Năm 2000 vẫn được coi là dấu mốc lớn của bóng đá Việt Nam. Khi nhân loại bước sang thiên niên kỷ mới cũng là thời điểm những người làm bóng đá dũng cảm nghĩ tới hai chữ "chuyên nghiệp". Các CLB là gốc rễ tạo nên các giải vô địch quốc gia vững bền và làm chân đế cho các đội tuyển vững mạnh.
Lý thuyết luôn xanh tươi còn thực tế đôi khi chỉ có màu úa tàn. Gần 20 năm qua, bóng đá Việt Nam được đánh giá phát triển chậm hơn so với khả năng, bị người Thái vượt mặt. Thỉnh thoảng, một vài vụ bán độ được phanh phui, những pha bóng xấu xí xuất hiện, những thất bại của các đội tuyển nam quốc gia khiến người hâm mộ như rơi vào cơn "tăng xông" và khiến niềm tin chạm đáy. Đúng lúc ấy, cánh cổng bình minh xuất hiện.
Thuật ngữ ấy, sớm thôi, sẽ trở thành cách gọi cho thế hệ 1995 – 1997. Với những chàng trai sinh ra trong khoảng thời gian này, bóng đá Việt Nam đã thay da đổi thịt và trở thành ngọn núi lừng lững ở Đông Nam Á. Bước tới đỉnh cao, chưa khi nào tầm vóc châu lục và thế giới gần gũi đến thế với người Việt Nam.
Sức trẻ luôn đem lại hy vọng. Cùng với tài năng, bóng đá giúp dân tộc được đi qua những cơn sốt. Đó là cơn say U19 Việt Nam với lứa Công Phượng được bao phủ bằng tài năng, kỹ thuật làm mãn nhãn người hâm mộ. Đó là sự trầm trồ với lứa Quang Hải chinh phục thành công giấc mơ World Cup dành cho độ tuổi U20 cách đây hai năm.
Một năm sau, hai lứa cầu thủ ấy kết hợp với nhau ở đội tuyển U23 dưới bàn tay của người Hàn Quốc Park Hang-seo, như sữa và cà phê hoà quyện tạo nên một ly nâu đá thơm lành, làm nên cơn địa chấn trên đất Trung Quốc với trận chung kết châu lục đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Ba cột mốc ấy là đỉnh cao và tạo nên sự thăng hoa tột bậc, đi thẳng tới những thành công sau này ở ASIAD, AFF Cup hay Asian Cup. Thế hệ này kết hợp với những cái tên tốt nhất ở các thế hệ trước tạo nên dàn tinh binh vô tiền khoáng hậu. Từ lứa Hồng Sơn đến Công Vinh, cứ 10 năm một lần, "thế hệ vàng" trong bóng đá lại xuất hiện ở dải đất hình chữ S nhưng những gương mặt hiện tại mới khiến sự si mê đạt đến cao trào.
Những gương mặt non trẻ, ngây thơ thuở nào nay trở thành người của công chúng với hàng trăm nghìn lượt theo dõi trên mạng xã hội, được săn đón ở nhà ga, sân bay. Đời sống bóng đá Việt Nam cũng từ đấy mà đổi thay, hấp dẫn hơn, được chú ý hơn và được yêu nhiều hơn.
Sự chuyên nghiệp của một nền bóng đá từng bị bỉ bôi sau mỗi vết nhơ nay có cơ hội được hiểu một cách tròn đầy. Nó không đến với một lộ trình cụ thể mà đến từ những sự kiện, những tài năng và có cả sự may mắn.
Thế hệ của Công Phượng, Quang Hải đã giúp bóng đá Việt Nam chinh phục những cột mốc, phá vỡ những cái dớp. Những chàng trai này cho người hâm mộ cảm giác của thăng hoa và sung sướng. Quan trọng hơn, đó là cảm giác của việc đặt niềm tin đúng chỗ về một thế hệ "sạch sẽ", kiếm tìm danh vọng, tiền tài bằng chính tài năng cá nhân.
Không ai có thể quên ký ức Bacolod tại SEA Games 2005 khi một loạt tuyển thủ U23 Việt Nam bán độ, trong đó có Văn Quyến, người từng được kỳ vọng trở thành cầu thủ xuất sắc nhất đầu thế kỷ XXI của bóng đá Việt Nam. Đấy là cú ngã điếng người của một tài năng, rồi trở thành nỗi đau của hàng triệu người hâm mộ. Tiền bạc làm loá mắt những người tham lam, đánh mất cả sự nghiệp đang thăng hoa phía trước. 9 năm sau, 9 cầu thủ Vissai Ninh Bình dính chàm ở đấu trường AFC Cup càng xoáy sâu hơn vào vết thương lòng của người yêu bóng đá nước nhà.
