vì thiếu quân số so với các đối thủ.
Tất cả nói lên rằng, trong một tập thể bóng đá, HLV là người đứng đầu và mọi cầu thủ đều cần tuân theo mệnh lệnh của ông ta. Hôm nay là Kepa không chịu ra sân, ngày mai, biết đâu sẽ lại là một cầu thủ khác không đồng ý vào sân. Tiền lệ đã tồn tại thì không lấy gì đảm bảo nó sẽ không tái diễn. Và khi đó, Chelsea sẽ chỉ còn là một mớ hỗn độn được điều hành bởi một gã HLV yếu đuối như Sarri.
Ở Chelsea lúc này chỉ có những ngôi sao chứ không có người thủ lĩnh.
Nhưng đâu phải Sarri là người yếu đuối duy nhất. Đội trưởng Azpilicueta cũng cần đứng ra nhận trách nhiệm. Đường đường mang băng thủ quân nhưng hậu vệ người Tây Ban Nha hầu như không có phản ứng gì khi Kepa từ chối ra sân. Người duy nhất khuyên bảo cựu thủ môn Bilbao tuân lệnh HLV là David Luiz.
Nếu là thời Drogba, Terry, Lampard, chắc chắn Kepa đã bị "quạt" cho một trận ngay trên sân. Nhưng câu chuyện lúc này đã khác - giống như cựu sao Chelsea, John Obi Mikel từng thừa nhận - đội bóng này có những cầu thủ giỏi nhưng không có một thủ lĩnh đích thực.
Đội trưởng không đơn thuần là người duy nhất có thêm tấm băng đeo tay. Ở trên sân, anh ta giống như một bản sao khác của HLV, phải có uy và biết chỉ huy những cầu thủ khác. Tuy nhiên, tại Chelsea lúc này, chẳng ai đủ sức làm điều ấy. Azpilicueta quá hiền để thị uy, trong khi đó, Hazard dù nắm giữ băng đội trưởng của ĐT Bỉ cũng không khá khẩm gì hơn. Hai cái tên "cứng" nhất là Luiz và Rudiger thì người đã quá già còn người vừa đến không lâu, chưa đủ tiếng nói để lãnh đạo.
120 phút trên sân Wembley đã cho thấy một Chelsea khác hoàn toàn so với chính họ trong trận thua thảm hại 0-6 trước Man City cách đây hai tuần. Tuy nhiên, mọi thứ dường như đã bị lu mờ trước màn "tấu hài" của Sarri và Kepa. Trong vài ngày tới, câu chuyện này sẽ còn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nữa. Và nếu không giải quyết triệt để thì dù có đá hay tới đâu, Sarri rồi cũng sẽ bị "đá" ra đường.