Sau khi mùa giải VBA 2020 khép lại, BTC giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng bắt tay vào công cuộc chuẩn bị cho mùa giải mới, với rất nhiều sự thay đổi lớn trong cách vận hành. Trong đó, sự thay đổi trong cách thức tuyển chọn cầu thủ của kỳ VBA Draft chính là một trong những phát súng đầu tiên của mùa giải 2021.
Theo thông tin đã được đăng tải trước đó, khác với những kỳ lựa chọn cầu thủ như mọi năm, VBA Draft 2021 sẽ chỉ dành cho các cầu thủ Rookie (Tân binh), tức là những cầu thủ chưa từng góp mặt ở bất kỳ mùa giải nào trước đó.
Bên cạnh đó, tất cả những cầu thủ không thuộc diện Rookie sẽ không được rơi vào danh sách Draft Pool. Sự thay đổi này nhằm mục đích tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ được xuất hiện ở giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam, cũng như giúp họ có sự cạnh tranh nhất định với các bậc đàn anh nhiều kinh nghiệm đi trước.
Những cầu thủ đã từng góp mặt ít nhất một mùa giải ở VBA nhưng không được 7 đội bóng bảo vệ sẽ rơi vào nhóm "cầu thủ tự do" và được phép đầu quân vào bất kỳ CLB nào nếu giữa hai bên đạt được thỏa thuận hợp đồng.
Đây là một sự thay đổi mang tính bước ngoặc của VBA, khi mang tính chất của kỳ tuyển chọn cầu thủ trở về bản chất vốn có là chỉ dành cho các cầu thủ tân binh. Đây cũng chính là hệ thống đã được NBA áp dụng một cách thành công, cũng như được giải đấu PBA (Giải bóng rổ Philippines) học tập.
Mặc dù đây là một ý tưởng đáng ghi nhận và hướng đến việc phát triển cũng như tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ. Thế nhưng, với tính chất khác biệt giữa 2 nền bóng rổ Việt Nam và Mỹ, liệu đây có phải là thời điểm đúng đắn để thay đổi?
Đầu tiên, phải nói đến vấn đề tiền lương. Ở NBA, mức lương trần của mỗi cầu thủ tân binh luôn được công khai trước mỗi kỳ tuyển chọn với những con số giảm dần theo vị trí mà các cầu thủ được draft.
Những cầu thủ top đầu có thể mang về đến hàng triệu USD mỗi năm, trong khi con số thấp nhất cho vị trí lựa chọn thứ 60 cũng giúp một tân binh kiếm về 1,9 triệu USD. Đây là những con số cao hơn hẳn thu nhập trung bình của một người dân Mỹ và cũng là điều kiện để những tài năng trẻ tập trung hết sức mình vào việc phát triển sự nghiệp bóng rổ.
Ở đất nước Việt Nam, để một cầu thủ tân binh với đa phần là những người thuộc lứa tuổi U18 tham gia VBA là một điều không hề dễ dàng. Họ sẽ phải gác lại con đường học tập để tham gia vào một giải đấu chỉ diễn ra trong vòng 4 tháng và không có gì đảm bảo về việc các đội bóng sẽ giữ họ để tiếp tục đào tạo khi mùa giải khép lại.
Mức lương của các cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp cũng không phải là cao, thậm chí đã có không ít trường hợp phải giải nghệ sớm hay nói lời chia tay với sự nghiệp đỉnh cao bởi bài toán "cơm, áo, gạo, tiền". Một cầu thủ trẻ sẽ rất khó để mang về một mức thu nhập ổn định, nhất là khi đứng giữa một ngã rẽ quan trọng đối với tương lai của chính mình.
Chưa kể đến, yếu tố địa phương sẽ là một rào cản cho bất kỳ sự hợp tác nào giữa các đội bóng VBA và các cầu thủ trẻ, khi họ rất khó để thuyết phục một cầu thủ tuổi 18 thi đấu xa nhà mà không có gì đảm bảo cho tương lai. Họ sẽ phải đảm bảo chỗ ăn ở, tập luyện và thi đấu cho chính cầu thủ đó, với những mức chi phí đội lên rất nhiều so với việc tận dụng những tài năng sẵn có ở đại phương.
Nhìn lại quá khứ của những kỳ VBA Draft về trước, chuyện những cầu thủ thi đấu lâu năm tại VBA từ chối thi đấu xa nhà là điều không hề hiếm và rõ ràng với những cầu thủ trẻ, chưa có kinh nghiệm sống cũng như nguồn thu ổn định, quyết định này phần nào sẽ trở thành một bài toán hóc búa dành cho giải đấu cũng như riêng cá nhân từng cầu thủ.
Sẽ là vô cùng khập khiễng khi mang tiền lương và mức sống của 2 nền bóng rổ với sự phát triển "một trời, một vực" ra để so sánh ở thời điểm hiện tại. Để các cầu thủ có thể tự đứng vững trên chính thu nhập của nghề sẽ là một quá trình dài và không dễ để thay đổi với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Vấn đề thứ hai nằm ở việc cung cấp lực lượng kế cận cho giải đấu hàng năm. Các CLB ở NBA không có một hệ thống đào tạo và phát triển cầu thủ trẻ như những quốc gia khác thường làm. Bên cạnh đó, họ tích cực phát triển thể thao học đường và chính hệ thống giải đấu học sinh - sinh viên mang tầm cỡ quốc tế như NCAA là cái nôi nuôi dưỡng cho rất nhiều tài năng tương lai của đấu trường NBA.
