Vụ CĐV Hải Phòng biến Hàng Đẫy thành "biển lửa": Lực lượng an ninh quá lỏng lẻo, đáng lên án!

Hiếu Lương , 00:12 23/04/2019 | Bóng đá Việt Nam

Chia sẻ

Sự việc CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng đỏ rực trong SVĐ Hàng Đẫy tối 21/4 một lần nữa làm dấy lên những tranh luận về cách thể hiện tình yêu của các CĐV đất cảng. BTC sân Hàng Đẫy mà cụ thể ở đây là ban tổ chức trận Hà Nội FC - Hải Phòng FC cũng không hoàn toàn vô can sau sự cố này.

CĐV Hải Phòng "đốt cháy" SVĐ Hàng Đẫy bằng pháo sáng. T/H: Tiến Tuấn - Ted Trần - Mạnh Đăng.

Cần nhấn mạnh, "pháo sáng" là vấn đề nhức nhối của bóng đá Việt Nam. Tác hại của pháo sáng ra sao, bị cấm như thế nào có thể người mờ người tỏ nhưng trong luật của cả bóng đá Việt Nam và thế giới, pháo sáng nằm trong danh mục cấm và có án phạt bằng vật chất rõ ràng.

Năm 2017, VFF bị phạt 10.000 USD (khoảng 230 triệu đồng) vì CĐV đốt pháo sáng trong chuyến làm khách của đội tuyển Việt Nam trước Campuchia tại vòng loại Asian Cup 2019. Năm 2018, số tiền tăng lên 12.500 USD (khoảng 280 triệu đồng) khi pháo sáng xuất hiện ở trận bán kết ASIAD giữa Olympic Việt Nam và Hàn Quốc. Hơn nửa tỷ đồng bị phung phí, không cá nhân nào phải chịu trách nhiệm. Sau tất cả, tổ chức là nơi cuối cùng và duy nhất gánh chịu trách nhiệm.

Trở lại với vụ CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng ở SVĐ Hàng Đẫy trong trận gặp Hà Nội FC tối 21/4, câu chuyện không phải là tự phát. Nhắc đến CĐV Hải Phòng là nhắc đến pháo sáng, còn nhắc đến trận Hải Phòng – Hà Nội FC trên SVĐ Hàng Đẫy những năm gần đây là nhắc đến rất nhiều pháo sáng. Ngày 14/3/2018, pháo sáng chẳng phải đã từng đỏ rực vẫn trong cặp đấu này hay sao?

Nhiều người hâm mộ dự đoán được, báo chí dự đoán được, người làm chuyên môn cũng dự đoán được nhưng sự ngăn chặn ở đây là gì? 

Sự qua loa, thiếu quyết liệt của BTC sân đã tự hại chính họ. Số lượng pháo sáng tối 21/4 đã cháy được tính bằng hàng chục, chứ không phải vài ba quả để nói rằng lực lượng an ninh đã để lọt sót vài trường hợp.

Trách CĐV Hải Phòng 5 phần thì cũng phải trách BTC SVĐ Hàng Đẫy mà cụ thể là ban tổ chức trận Hà Nội FC - Hải Phòng FC số phần bằng ngần ấy, thậm chí hơn. Là người tổ chức, họ có thể dự báo được sự việc này. Bài học những năm trước đã không được rút kinh nghiệm một cách sâu sắc nhất.

Xin được khẳng định một lần nữa, CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng là vi phạm quy định nhưng để nó được cháy rực ở SVĐ lại có phần lỗi không nhỏ của BTC sân. Bài học tổ chức, quản lý và kiểm tra bao giờ mới được thẩm thấu?

Vụ CĐV Hải Phòng biến Hàng Đẫy thành biển lửa: Lực lượng an ninh quá lỏng lẻo, đáng lên án! - Ảnh 2.

Pháo đỏ rực góc khán đài B SVĐ Hàng Đẫy ở trận Hà Nội FC gặp Hải Phòng. Nếu BTC quyết liệt từ những khâu kiểm tra CĐV, mọi thứ có thể đã không nằm ngoài tầm kiểm soát. Ảnh: Tiến Tuấn.

