Chiều 27/7, SLNA đã gửi văn bản tới Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) với nội dung đề nghị cho kết thúc sớm V.League 2020.
Trong văn bản gửi VFF và VPF, SLNA nhấn mạnh hai đề xuất. Thứ nhất, SLNA đề nghị kết thúc V.League 2020 tại vòng 11, trao chức vô địch cho đội đầu bảng Sài Gòn FC. Thứ hai, SLNA đề nghị không có suất xuống hạng. Thay vào đó, hai đội có thứ hạng cao nhất tại Giải hạng Nhất QG sẽ lên chơi V.League 2021. Mùa giải sang năm sẽ có 16 CLB tham dự thay vì 14 như hiện tại.
SLNA (áo vàng) đang chạy đua tránh xuống hạng. Ảnh: Hiếu Lương.
Trước SLNA, chủ tịch Nguyễn Húp của CLB Quảng Nam là người đầu tiên đứng lên đề nghị hủy kết quả V.League 2020, quan trọng nhất là không có đội xuống hạng. Ông Húp tích cực trả lời báo chí về vấn đề này ngay từ đợt hoãn giải đầu tiên và đến lần này, lại có dịp nhắc lại.
Điểm đáng chú của hai CLB này là họ đều nằm trong nhóm xuống hạng, tức top 6 đội cuối bảng. SLNA đứng hạng 11, Quảng Nam đứng chót. Đề xuất không có đội xuống hạng được xem là cách để CLB bảo vệ vị trí trong bối cảnh hiện tại.
Thế nhưng, không chỉ có SLNA, Quảng Nam, nhiều CLB khác tại V.League cũng đang rục rịch đánh tiếng xin huỷ kết quả mùa giải hoặc kết thúc sớm mà không có đội xuống hạng. Những ngày tới, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Hải Phòng, thậm chí Than Quảng Ninh, một đội đang trong cuộc đua vô địch, được cho sẽ có động thái về vấn đề này.
Ngoài vấn đề quyền lợi, lý do các CLB đưa ra cũng nên được lưu tâm. Phía SLNA cho hay: "Sau khi giai đoạn 1 kết thúc, các CLB muốn thay đổi cầu thủ ngoại nhưng các cầu thủ này không thể nhập cảnh Việt Nam. Điều này trái với Điều lệ của giải đấu về việc thay đổi bổ sung cầu thủ, ảnh hưởng đến chất lượng giải đấu.
Nếu giải tiếp tục diễn ra, chắc chắn sẽ không đảm bảo về việc chống dịch Covid-19, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các CLB, ảnh hưởng tâm lý cầu thủ, sự lo sợ của BTC trận đấu và khán giả".
Chủ tịch Nguyễn Húp đang tích cực kêu gọi huỷ kết quả mùa giải 2020 và không có đội xuống hạng. Ảnh: VFF.
Theo kế hoạch, U22 Việt Nam có đợt tập trung ngắn hạn tiếp theo từ ngày 1-4/8. Tuy nhiên, với ảnh hưởng của dịch Covid-19, VFF chưa đảm bảo chắc chắn kế hoạch trên được diễn ra.
Chiều 27/7, VFF cùng HLV Park Hang-seo đã có cuộc họp về vấn đề này nhưng chưa đưa ra thông tin cụ thể. Trường hợp xấu nhất xảy ra, U22 Việt Nam có thể mất đợt tập trung lần này.
Những đợt tập trung tiếp theo vào tháng 9 và 10 cũng có thể bị ảnh hưởng khi lịch thi đấu V.League bị dồn toa. Tuy nhiên, một điểm quan trọng là HLV Park Hang-seo thường triệu tập những cầu thủ ít được thi đấu ở CLB tại V.League hoặc Giải hạng Nhất, điều này có thể thuyết phục được các CLB nhả quân.
U22 Việt Nam dự kiến có 1 đợt tập trung ngắn hạn vào đầu tháng 8. Ảnh: Hiếu Lương.
V.League 2020 dự kiến kết thúc vào ngày 31/10 năm nay. Khoảng thời gian đó được đánh giá là vừa đủ để các đội tuyển quốc gia có thể tập trung. VFF và VPF kỳ vọng dịch bệnh sẽ được kiểm soát muộn nhất là tới cuối tháng 8. Đó cũng là khoảng thời gian vừa đủ cho V.League kết thúc với 2 trận còn lại ở giai đoạn 1 và tối đa 7 vòng đấu trong giai đoạn 2.
Trong chiều 26/7, VPF cũng đã trình phương án thay đổi lịch thi đấu Cúp quốc gia 2020 lên VFF chờ phê duyệt. Nếu được thông qua, tứ kết Cúp quốc gia 2020 sẽ khởi tranh ngay trong cuối tuần này, khoả lấp vào chỗ trống mà V.League để lại.
Với tình cảnh hiện tại, Đà Nẵng là tâm dịch, đang thực hiện giãn cách xã hội. Việc tổ chức Cúp quốc gia sớm hơn dự kiến được xem là nước đi hợp lý. Nó có thể là lời giải cho xu hướng xin huỷ/kết thúc giải sớm từ nhiều đội bóng trong thời điểm này.