"Tết năm nay là Tết vui nhất anh em mình từng có", thủ môn Bùi Tiến Dũng nói trong dịp Tết Mậu Tuất 2019, sau ngày trở về từ chiến tích huy hoàng ở VCK U23 châu Á tại Thường Châu.
Những ngày năm ấy, khách không hiểu ở đâu cứ ùn ùn kéo về xã Phúc Thịnh, nhà Dũng. Một chút thời gian rảnh rỗi là điều xa xỉ. Anh hết đón đoàn khách này lại tiếp đoàn khách khác. Nhưng vui. Bởi Dũng làm điều đó với tư cách người hùng, thủ môn quốc dân, là chàng trai vạn người mê, triệu người kính ngưỡng.
Vào lúc ấy, dù chỉ là một ý nghĩ thoáng qua, Dũng không thể tưởng tượng ra, rồi một ngày cũng trở về từ giải đấu đó, anh chuẩn bị đón cái Tết buồn nhất cuộc đời.
Bùi Tiến Dũng đón Tết Mậu Tuất 2019 tại gia đình.
Là một thủ môn, dĩ nhiên Dũng hiểu được sự khắc nghiệt của cái nghiệp này. Đứng trong khung gỗ, người thủ môn phải chiến đấu với sự tập trung, nỗ lực gấp đôi người khác. Và trong một thời đại mà mọi hành động đều được ghi lại, phân tích, mổ xẻ trên truyền thông, mạng xã hội, chỉ cần một sai lầm, anh ta sẽ phải trả giá đắt. Không chỉ là thất bại cho đội nhà, mà còn là cơn bão chế giễu, thóa mạ, chỉ trích.
Nghiệp thủ môn đầy bạc bẽo và cay đắng. Nhưng Dũng không bao giờ nghĩ rằng số phận lại nghiệt ngã đến vậy, khi dìm anh xuống đúng cái nơi anh được sinh ra. VCK U23 đưa cái tên Bùi Tiếng Dũng ra công chúng, đẩy anh lên tột đỉnh vinh quanh mà nhiều người khác chỉ có thể mơ ước. Nhưng cũng chính VCK U23 lại quật ngã Dũng, biến anh thành tội đồ, thành kẻ thất bại thảm hại.
Nói một cách công bằng, đây không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên. Bởi không chỉ tại Thái Lan, Dũng đã rất tệ trong suốt 2 năm qua. Những sai lầm của anh trải dài từ Thanh Hóa đến Hà Nội, kéo sang màu áo đội tuyển, tại SEA Games 30 và bây giờ là VCK U23 châu Á.
Không chỉ tại VCK U23 châu Á tại Thái Lan, Dũng đã rất tệ trong suốt 2 năm qua.
Như đã nói, thủ môn không bao giờ tránh khỏi sai lầm, kể cả những tượng đài thế giới cỡ Iker Casillas hay Gianluigi Buffon. Nhưng yếu tố làm nên một thủ môn xuất sắc là khả năng phục hồi, tự tin đứng dậy sau khi vấp ngã. Và trước hết, họ phải đối diện với sai lầm.
Tiến Dũng có đầy đủ các phẩm chất cần có để trở thành một người gác đền vững chắc. Anh cũng có đủ sự mạnh mẽ và tự tin. Nhưng có vẻ như Dũng không nhận thức đẩy đủ về các lỗi lầm của mình. Như tại SEA Games 30, Dũng đăng status trên mạng xã hội rằng "tôi sai đã có các bạn sửa". Còn bây giờ, sau pha phán đoán sai cú đá phạt của Triều Tiên, mở ra thất bại cho U23 Việt Nam, anh cũng không đề cập đến "sai lầm". Đơn giản là sự "đau khổ, dằn vặt" vì "chúng tôi đã thất bại".
Sẽ thất tệ nếu một người đắm chìm trong sai lầm. Nhưng trước khi bước qua, cần thẳng thắn thừa nhận đó là một lỗi không-thể-tha-thứ và không-nên-lặp-lại trong tương lai. Anh ta phải biết mình đã sai ở đâu, nó nằm ở khả năng giữ tập trung, lỗi phán đoán hay đánh giá tình huống. Đồng thời hiểu rằng tuổi trẻ chưa phải lúc để hưởng thụ, mà là thời gian cho sự chăm chỉ để hoàn thiện mình.
Biểu cảm thất vọng của Tiến Dũng khi bước vào khu cabin huấn luyện sau trận thua Triều Tiên.
Vì Dũng lờ nó đi, giả vờ rằng nó không tồn tại nên nó quay trở lại, một lần, và một lần nữa để tiếp tục ám ảnh anh. Dũng nên cảm thấy may mắn khi sau vô số sai sót vẫn nhận được sự tin yêu của đồng đội và HLV. Nhưng anh chỉ mang đến nỗi thất vọng hết lần này đến lần khác.
Niềm tin không phải thứ được ban phát một cách hào phóng. Cũng như người hâm mộ không thể yêu và bảo vệ anh mãi mãi.
Tết này chắc chắn sẽ rất buồn với Dũng. "Mùi khói bếp nhà mình, các món ăn chỉ mẹ mới nấu", những hương vị Tết như anh từng tâm sự có lẽ không còn như Tết năm xưa. Nhưng cuộc sống mà. Anh phải chấp nhận và tự tìm cách đứng lên.
Bạn nên quan tâm