Còn với CĐV Hải Phòng, họ cuồng nhiệt thật đấy, chịu chơi thật đấy mới đến sân cổ vũ với từng ấy con người. Mấy ai chê được điểm ấy, chỉ chê pháo sáng của họ mà thôi. Họ coi đó là "đặc sản" mà đã là thế thì không thể bỏ, là mất đi bản sắc cổ vũ của CĐV đất cảng. Điều ấy có lẽ chỉ để thảo mãn những con người ưa pháo sáng mà lãng quên đi sự nguy hiểm mà hậu quả để lại cho CLB, cho người xung quanh. Sự huyễn hoặc ấy đang tự dìm chết việc đi tìm một cách thức cổ vũ mới, văn minh và sôi động hơn cho vừa với tấm áo đặc sản.

Những người hâm mộ có quyền ghét, quyền không thích đối thủ Hà Nội FC nhưng có nhiều cách để thể hiện điều ấy còn mạnh mẽ hơn là dùng những thanh pháo sáng vô tri, có thể khiến người xung quanh gặp nguy hiểm. Câu chuyện một CĐV Hải Phòng từng gặp nạn vì pháo sáng, bị dị tật suốt đời ở gương mặt đã và đang được nhắc tới như hậu quả đau lòng.

70 triệu đồng là án phạt cao nhất mà BTC giải đưa ra liên quan đến hành vi đốt pháo sáng nhưng là dành cho các CLB chứ không phải CĐV. Trong mọi án phạt của VPF, bạn sẽ chẳng tìm ra cá nhân nào bị nêu tên đâu, chỉ có đội bóng bị bêu riếu mà thôi. Đội tuyển quốc gia và VFF cũng đã từng chịu cảnh như thế.

CLB đang chịu hình phạt thay những người nhân danh tình yêu đội bóng mà quên đi mình vừa khiến hình ảnh, tài chính của CLB bị ảnh hưởng. Đấy có phải tình yêu hay không? Có ai nhẫn tâm đến mức khiến người yêu thương chịu điều tiếng, phán xét và hình phạt vì những điều không phải do mình gây ra hay không?

Không có pháo sáng, cổ động viên Hải Phòng vẫn cổ vũ cực cuồng nhiệt, đẹp mắt khi cùng nhau hát vang "Bến cảng quê hương tôi". Hình ảnh này là sự đối lập đẹp đẽ hơn nhiều những quả pháo sáng. Thực hiện: Nguyễn Mạnh Quân.

Ý kiến người hâm mộ

Tài khoản facebook Đoàn Linh: "Vẫn biết là truyền thống nhưng làm vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của các cầu thủ, hơn hết có khi CLB còn bị phạt thi đấu trên sân không CĐV".

Tài khoản facebook Khanh Duy: "Cơ động Hà Nội không khám người CĐV Hải Phòng như những nơi khác. Ví dụ, Nam Định có cả công an nam, nữ để khám, như Quảng Ninh cũng khám qua mất chốt. Chẳng đâu như Hàng Đẫy. Cứ bao giờ Hà Nội gặp Hải Phòng là kiểu gì cũng có pháo sáng, hàng năm trôi qua mà khâu an ninh vẫn thế… Trách CĐV Hải Phòng 5 thì cũng phải trách an ninh lỏng lẻo 5…".

Tài khoản facebook Hoàng Oanh: Nhiệt? Bao nhiêu đội khác CĐV không dùng pháo sáng nhưng vẫn thể hiện được sự cuồng nhiệt mà còn làm cho người ta nể phục. Nhiệt sao cho người ta phải ngước nhìn noi theo, chứ không phải nhiệt theo kiểu bạo động làm sai còn cãi cùn không lý lẽ".

Tổng cục Thể dục Thể thao đã chỉ đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam - VFF làm rõ những cá nhân, tổ chức để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng đỏ rực SVĐ Hàng Đẫy trong trận đấu giữa Hà Nội FC và Hải Phòng.

Án phạt dự kiến sẽ có vào ngày mai (23/4) nhưng xét cho cùng, biện pháp ngăn ngừa tình trạng trên không nằm ở độ lớn của số tiền mà ở những biện pháp ngăn chặn trước mỗi trận đấu.