Quá khứ ấy không bao giờ được phép lặp lại. Câu chuyện của đàn anh là bài học cho thế hệ hiện tại. Danh vọng, tiền tài chỉ được tạo nên bền vững khi tấm lưng đổ mồi hôi cùng một trái tim không bao giờ nghĩ đến chuyện lừa dối. Thế hệ hiện tại làm được, thậm chí là làm tốt và mở ra cách tồn tại đúng đắn và chuẩn chỉnh dành cho những đồng nghiệp khác ở Việt Nam.
Không chỉ có tiền lương, khoản thưởng đều đặn hàng tháng, những cá nhân như Quang Hải đã bắt đầu biết kiếm tiền từ hợp đồng của các thương hiệu, các chiến dịch quảng cáo, các sự kiện chương trình. Thậm chí, những dòng trạng thái trên mạng xã hội Facebook, Instagram trông giản đơn cũng đem lại thu nhập.
Thế nhưng, không điều gì đến một cách ngẫu nhiên, nó phải được đánh đổi bằng hàng nghìn giờ tập luyện, hàng chục trận đấu với phong độ ổn định và có những khoảnh khắc bùng nổ giành vinh quang. Đấy là cả một sự chuẩn bị kỹ lưỡng các yếu tố để cải thiện bản thân, gò thân thể vào khuôn thép của kỷ luật thay vì đắm chìm trong những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Thành công sẽ đến sau khi mồ hôi rơi nhưng khi đã đạt được, đó sẽ là thành quả bền vững.
Sự định hướng và môi trường ở CLB định hình tính cách, lối sống cho chính những cầu thủ từ khi còn trẻ. Để rồi khi họ trưởng thành, họ sẽ mang đến thành công cho ĐTQG.
Không dừng lại ở đó, các cầu thủ tồn tại và gắn chặt với CLB hơn nhiều cuộc sống ở các đội tuyển quốc gia, thậm chí là cả gia đình. Sự định hướng và môi trường ở CLB vì thế cũng định hình tính cách, lối sống cho chính những cầu thủ từ khi còn trẻ. Những lò đào tạo của Hà Nội FC, HAGL, PVF, Viettel đang dẫn đầu trong câu chuyện này để tạo nên những sản phẩm kiểu mẫu cho nền bóng đá.
Nhìn vào đôi mắt những Quang Hải, Đình Trọng, Công Phượng, Tuấn Anh,... không một người hâm mộ nào nhận thấy sự lừa dối hay phản bội niềm tin. Ở đó, chỉ có những thứ như đam mê, cống hiến, chiến đấu đến cùng cho màu cờ sắc áo đang mang.
Những năm đầu thành lập với cái tên Hà Nội T&T, đội bóng của bầu Hiển khi ấy còn non trẻ, lạ lẫm nhưng vẫn biết cách gây chú ý. Chiến tích 3 năm thăng 3 hạng khiến CLB được chú ý nhiều hơn. Năm 2009 – năm đầu tiên CLB thi đấu ở V.League, họ cán đích ở vị trí thứ 4 chung cuộc sau cuộc nước rút ngoạn mục từ vị trí xuống hạng trong 10 vòng đấu cuối.
10 năm sau, Hà Nội T&T nay đã là Hà Nội FC. 10 năm ấy, họ là kẻ thống trị đích thực ở sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam. 10 năm, 5 chức vô địch V.League, 4 lần á quân và chỉ một lần đứng thứ 3. Thành tích ấy lớn đến chừng nào? Lớn đến chừng vượt qua cả Thể Công lừng lẫy của bóng đá Việt Nam thuở trước.
Thế nhưng, 10 năm qua không hề bằng phẳng. Hà Nội FC có mọi thứ nhưng vẫn đau đáu về công cuộc chinh phục trái tim khán giả. SVĐ Hàng Đẫy nay đã đông nhưng tầm 3 năm trước, khán đài ấy đâu có huyên náo, thậm chí là tẻ nhạt và đìu hiu.
Từ sở hữu con người, đến cách chơi, Hà Nội FC dần chiếm cảm tình của thêm nhiều người hâm mộ, chủ yếu là những người trẻ. Điều ấy phản ánh đúng với tuổi đời và truyền thống của CLB.
