Đời sống người dân được nâng cao, tài chính cá nhân được cải thiện, người Việt Nam đang dần có điều kiện chăm sóc bản thân nhiều hơn. Các phòng gym nở rộ và trở thành hình thức kinh doanh phổ biến.
Bên cạnh lựa chọn mở một phòng gym bài bản, việc đầu tư vào phòng tập võ thuật cũng là lựa chọn đáng cân nhắc với nhiều ưu điểm sau đây.
Ở các nước phát triển, không khó để tìm thấy một phòng tập Boxing, Nhu Thuật ở bất cứ thành phố nào. Nhiều thị trấn xa trung tâm cũng có phong trào tập luyện võ thuật rất sôi nổi. Đặc biệt trong văn hóa Âu – Mỹ, Boxing được xem như một môn thể thao đại chúng. Trong khi người Việt Nam vẫn đang đặt các môn võ thuật sang một phạm trù khác và xem việc tập luyện võ thuật là một điều khá đặc biệt, với người phương Tây Boxing cũng phổ biến như chạy bộ, bóng đá…
Võ thuật tại Việt Nam chưa thực sự phổ biến như vậy, nhưng đã có nhiều thay đổi trong thời gian gần đây. Số người biết đến, yêu thích và muốn tập luyện ngày càng nhiều hơn. Đó là lượng khách hàng tiềm năng to lớn cho mô hình kinh doanh phòng tập võ thuật.
Thực tế, đầu tư vào võ thuật có thể "ngốn" hàng núi tiền nếu như bạn muốn đẩy lên đẳng cấp chuyên nghiệp. Tuy vậy, đầu tư vào tầng lớp tập luyện phong trào lại không đáng kể. Vật tư cho phòng tập võ nhìn chung không đa dạng và tốn kém như đầu tư phòng tập gym.
Để dễ hiểu, nên nhớ rằng có những đội nhóm tập Boxing "underground" đã tồn tại ở TP.HCM và Hà Nội hàng chục năm qua chỉ với một mảnh sân bê tông, 2 cặp găng với tổng trị giá chưa tới 500 nghìn đồng và những con người đam mê.
Việc đầu tư một phòng tập dĩ nhiên cần nhiều hơn, nhưng cơ bản vẫn chỉ xoay quanh những hạng mục đơn giản như bao cát, găng tay... những thứ vốn rẻ hơn rất nhiều so với những bộ máy tập có giá trị lên đến hàng chục, thậm chí cả hàng trăm triệu đồng.
Mặt khác, đầu tư vào phòng gym đòi hỏi sự canh tranh lớn từ rất nhiều đối thủ sẵn có. Bạn phải có sự đầu tư vượt trội về chất lượng dụng cụ, không gian, chất lượng HLV, khả năng cung cấp nhu yếu phẩm (thực phẩm chức năng, các loại thuốc…), nhưng hiện nay đầu tư phòng tập võ sẽ ít vấp phải sự cạnh tranh như thế.
Thực tế, khái niệm "gym" ở các nước Âu Mỹ gần như đã bao hàm luôn các môn võ thuật phổ biến như Boxing, Kickboxing, Muay Thái…
Nếu bạn đang có ý định (và sẵn điều kiện) đầu tư một phòng gym, việc bổ sung võ thuật vào dự án đó là hoàn toàn có thể. Như vậy, bạn sẽ sở hữu mô hình kinh doanh của hai nội dung tập luyện khác nhau và đều là những bộ môn "thời thượng", tạo lợi thế kinh doanh.
Cách đây 15 năm, một người có kiến thức tự học cơ bản về gym đã có thể làm HLV. Nhưng thực tế, mặt bằng chung của thị trường đang đòi hỏi những người HLV thể hình ngày càng chất lượng hơn, đòi hỏi nhiều sự đầu tư về bằng cấp lẫn học vấn hơn. Muốn thắng thế cạnh tranh giữa bối cảnh "nhà nhà mở gym", bạn cần một người HLV rất giỏi.
Nhưng võ thuật thì khác. Ở mặt bằng tập luyện phong trào, sự cạnh tranh của HLV là không nhiều. Khác với tầng lớp tập luyện để thi đấu chuyên nghiệp – nơi người HLV quyết định phần lớn sự thành bại thì ở mặt bằng phong trào, bạn không cần đòi hỏi một HLV có trình độ quá cao. Điển hình với Boxing, đây là bộ môn có khối lượng khiến thức cơ bản rất ít nếu so sánh với nhiều môn thể thao khác.
Đặc biệt, võ thuật còn là một loại hình cardio hoàn toàn thú vị nếu so với những buổi tập chạy, nhảy cóc hay đạp xe. Bên cạnh đó, người tập cũng sẽ hứng thú hơn khi biết rằng những gì họ tập có thể sẽ giúp họ bảo vệ bản thân tốt hơn trong tương lai.