Có rất nhiều dạng hâm mộ bóng đá. Có fan phong trào, fan chân chính, và fan cực đoan, coi bóng đá là cuộc sống. Những người cực đoan này được gọi là Ultrasras.
Thuật ngữ này được sử dụng đầu tiên bởi các nhà báo Italia, khi mô tả nhóm CĐV cuồng nhiệt thái quá trong những năm 1960. Và nó trở nên chính thức hơn khi Ultras Granata và Ultras Tito Tito Cucchiaroni ra đời ở Tornio và Sampdoria, tập hợp những người hâm mộ trung thành và cuồng tín.
Ở đây bạn cần phiên biệt giữa Ultra và Hooligan. Nếu như các Hooligan nổi tiếng hỗn tạp, vô tổ chức và say rượu thì các nhóm Ultra được biết đến với tính tổ chức, kỷ luật và có kế hoạch.
Ultra được biết đến với tính tổ chức, kỷ luật và có kế hoạch.
Ví dụ như một lần phóng viên của tờ Guardian, sau khi trà trộn vào một nhóm Ultra và hỏi, liệu anh có thể trèo lên đỉnh khán đài và hát? Câu trả lời là đừng bao giờ làm chuyện ngu ngốc đó, nó sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc bởi tính tự phát. Họ có người đứng đầu, các cuộc họp để thống nhất về tôn chỉ hoạt động, khẩu hiệu, bài hát và chương trình hoạt động, thậm chí cả thông cáo báo chí.
Các Ultra rất dễ nhận thấy trên sân vận động, bởi sự đồng nhất về trang phục cũng như cách thức cổ vũ. Họ sẽ nhảy, hát, vỗ tay theo nhịp điệu, sẽ đốt pháo sáng, bắn pháo hoa, ném bom khói theo hiệu lệnh được xây dựng từ trước.
Họ, đúng nghĩa với cụm từ ăn, thở, ngủ cùng bóng đá. 90 phút các cầu thủ chơi bóng là 90 phút họ hoạt động không ngừng nghỉ. 90 phút trên khán đài, họ quên đi bản thân mình và hòa làm một.
Ultras Malaya là một trong những tổ chức nổi tiếng trên thế giới.
Với mọi đội bóng, việc có một nhóm ủng hộ hết mình là điều tuyệt vời. Dù thắng hay thua, đội chơi tệ hay chơi hay, các Ultra vẫn say sưa ca hát, cổ vũ với niềm đam mê, lòng tự hào với màu cờ sắc áo, với truyền thống và lịch sử. Họ gây ra nỗi sợ hãi cho các đối thủ và thúc đẩy đội nhà chiến đấu, nhắc nhở các cầu thủ về những gì họ đang đại diện.
Nhưng các Ultra cũng mang tính cục bộ địa phương. Và như đã biết, vì sự cuồng tín, họ sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ tình yêu và lý tưởng họ theo đuổi. Vì vậy, giống như Hooligan, Ultra đi kèm với tiêu cực, như bài ngoại, phân biệt chủng tộc, phá hoại, bạo lực và gây rối.
Đó là lý do Ultra trở nên đáng sợ hơn các Hooligan bởi tính tổ chức và đồng thuận cao. Một khi họ hành động khó có lực lượng nào kiểm soát nổi.
Trong một phóng sự của ESPN về các Ultra Nga, hầu hết các thành viên đều rất trẻ, sở hữu vẻ bề ngoài đầy tri thức và cũng chăm tập thể thao. Vào ban đêm, họ sẽ vào rừng để nhóm họp với nhau, lên kế hoạch cho các trận ẩu đả với nhóm Ultra khác. Ví dụ, những gã cao lớn đi đầu, hoặc một số người thiện chiến sẽ tiến lên trước và ra đòn chớp nhoáng hòng chiếm ưu thế ngay từ khi bắt đầu.
Những nhóm côn đồ ở Nga là cơn ác mộng của bóng đá thế giới.
Giống như khi ở trên khán đài, các Ultra hát, nhảy theo hiệu lệnh từ một "nhạc trưởng" gọi là Capo, các cuộc bạo loạn, tấn công hay rút lui, cũng được dàn dựng bởi những lãnh đạo cấp cao trong tổ chức. Về cách thức, nó rất gần với hoạt động băng đảng.
Như ở Nga, công tác lựa chọn thành viên rất tàn khốc. Vài tuần một lần vào buổi sáng sớm, khoảng 30 người theo chủ nghĩa côn đồ sẽ tụ lại ở một khu đất trống được lựa chọn từ trước. Ở đó họ sẽ chia làm hai nhóm, sau đó thảo luận về chiến thuật trước khi lao vào nhau, tấn công bằng nắm đấm.
Toàn bộ quá trình chiến đấu được ghi lại bằng camera, đồng thời có sự giám sát của những Ultra kỳ cựu. Những kẻ hèn nhát hoặc chiến đấu kém không bao giờ được mời trở lại, trong khi những người chứng minh được khả năng sẽ gia nhập tổ chức.
Trong một thế giới hoàn hảo, Ultra mang đến cái hồn cho bóng đá. Nhưng tiếc thay, chúng ta đang sống trong một thế giới nhiều rủi ro. Ultra biến tướng thành nỗi ám ảnh, và khiến bóng đá trở nên đáng sợ, thay vì tận hưởng niềm vui.