Kỳ tích ở VCK U23 châu Á 2018 đem lại nhiều giá trị tốt lành cho bóng đá Việt Nam và cho cả Hà Nội FC. Những Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Đức Huy, Văn Hậu… trở về từ Trung Quốc với dáng vóc của những người hùng. Những "thương hiệu" đang lên ấy kéo thêm khán giả tới SVĐ Hàng Đẫy. Hà Nội FC chấp nhận điều ấy, chấp nhận việc những CĐV đến theo dõi họ vì tình yêu với cầu thủ rồi mới đến thực thể lớn lao hơn là CLB, miễn sao sân Hàng Đẫy ngày càng đông, cuồng nhiệt và sôi động thêm nhiều phần.
Chưa hết, những cầu thủ ấy hầu như đều là người Hà Nội, kết hợp cùng với các đàn anh kỳ cựu như Thành Lương, Văn Quyết tạo nên một tập thể giàu bản sắc thủ đô. Họ còn là những con người hay bậc nhất trong thế hệ của mình, kết nối với nhau, cùng tạo nên một lối chơi hút mắt người xem. Chất riêng của Hà Nội FC từ đấy mà thành, khác biệt với phần lớn CLB ở V.League để tạo nên một "đế chế" thống trị giải đấu trong thời gian qua.
Tình yêu CLB phải được nuôi dưỡng qua nhiều năm tháng, có khi qua 2, 3 thế hệ mới có thể thành hình một thứ mang tên "niềm tự hào". 10 năm nói ra rất nhanh nhưng phải đi qua mới thấy Hà Nội FC đã kiên trì ra sao, kiên định thế nào. Cùng với may mắn, họ dần có được thứ họ muốn là chỗ đứng trong tim và "niềm tự hào" của con người ở mảnh đất "nghìn năm văn hiến".
Với thế giới, thành công của nền bóng đá không thể chỉ thông qua thành tích của các đội tuyển quốc gia mà phải đến, chí ít, từ một giải vô địch quốc gia mạnh và hấp dẫn. Để có được điều ấy, các CLB là tế bào cấu thành, quy định dáng hình mạnh mẽ hay nhàm chán của giải đấu. Đồng thời, chính các CLB mới là thực thể nuôi dưỡng các thế hệ bóng đá, các cá nhân để cung cấp cho các đội tuyển quốc gia.
Gốc rễ của nền bóng đá phải nằm ở đấy. Sâu hơn là những lò đào tạo trẻ do chính các CLB quản lý và phát triển. Bề nổi thành công của các đội tuyển quốc gia sẽ không thể vững bền nếu thiếu đi tính kế thừa ở các thế hệ tiếp nối.
Để làm được điều đó, đội bóng cần một nền tài chính vững mạnh từ ông chủ, từ quảng cáo, tài trợ và từ chính những CĐV - tài nguyên vẫn đang bị bỏ hoang chưa khai phá hết tiềm năng.
Thực tế cho thấy, Hà Nội FC là CLB duy nhất ở thời điểm này hội tụ nhiều yếu tố nhất để trở thành một CLB kiểu mẫu của nền bóng đá. Họ có tài chính ổn định, những cầu thủ trong thế hệ "Rồng vàng" và tận dụng được yếu tố ấy để lôi kéo thêm những khán giả.
Những chuyến xe đưa cầu thủ về các ngôi trường gỡ gỡ và giao lưu với học sinh, những đợt tình nguyện đưa cái tên Hà Nội FC len lỏi vào sâu hơn trong từng ngõ nhỏ ở thủ đô,… Sứ mệnh của CLB với thành phố họ đứng tên phải thông qua những hoạt động truyền cảm hứng như thế để trở thành một phần của địa phương và dần dần biến thành một biểu tượng. SLNA, HAGL có truyền thống, có CĐV nhưng tài chính thiếu ổn định, thành tích thiếu sức bật là nguyên nhân chính khiến họ thụt lùi so với sự thay đổi chóng mặt của Hà Nội FC.
Với thế hệ Quang Hải, bóng đá Việt Nam đang đi trên một con đường với nhiều thời cơ để phát triển, đi từ một thứ chuyên nghiệp lỡ cỡ lên chuyên nghiệp thực thụ. Trong đó, các CLB là đối tượng quan trọng nhất. Họ cần nắm lấy cơ hội này như Hà Nội FC để cùng nhau thay đổi diện mạo nền bóng đá.
Bạn nên quan tâm