Mỗi năm, có hàng trăm cầu thủ xuất thân từ NCAA sẽ có cơ hội bước lên vũ đài chuyên nghiệp, mang theo rất nhiều giấc mơ về sự nổi tiếng, tiền bạc và danh vọng. Thậm chí, họ còn phải cạnh tranh khốc liệt với những sao mai đầy tiềm năng đến từ các quốc gia bên ngoài nước Mỹ.
Có thể nói, với 60 suất lựa chọn cho mỗi kỳ NBA Draft, giải đấu danh giá nhất thế giới không thiếu nguồn cung cầu thủ chất lượng cho mỗi đợt tuyển quân. Thậm chí, một số cái tên nổi bật đã ngay lập tức tỏa sáng trong mùa giải tân binh và để lại những dấu ấn vô cùng rõ nét.
Nhìn lại bóng rổ Việt Nam, đó sẽ là một bài toán khó giải cho các CLB tham dự VBA muốn lựa chọn những tài năng tốt nhất về đội hình. Hệ thống các giải đấu học sinh, sinh viên không mang tính chất liên tục như NCAA. Thậm chí, số lượng các giải đấu phong trào có chất lượng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay xuyên suốt mọi miền đất nước.
Bên cạnh đó, đa phần các giải đấu này đều mang tính chất loại trực tiếp, đồng nghĩa với việc có nhiều cầu thủ mất hàng tháng trời tập luyện và bị loại chỉ sau 1 trận duy nhất. Chính điều này khiến những cầu thủ trẻ rất khó khăn trong việc tìm ra sân chơi để cọ xát và nâng cao trình độ.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo về kỹ năng, chiến thuật vẫn chỉ nằm ở mức cơ bản chứ không có một lực lượng HLV chuyên nghiệp đảm nhận. Có rất ít trường học hay các CLB địa phương đủ sức thiết lập cả một đội ngũ hỗ trợ cho các cầu thủ trẻ, khiến cho việc phát triển và ươm mầm những tài năng tương lai gặp nhiều khó khăn.
Về mặt chất lượng cầu thủ góp mặt trong kỳ VBA Draft, BTC giải đấu cũng đã tính trước những trường hợp loại bỏ các cầu thủ không đủ tiêu chuẩn, bao gồm cả vòng kiểm tra sơ yếu lý lịch cũng như phải thể hiện được bản thân tại mini camp (trại huấn luyện) trước con mắt của các tuyển trạch viên của 7 đội bóng.
Bên cạnh bóng rổ học đường, ở Việt Nam hiện tại có rất nhiều lò đào tạo cầu thủ danh tiếng ra đời và góp mặt suốt chiều dài đất nước. Có thể kể đến những lò đào tạo của các đội bóng tham gia thi đấu VBA, SSA (Saigon Heat), Next Level (Stefen Nguyễn Tuấn Tú) ở TP.HCM, Binh chủng PKKQ, ASA và các CLB không chuyên ở Hà Nội, Hậu Giang, Sóc Trăng ở miền Tây hay những khu vực đào tạo trẻ ở thành phố Đà Nẵng.
Đội trẻ Thang Long Warriors, học viện SSA hay Next Level là những cái tên nổi bật trong công cuộc đào tạo cầu thủ trẻ cho bóng rổ Việt Nam. Ảnh: Fanpage đội bóng
Tuy nhiên, các CLB kể trên đa phần chỉ mới trải qua thời gian hoạt động không lâu, đồng thời số lượng các học viên tham dự vẫn còn rất hạn chế. Chính điều này cũng làm giảm tỉ lệ những tài năng nổi bật sẽ xuất hiện tại kỳ VBA Draft. Sẽ rất khó để NHM chứng kiến thêm những trường hợp đặc biệt xuất sắc như Tony Hoàng, Lê Quang (Saigon Heat) hay Đoàn Nhất Quang (Thang Long Warriors) ... trong tương lai không xa.
Không thể phủ nhận những đóng góp mà những lò đào tạo kể trên mang lại cho bóng rổ Việt Nam trong thời gian vừa qua. Thế nhưng, với sự non trẻ của bóng rổ tại mảnh đất hình chữ S, họ sẽ cần thêm thời gian để hoàn thiện công tác đào tạo, cũng như mở rộng mô hình đến với nhiều bạn trẻ hơn trong khu vực, đáp ứng nhu cầu bổ sung nhân lực của VBA trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, yếu tố truyền thông cũng là một điểm cần được ghi nhận. Ở những kỳ VBA Draft trước đó, sự xuất hiện của những Việt kiều có tên tuổi như Christian Juzang hay những nội binh có tiếng ở Việt Nam đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của NHM. Liệu họ sẽ còn háo hức với kỳ VBA Draft hay không, khi những gì mà họ biết về cầu thủ trẻ đó không gì khác ngoài một cái tên và gần như không để lại ấn tượng với cộng đồng trong khu vực.
Việc thay đổi tính chất của kỳ VBA Draft là một ý tưởng hay và mang tính đột phá cho sự phát triển của bóng rổ Việt Nam. Nhưng có lẽ 6 năm là chưa đủ và VBA, các CLB địa phương cũng như các giải bóng rổ học đường cần phải có một kế hoạch phát triển vững mạnh để đưa ý tưởng này thành công như cách mà NBA đã và đang thực hiện suốt nhiều năm qua.
Hy vọng với sự thay đổi đầy mới mẻ ở mùa giải năm nay, VBA sẽ đi sâu sát và tham gia tích cực hơn trong công việc phối hợp cùng các giải đấu học đường, các CLB và học viện địa phương để từ đó có thể tìm ra những ngôi sao mai trong cộng đồng bóng rổ Việt Nam.