Trong bóng đá, sân nhà là một lợi thế. Này nhé, các cầu thủ đương nhiên chơi hay hơn, tự tin hơn ở một môi trường quen thuộc, đồng thời nhận được sự cổ vũ cường nhiệt từ những người ủng hộ họ. Bên cạnh đó, tiếng ồn từ khán đài còn làm chệch hướng các quyết định của trọng tài và hủy diệt ý chí của đối thủ.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, sân nhà lại trở thành tử huyệt. Tuyển Việt Nam và sân vận động quốc gia Mỹ Đình là một ví dụ điển hình.
Thống kê chỉ ra rằng, "Những ngôi sao Vàng" chưa từng thắng trong cả 6 trận knock-out trên sân nhà. Có những trận cảm giác chúng ta tuyệt đối sẽ giành chiến thắng, như trận bán kết lượt về với Malaysia ở AFF Cup 2014, vậy mà bằng cách nào đó, lại thua tan nát 1-4.
Vậy đâu là lý do?
Rất nhiều lần Mỹ Đình là nơi chứng kiến nỗi đau của đội tuyển Việt Nam.
Chúng ta biết rằng vì sân nhà là một lợi thế, đồng nghĩa với mức độ kỳ vọng tăng cao. Thay vì ý nghĩ "cố gắng không để thua", người ta có xu hướng "buộc phải thắng". Thậm chí, "nếu không giành chiến thắng sẽ là sự xấu hổ thực sự".
Một khi ý chí bị lái theo hướng này, các cầu thủ, nếu không có tâm lý vững vàng, bỗng nhiên cảm thấy áp lực đè nặng. Họ không thể chơi theo cách mà họ vẫn chơi, bị gò ép tấn công và trở nên nóng vội trong các pha xử lý cuối cùng. Mong muốn làm hài lòng đám đông, sợ hãi đối mặt với cơn thịnh nộ từ chính CĐV nhà đã giết chết họ.
Hãy nhớ lại cách đây 6 ngày ở Bukit Jalil, Malaysia cầm bóng tới 63,2%, tung ra hàng loạt cú sút nhưng chỉ chính xác 8,7% và bất lực để ghi bàn dù chỉ một lần.
Câu chuyện tương tự xảy ra với Thái Lan đêm thứ Ba trong trận lượt về. Họ lẽ ra phải ghi nhiều hơn 2 bàn thắng từ hàng tá cơ hội tạo ra. Và trong phút 90+6, áp lực quá lớn từ 46.000 khán giả tại Rajamangala đã khiến Adisak Kraisorn sút hỏng quả phạt đền.
Thái Lan vừa gục ngã ngay trên sân nhà, sau cú sút phạt đền hỏng ăn của Adisak Kraisorn.
Tuyển Việt Nam cũng không khác gì. Và để vấn đề trở nên tồi tệ hơn, họ đánh mất niềm tin ở Mỹ Đình khi nhìn lại thống kê đáng buồn ở đây. Nó không là chỗ dựa tinh thần, mà trở thành nơi mang tới vận xui. Khi sự tự tin nhường chỗ cho nỗi sợ hãi, thảm họa rất dễ xảy ra.
Có thể liên tưởng tới tình trạng ở MU hiện tại. Thời gian trở lại đây, Old Trafford không còn là nơi trú ẩn an toàn của Quỷ đỏ. Khi các kết quả xấu tại đây ngày một nhiều lên (chỉ thắng 36% số trận kể từ đầu mùa 2018/19), các cầu thủ của Jose Mourinho luôn ra sân với tâm lý lo lắng để rồi chơi ngày một kém cỏi hơn.
Đó là lý do cách đây không lâu, HLV người Bồ Đào Nha thừa nhận đội bóng của ông bị áp lực sân nhà và tức giận nói với các học trò, "ai sợ cứ việc ngồi nhà xem TV". Các ngôi sao đẳng cấp thế giới còn bị tâm lý, nói gì đến những cầu thủ ở vùng trũng Đông Nam Á.
Tuyển Việt Nam bây giờ đã khác, không còn bị cản trở bởi yếu tố tâm lý.
Vậy câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để chấm dứt "nỗi sợ hãi sân nhà"? Thật may là chúng ta đang có HLV Park Hang-seo, một bậc thầy tâm lý.
Chiến lược gia người Hàn Quốc đã làm rất nhiều để thay đổi suy nghĩ của các cầu thủ Việt, giúp họ đối phó với áp lực và có cách tiếp cận tích cực trong mọi hoàn cảnh. Ông cũng rất giỏi tạo động lực, qua đó làm tăng Testosterone, loại hoóc môn giúp xây dựng cơ bắp và thúc đẩy ham muốn, ở các học trò, khiến họ trở nên mạnh mẽ hơn.
Kết quả là từ đầu năm 2018 tới nay, các đội U23, Olympic hay ĐTQG, luôn chơi sòng phẳng và làm nên vô số kỳ tích trước các đối thủ lớn. Họ chắc chắn cũng có thể xử lý khối sức ép ở sân vận động quốc gia, qua đó chấm dứt vận đen.
Đêm nay, Mỹ Đình sẽ thực sự là sân nhà. Và trở thành nơi chắp cánh cho những ước mơ.